“Giãi mã” bí mật nhà tuyển dụng

GD&TĐ - Những thông tin vô cùng hữu ích đối với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp ra trường khi đối mặt với nhà tuyển dụng được ông Chu Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Công ty Aprotrain chia sẻ.

“Giãi mã” bí mật nhà tuyển dụng
“Giãi mã” bí mật nhà tuyển dụng ảnh 1Ông Chu Tuấn Anh

 Nhiều sinh viên rất băn khoăn trước những yêu cầu phải có kinh nghiệm trong công việc của nhiều công ty, ông có lời khuyên nào đối với họ?

- Thực tế, các doanh nghiệp thường không đặt kỳ vọng cao rằng các bạn đã có ngay chuyên môn tốt, làm việc được ngay. 

Nên chú ý, khi doanh nghiệp yêu cầu bạn cần phải có nhiều kinh nghiệm thì tốt nhất với sinh viên mới ra trường, các bạn không nên ứng tuyển vào.

Bạn nên bắt đầu từ những vị trí thấp ở công ty. Ví dụ, theo đuổi ngành Marketing, bạn nên bắt đầu bằng vị trí nhân viên marketing - vị trí thấp nhất của phòng.

Hai là, khi nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm, các bạn đừng nghĩ rằng mình phải có mấy năm kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường; bởi ngay khi đang là sinh viên, các bạn vẫn có thể làm những công việc bán thời gian và có trải nghiệm thật sự trong lĩnh vực đó.

Như vậy, không nhất thiết phải chờ đến khi ra trường mới có kinh nghiệm mà hãy tích lũy kinh nghiệm ngay khi đang đi học.

Bạn cũng có thể theo học các khóa học ngắn hạn về kỹ năng,về ngành nghề mình muốn theo đuổi.

Trong công việc, nhà tuyển dụng để ý rất nhiều đến kỹ năng và thái độ. Yếu tố quyết định không phải ở chuyên môn mà là ở kỹ năng, ở thái độ. Nếu có điều kiện các bạn nên làm thêm, học các khóa học ngắn hạn

Không ít bạn trẻ tâm sự khi đi phỏng vấn, câu khó nhất họ gặp phải là bị nhà tuyển dụng đặt vào tình huống khó khăn không thể cứu vãn của công ty và muốn ứng viên tìm ra giải pháp. Trong vai nhà tuyển dụng, ông muốn được nghe câu trả lời như nào?

- Đây chính là kinh nghiệm thực tế của các bạn. Như bản thân tôi ít khi hỏi ứng viên của mình những câu hỏi đó, bởi khi nhà tuyển dụng hỏi câu đó thì họ thật sự bế tắc và nếu có ứng viên xuất sắc đưa ra được câu trả lời hoàn hảo thì họ phải là quản lý của người tuyển dụng đó mất rồi.

Tôi chỉ mong nhân viên của mình ở mức độ căn bản thôi. Khi bạn trả lời câu hỏi đó, bạn nên đứng ở khía cạnh của doanh nghiệp. Bạn nên hiểu doanh nghiệp cần lợi nhuận, vì vậy hãy chọn phương án nào có thể đảm bảo được lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Vậy trong trường hợp này tôi nghĩ câu trả lời tốt nhất đó là tôi sẽ cân nhắc rất kỹ về khả năng sinh lợi của dự án này và nếu trong trường hợp phương án này tiếp tục gây lỗ và không có lợi nhuận thì sẽ dừng lại, nhưng phải xin ý kiến cấp trên trước. Như vậy, chúng ta được cả hai: Chống lỗ cho công ty và vẫn được lòng cấp trên.

Nhiều nhà tuyển dụng hay đề cập đế vấn đề lương trong phỏng vấn, theo ông, trường hợp này câu trả lời thế nào là khôn ngoan?

- Trong các công ty đều có hệ thống lương, và họ sẽ không phá vỡ hệ thống đó. Bởi nếu họ phá vỡ thì chính bạn sẽ bị sức ép từ đồng nghiệp và bị quá sức.

Thường thì nhà tuyển dụng sẽ hỏi các bạn mức lương mong muốn để xác định cảm nhận giá trị của các bạn và sự tự tin, sự đánh giá phù hợp tới các bạn.

Các bạn nên xác định sự nghiệp thành giai đoạn. Tôi khuyên rằng hãy bỏ ra 3 năm để đi làm lấy kiến thức, trau dồi kinh nghiệm làm nền tảng.

Đừng đặt cao vấn đề về lương và hãy sòng phẳng với nhà tuyển dụng. Sau 3 năm tích lũy bạn đã hiểu được bản thân và nhu cầu thị trườngg thì bạn có thể định giá cho chính sức lao động của mình, lúc đó bạn có thể đưa ra mức giá bạn thấy phù hợp.

Nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng hay đặt những câu hỏi có vẻ không ăn nhập với nội dung cuộc phỏng vấn, xử lý tình huống này thế nào, thưa ông?

- Các bạn tưởng là hỏi lung tung nhưng thực ra tôi cho rằng mỗi câu nhà tuyển dụng hỏi đều có mục đích.

Khi tôi tuyển người ở vị trí hành chính, tức là người đó phải làm nhiệm vụ mua bán cho công ty và rất nhiều việc nhỏ, tôi sẽ hỏi bạn đó ở nhà có hay đi chợ hay mua sắm không. Nếu câu trả lời là không phải làm gì thì tôi sẽ không tuyển.

Hành chính là người phải có kinh nghiệm đàm phán và có khă năng mua bán. Cách đơn giản để biết ứng viên có khả năng đó không chính là hỏi ứng làm việc nhà như thế nào.

Hay ví dụ làm marketing thì sẽ hỏi trong thời gian rảnh bạn làm gì? Nếu bạn đó thích đọc sách, nghiên cứu thì đó là việc làm về chiều sâu thì bạn đó sẽ hợp với những công việc nghiên cứu hơn, còn các bạn hướng ngoại, hay đi chơi thì sẽ hợp với marketing hơn.

Thực chất họ đều hướng vào tố chất công việc của những ứng viên. Thậm chí họ sẽ hỏi thời gian bạn làm gì để xem bạn quản lý thời gian tốt không. Tôi cho rằng, để biết đam mê của bạn là gì hãy nhìn vào khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ tối bạn làm gì.

Thực tế 80% doanh nghiệp không đánh đố người đi xin việc mà họ sẽ rất chân thành để người ứng viên bộc lộ được khả năng của mình. Các bạn cần trang bị chuyên môn tốt, kỹ năng giỏi như luôn đổi mới sáng tạo, giao tiếp, tiếng anh thành thạo.

Tôi lấy thêm ví dụ, hai bạn cùng tốt nghiệp Aptech với năng lực như nhau, nhưng một bạn có tiếng Anh tốt hơn, chỉ trong một thời gian ngắn đã được cất nhắc lên vị trí trưởng dự án.

Vì vậy tiếng Anh chính là lợi thế cho các bạn. Khi có chuyên môn vững, tiếng Anh tốt và kỹ năng giỏi thì lúc này nhà tuyển dụng sẽ rất nhanh chóng tìm đến.

 Làm thế nào để có thể khắc phục sự hồi hộp khi tham dự phỏng vấn, thưa ông?

- Tại sao bạn hồi hộp? Đó là vì bạn chưa có kinh nghiệm. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm thật của mình:

Tôi đúc rút ra rằng, chỉ có 3 chữ để thành công trong phỏng vấn, đó là: chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị.

Chuẩn bị sẽ giúp các bạn tự tin hơn rất nhiều. Các bạn hãy chuẩn bị kịch bản nói của mình để chứng minh mình là người có tố chất.

Khi còn là học sinh, cứ đến giờ kiểm tra miệng sao chúng ta lại sợ? Đó là vì chúng ta chuẩn bị chưa kỹ. Còn nếu đã chuẩn bị kỹ sẽ rất tự tin?

Ngoài ra, kỹ năng để khắc phục sợ hãi nói chung, đó là chúng ta hãy nhìn thẳng và đối diện với sự sợ hãi. Bạn hãy hỏi tại sao mình phải sợ? Và khi phát hiện ra chẳng có gì phải sợ thì đó chính là sự sợ hãi vô cớ.

Và hãy nghĩ rằng, khi xin việc, nếu chúng ta không được nhận thì bù lại chúng ta được kinh nghiệm, đó là được chứ không phải là mất.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống Buk-M3 xuất hiện tại chiến trường Ukraine.

Vũ khí chuyên săn lùng ATACMS, Storm Shadows

GD&TĐ - Theo kênh Tvzvezda, phiên bản mô-đun của tổ hợp đánh chặn Buk-M3 ra đời chuyên để săn lùng vũ khí phương Tây, trong đó có tên lửa ATACMS, Storm Shadows.