(GD&TĐ) - Tại trung tâm sa mạc ở Thung lũng Chết (California, Mỹ) có một nơi gọi là Racetrack Playa với những hòn đá kỳ lạ, bị đẩy bởi những lực bí ẩn, có thể di chuyển trên sa mạc và để lại những dấu vết rõ rệt, nhìn thấy bằng mắt thường. Mới đây bí ẩn này đã được giải đáp.
Người vén màn là Ralph Lorenz - Nhà hành tinh học ở Trường Đại học Hopkins (Mỹ). Vào năm 2006, ông làm việc cho một dự án của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Trong khuôn khổ của dự án, Lorenz có nhiệm vụ lắp đặt các trạm dự báo thời tiết tại Thung lũng Chết và ông đã phát hiện ra những “hòn đá lăn” kì bí. Khi đó, ông đã quyết định tìm hiểu sự việc một cách kỹ lưỡng.
Câu trả lời tình cờ đến với Lorenz khi ông quan sát vị trí va chạm của hai “hòn đá lăn”. Thực ra nói là va chạm cũng không thật chính xác, bởi các tảng đá không chạm vào nhau mà lướt qua nhau ở một khoảng cách gần, như thể giữa chúng có một lực đẩy vô hình nào đó. Phát hiện nói trên khiến các nhà khoa học nghĩ đến một hiện tượng đã từng xảy ra ở châu Nam cực. Đó là thỉnh thoảng có những tảng đá nặng vài ba tấn bị nước biển đẩy lên bờ. Nguyên nhân là những hòn đá này được băng bao phủ dày đến nỗi chúng có thể nổi trên mặt nước!
Lorenz đi đến kết luận rằng hiệu ứng tương tự cũng có thể xảy ra trên sa mạc - nơi mà nhiệt độ vào ban đêm có thể xuống dưới 00C. Vì thế, ông chuẩn bị một thí nghiệm nhỏ như sau: ông đặt mấy cục nước đá (đóng băng) dưới một tảng đá, sau đó bê tất cả đặt lên một bề mặt có cát, mô phỏng bề mặt sa mạc. Hóa ra, những “núi băng thu nhỏ” có thể làm tảng đá chuyển động, để lại dấu vết rõ rệt thậm chí cả khi có gió nhẹ. Hơn nữa, trong trường hợp va chạm, hai hòn đá không bao giờ chạm vào nhau mà chỉ có các lớp băng đẩy nhau ra xa. Ban ngày, băng tan chảy và chúng ta có cảm giác như các hòn đá đã tự di chuyển trong đêm.
Lê Văn
(Theo báo nước ngoài)