Giải 'cơn khát' nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Nhu cầu cao về nhân lực khiến du lịch trở thành một trong những nghề “hot” được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được “thực chiến” trong suốt quá trình học.
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được “thực chiến” trong suốt quá trình học.

Tuy số lượng sinh viên theo học lớn, song các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch vẫn thiếu người trầm trọng, đặc biệt “khát” nhân lực chất lượng cao.

Chất lượng lao động chưa đạt kỳ vọng

Theo thống kê, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL); 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel college và Trường Trung cấp du lịch - khách sạn Saigontourist của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines và Malaysia... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4 - 5 sao đều có người lao động nước ngoài.

Vấn đề này đến từ việc chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.

Số liệu thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Thế nhưng, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm; trong số đó, chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhu cầu về nhân lực cao, song các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch vẫn thiếu người trầm trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Sơn (quận Hà Đông, Hà Nội) làm công tác tuyển dụng nhân sự của một công ty lữ hành tại địa bàn quận Đống Đa cho biết, hiện nay nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các cơ sở đào tạo… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ.

Theo ông Sơn, nhiều sinh viên tuy tốt nghiệp bằng khá, giỏi, song năng lực giao tiếp và xử lý tình huống trong quá trình làm việc với khách hàng còn yếu, trình độ ngoại ngữ chưa đạt được mức kỳ vọng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp

Nhận thức được tồn tại đó, nhiều trường đại học, cao đẳng đã có những cập nhật mới về chương trình và phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ThS Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ: “Đối với khối nghề dịch vụ, đặc biệt là các nghề liên quan trực tiếp và gián tiếp tới du lịch, vô nghĩa nhất là chỉ chú trọng đào tạo lý thuyết mà thiếu sự thực hành.

Chính bởi vậy, đối với các sinh viên theo học tại trường, chúng tôi luôn đẩy mạnh việc thực hành cho các em xuyên suốt quá trình học, thời gian thực hành lên tới 70% thời lượng toàn khóa học. Tuy nhiên, không vì vậy mà nhà trường xem nhẹ việc đào tạo lý thuyết, sinh viên cần nắm vững lý thuyết thì mới áp dụng vào thực hành hiệu quả được”.

Em Nguyễn Thị Hải Yến, sinh viên Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: “Ngoài thời gian học trên trường, chúng em được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế qua thực tập nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, em cũng được tham gia vào các buổi tọa đàm, tham quan tại các khách sạn lớn để tiếp cận đồng thời có cái nhìn bao quát về môi trường thực tế, những yêu cầu, khó khăn của công việc để định hướng, gắn kết xu hướng công việc hiện tại và tương lai. Em nghĩ đây là những hoạt động thiết thực mà sinh viên ngành nghề nào cũng nên được tiếp cận, không chỉ nghề du lịch”.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, bên cạnh đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng nghề, nhà trường còn chú trọng lồng ghép đào tạo kỹ năng “mềm” như: Làm việc nhóm, bồi dưỡng khả năng giao tiếp của sinh viên.

“Trong bối cảnh hội nhập, sự linh hoạt các kỹ năng “mềm” sẽ giúp các em sinh viên tạo dựng mối quan hệ tốt trong môi trường làm việc, chủ động trong mọi tình huống, biết bộc lộ và bảo vệ quan điểm cá nhân. Từ đó tự tin phát triển bản thân, đồng thời nắm bắt được nhiều cơ hội trong công việc”, ông Trịnh Cao Khải chia sẻ.

Bên cạnh đó, trên thực tế còn một lý do khiến nhân lực có chất lượng chưa cao, đó là tồn tại vấn đề nhiều sinh viên bỏ dở việc học để đi làm khi chưa đủ kỹ năng, kiến thức, bằng cấp.

“Lý do nhiều em tốt nghiệp muộn và không lấy bằng chủ yếu do sinh viên đi làm sớm, mải mê làm việc mà bỏ bê nhiệm vụ chính là học tập. Sinh viên nên tiếp cận môi trường doanh nghiệp từ sớm để hiểu quy trình làm việc và nhu cầu của thị trường lao động. Thế nhưng, nhiều bạn có suy nghĩ “học tới đây là đủ biết nghề rồi” nên bỏ ngang việc học sau khi tiếp cận thị trường lao động”, ông Trịnh Cao Khải trăn trở.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều doanh nghiệp “khát” nhân lực chất lượng cao, nhân lực được đào tạo bài bản và có những kỹ năng cốt lõi, thực chất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít sinh viên phải quay trở lại hoàn thành việc học sau một thời gian gia nhập thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.