Làm gì để nhân sự ngành Du lịch thoát khỏi 'tấm áo cũ'?

GD&TĐ - Nhân lực ngành Du lịch bị đánh giá thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hạn chế về kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong một giờ thực hành. Ảnh: ICH
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong một giờ thực hành. Ảnh: ICH

Đây là thách thức cần ngành này phải có sự chuyển biến để tăng tốc, chạy đua với nhu cầu phát triển trong thực tế.

Nhiều trưởng ca, giám sát chưa có bằng đại học

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Du lịch: Hiện trạng và giải pháp” diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn (ngày 28/10 vừa qua), TS Nguyễn Đường Giang, nguyên Tổng Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã công bố những số liệu đáng chú ý về thực trạng nhân sự ngành Du lịch.

Theo nghiên cứu được ông và cộng sự thực hiện tại 12 đơn vị lưu trú thuộc sở hữu Nhà nước từ 3 - 5 sao, có 51% nhân sự thuộc ban điều hành cơ sở lưu trú có trình độ từ đại học và 49% có trình độ sau đại học.

Riêng với vị trí trưởng bộ phận, bên cạnh lực lượng lớn có trình độ đại học, vẫn còn 7% trình độ cao đẳng và 20% trình độ trung cấp nghề. Với nhân sự trưởng ca, giám sát, đa số có trình độ trung cấp nghề với hơn 64%; còn lại 9% là trình độ cao đẳng, 25% đại học và 2% sau đại học.

Từ kết quả này, ông Nguyễn Đường Giang cho rằng, trình độ lao động ngành Du lịch nhìn chung ngày càng được nâng cao nhờ vào sự phát triển của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, cần thiết phải nâng cao năng lực, trình độ học vấn chuyên môn cho các nhân sự quản lý, đặc biệt trong nhóm trưởng/ phó bộ phận và trưởng ca giám sát.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trương Quang Vinh, Phòng Quan hệ quốc tế - Quan hệ doanh nghiệp và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành Du lịch cần được bổ sung.

Theo báo cáo thường niên du lịch năm 2019, Việt Nam có hơn 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch làm việc trước đại dịch. Trong đó, khoảng 860 nghìn lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành Du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác và 20% chưa qua đào tạo.

Riêng TPHCM, theo khảo sát của TS Hoàng Thúy Hà, Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường ĐH Sài Gòn, hiện có hơn 140.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch (chiếm 5% tổng số nguồn nhân lực của thành phố). Trong đó, 90% nhân sự đã qua đào tạo nhưng đại học chỉ chiếm 15%, trung cấp và cao đẳng 50%, sơ cấp 25%.

Theo GS.TS Trương Quang Vinh, số lượng người lao động trong ngành Du lịch được đào tạo khá khiêm tốn, chưa cung ứng đầy đủ cho thị trường. Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch do các cơ sở đào tạo (kể cả bậc đại học) cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ năng.

“Người có kinh nghiệm và thành thạo chuyên môn thì chưa được đào tạo, còn người được đào tạo đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ lại chưa có khả năng làm việc ngay và cần tái đào tạo ở các doanh nghiệp”, GS.TS Trương Quang Vinh nhận định.

ThS Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Hiến đánh giá, nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu, toàn diện và yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức.

Nguồn nhân lực ngành Du lịch đang đối mặt với thực trạng mất cân bằng, thừa, thiếu và yếu: Thừa thợ không chuyên mà thiếu thợ chuyên nghiệp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn, làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Ngoài ra, nhân lực lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, nhất là với các ngoại ngữ hiếm; yếu kiến thức hội nhập, tin học….

“Cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chất lượng còn chưa cao, thiếu tính thực tiễn, nặng về lý thuyết nên còn nhiều hạn chế. Các trường chưa thực hiện nhiều chương trình hợp tác với nước ngoài để nâng cao chất lượng, cập nhật sự phát triển theo tiêu chuẩn chung của thế giới”, bà Nguyễn Thị Diễm Tuyết cho biết thêm.

Sinh viên ngành Du lịch, Trường CĐ Quốc tế TPHCM trong giờ tham quan và học thực tế. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Du lịch, Trường CĐ Quốc tế TPHCM trong giờ tham quan và học thực tế. Ảnh: NTCC

Nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường

PGS.TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, du lịch trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Riêng TPHCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước, có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch. Vừa qua, ngành Du lịch cũng chịu nhiều tác động của khu vực và thế giới. “Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng sức cạnh tranh cho ngành Du lịch hiện nay cần được quan tâm đặc biệt”, PGS.TS Lê Chi Lan nói.

Theo thống kê, cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo ngành Du lịch phân bố đều trên các tiểu vùng du lịch. Trong đó, 62 trường đại học, 10 trường cao đẳng chuyên ngành đào tạo du lịch, 45 trường cao đẳng có ngành Du lịch và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, GS.TS Trương Quang Vinh đề xuất mô hình đào tạo dựa trên năng lực và nhu cầu của thị trường.

Trong mô hình này sẽ có các mối quan hệ liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; cơ sở đào tạo, sinh viên và doanh nghiệp du lịch.

Cơ sở giáo dục là tổ chức chịu trách nhiệm chính trong công tác đào tạo: Cập nhật, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện nội dung, chương trình, cấp bằng cho người học...

Doanh nghiệp đóng vai trò là “đòn bẩy”, kích thích sự sáng tạo và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sản phẩm đào tạo, cung cấp thêm nguồn lực cho nhà trường. Doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư và phát triển. Họ sẽ giảm được thời gian và chi phí cho việc tái đào tạo nguồn nhân lực nếu sử dụng nguồn nhân lực mà một phần do chính mình đào tạo ra.

TS Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM nêu ý tưởng về mô hình đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ: Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn. Theo đó, nhà trường thiết kế chương trình đào tạo theo tín chỉ trình độ cao đẳng với phương châm lấy sinh viên làm trung tâm. Sinh viên được phát huy tính chủ động, tự học, linh hoạt về thời gian học tập và tốt nghiệp. Với các ngành dịch vụ Hướng dẫn du lịch, Quản trị khách sạn, số giờ thực hành chiếm 64 - 66% chương trình.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2013 - 2020, nhu cầu nguồn nhân lực ngành Du lịch chiếm 8% tổng số nhu cầu nhân lực tại TPHCM. Mặc dù số lượng lao động ngành Du lịch tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, trong số lao động tham gia vào ngành Du lịch, vẫn có một số lượng lớn chưa qua đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ