Giải 'cơn khát' giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu đã tồn tại nhiều năm nay; trong đó, số giáo viên thiếu khá lớn. Nguyên nhân thiếu giáo viên có nhiều.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đầu tiên, phải kể đến việc dân số tăng hằng năm dẫn đến số học sinh và nhu cầu về trường, lớp và giáo viên cũng tăng theo. Bên cạnh đó, do thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS nên việc huy động trẻ đến lớp tăng cao dẫn đến tăng nhanh quy mô trường lớp, học sinh...

Trong khi đó, từ năm 2015, biên chế hầu như không được giao bổ sung, trong bối cảnh các địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế, ảnh hưởng đến số lượng và cơ cấu giáo viên theo môn học. Việc thực hiện tinh giản biên chế ở các địa phương còn cào bằng về tỷ lệ, chưa linh hoạt. Một số nơi bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút nhà giáo đến công tác ở địa bàn khó khăn hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới (Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trước đây là môn tự chọn, môn Nghệ thuật cấp THPT là môn học mới) nên thiếu giáo viên để dạy các môn học này.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức giáo viên, chỉ đạo địa phương trong việc thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành môn học mới, đào tạo giáo viên dạy liên môn; tăng cường liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra, rà soát và báo cáo, đề xuất Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên.

Về phía địa phương, đã tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên các cấp học theo quy định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ; tổ chức dồn dịch, sáp nhập trường lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII... Những giải pháp trên giúp cải thiện khó khăn về số lượng đội ngũ; tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó giải.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026. Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), với số lượng gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026; trong đó năm học 2022 - 2023 được bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông thì về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục, trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là tin vui với ngành Giáo dục; tuy nhiên, các địa phương cần tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, không để dành để thực hiện tinh giản biên chế.

Để thấy rằng, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan; làm rõ trách nhiệm của đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng này. Nguyên tắc, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên vừa bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phải bảo đảm phương châm: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; ở đâu có học sinh, ở đó phải có trường lớp; bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em, học sinh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ