Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục là dịp để chính các nhà báo tri ân thầy cô

GD&TĐ - Nhà báo Đăng Chung đã phản ánh không khí thi đua học ngoại ngữ ở các khu công nghiệp. Tuyến bài này tham dự Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục.

Nhà báo Đăng Chung trong lần tác nghiệp tại Bắc Giang.
Nhà báo Đăng Chung trong lần tác nghiệp tại Bắc Giang.

Tuyến bài "Đào tạo Ngoại ngữ - đòn bẩy cho lao động thời 4.0" của tác giả Đăng Chung (Báo Giáo dục và Thời đại) tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam đã ghi nhận không khí thi đua học tập ngoại ngữ từ lớp học đến khu công nghiệp tại các đại phương (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên).

Học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu

Hiện nay, cùng với trình độ tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ được xem là yếu tố cần thiết giúp người lao động (NLĐ) đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất tại doanh nghiệp (DN). Bởi đều xuất phát điểm vào làm việc ở công ty trong khu công nghiệp (KCN), nhưng có người từ công nhân trở thành tổ trưởng sản xuất, trợ lý người sử dụng lao động, quản lý với lương tháng tới hàng chục triệu đồng nhờ biết ngoại ngữ. Nhiều công ty, tập đoàn ở thủ phủ KCN miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên) chú trọng đào tạo ngoại ngữ, để có nhân sự đảm nhiệm vị trí quan trọng. Có công ty còn liên kết với các trường, mở lớp “chọn” của doanh nghiệp…

Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để nhà báo Đăng Chung tìm hiểu và viết về những nỗ lực của ngành giáo dục Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ từ học sinh, sinh viên, người lao động.

9c7a6d345f11e44fbd00.jpg
Nhà báo Nguyễn Đăng Chung.

Tác giả chia sẻ, những năm qua, ngành giáo dục Bắc Ninh, Bắc Giang luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đây cũng là những địa phương đang trong quá trình phát triển, được sự quan tâm của các cấp, uỷ, chính quyền và nhân dân đối với ngành giáo dục. Các địa phương này dành khoảng 70% ngân sách để đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, tuyến bài "Đào tạo Ngoại ngữ - đòn bẩy cho lao động thời 4.0" của tác giả Đăng Chung đã ghi nhận không khí thi đua học tập ngoại ngữ từ lớp học đến khu công nghiệp tại các đại phương (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên), vai trò ngoại ngữ trong xã hội hiện đại 4.0, hội nhập quốc tế.

Trong đó, với các bạn trẻ, ngoại ngữ là “điểm cộng” trước các nhà tuyển dụng. Do đó, người lao động phải chủ động tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp và tự trang bị kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, ngoại ngữ để nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân khi bước vào thị trường lao động. Nếu có ngoại ngữ, các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều hướng đi phát triển tốt trong công việc.

2ad90bd938fc83a2daed.jpg
Nhà báo Đăng Chung trong một lần tác nghiệp, chụp ảnh với thầy cô, học sinh Trường THCS Mai Dịch (Hà Nội).

Ngoại ngữ được xem là cả một quá trình rèn luyện, nhất là thế hệ trẻ. Khi người học thoát khỏi tư duy ngoại ngữ là một môn học, thay vào đó quan niệm rằng đây là một kỹ năng sinh tồn cần có trong xã hội hiện đại, thì khi đó, năng lực ngoại ngữ mới có thể cải thiện. Người lao động học, trang bị ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu.

Chia sẻ về tuyến bài "Đào tạo ngoại ngữ - đòn bẩy cho lao động thời 4.0", tác giả Đăng Chung cho biết, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên là những địa bàn thủ phủ công nghiệp. Những khu vực này là nơi mà đời sống của người dân cũng dần phát triển, không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Đặc biệt, đây là những điểm đến an toàn, để nhiều người trẻ lập nghiệp, trở thành công nhân chất lượng cao. Do đó, những năm qua, Bắc Ninh, Bắc Giang đã có nhiều chính sách ưu tiên cho đào tạo nguồn nhân lực. Ở trong các khu công nghiệp, đời sống người lao động luôn được ưu tiên, từ xây nhà ở xã hội, cho đến những quan tâm khác.

"Tôi đã có cơ hội được gặp nhiều công nhân ở những khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… cũng như chứng kiến sự nỗ lực của họ trong việc phấn đấu trau dồi khả năng ngoại ngữ. Việc nâng cao ngoại ngữ cho người lao động cũng là kỳ vọng của người sử dụng lao động, chính quyền địa phương ở các khu công nghiệp. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên, ngoại ngữ của người lao động được xem là yếu tố vô cùng quan trọng..." - nhà báo Đăng Chung chia sẻ.

Sân chơi cho phóng viên, nhà báo cả nước

Chia sẻ về Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, nhà báo Đăng Chung cho rằng, đây là một dịp đáng mong chờ, là giải thưởng báo chí uy tín đối với những người làm báo. Mỗi một tác phẩm tham dự giải sẽ như một tấm gương phản chiếu, giúp xã hội nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục, giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục. Thông qua đó là sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung.

Không chỉ tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ các đồng nghiệp ở mọi miền Tổ quốc, Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" còn giúp những người làm báo xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nền giáo dục, thông qua các tác phẩm báo chí.

Bày tỏ vinh dự khi tuyến bài "Đào tạo ngoại ngữ - đòn bẩy cho lao động thời 4.0" dự kiến được Ban tổ chức trao giải, nhà báo Đăng Chung nhấn mạnh, giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" là sân chơi dành cho phóng viên, người làm báo cả nước, nhất là phóng viên theo mảng giáo dục. Đồng thời đây cũng là dịp tri ân thầy cô giáo và những mái trường trong mỗi thế hệ học trò, trong đó có đội ngũ phóng viên, nhà báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái chủ trì phiên họp. (Ảnh: CTTĐT Yên Bái)

21 Đảng viên ở Yên Bái bị khởi tố

GD&TĐ - Cơ quan điều tra công an các cấp tại Yên Bái khởi tố 13 vụ/29 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng, trong đó có 21 bị can là đảng viên.