Bộ phim tài liệu được thực hiện bởi nhóm tác giả: Vũ Minh Phương; Bạch Hoàng Đạt; Đặng Thái Huyền; Đỗ Trung Quân; Bùi Văn Trường; Lê Ngọc Chiến và Nguyễn Mạnh Tùng.
Trong đó, Trung tá Vũ Minh Phương là đạo diễn và Đại úy Bạch Hoàng Đạt làm biên kịch.
Đón Tết ở đồn biên phòng
Bối cảnh của bộ phim được quay tại Đồn biên phòng Bạch Đích, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, các chiến sĩ tại đồn biên phòng còn kiêm thêm vai trò đặc biệt đó là “làm bố” của hai em Mua Văn Minh và Chảo Thanh Thiên. Các em là con nuôi của đồn biên phòng từ năm 2018.
Chia sẻ quá trình thực hiện bộ phim, đạo diễn Vũ Minh Phương cho biết, đề tài được “thai nghén” lên ý tưởng từ cuối năm 2022. Sau khi được sự chấp thuận của Ban Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, ekip đoàn làm phim vẫn vượt gần 400 km từ Hà Nội lên Hà Giang khảo sát đề tài, gặp gỡ nhân vật.
“Những cảnh quay đầu tiên đã được thực hiện ngay trong những ngày cuối năm 2022. Vậy mà đến tận cuối năm 2023, bộ phim mới đến được khán giả. Không ngờ hành trình lần này của chúng tôi cũng gian nan như hành trình đến với con chữ của các em nhỏ nơi đây”, đạo diễn Vũ Minh Phương bộc bạch.
Đoàn làm phim xác định sẽ ở lại xuyên Tết vừa tìm hiểu và có những cảnh quay chân thực nhất về cán bộ, chiến sĩ, bà con đồng bào nơi miền biên giới trong dịp Tết đến xuân. Đặc biệt là có thời gian gần gũi, tiếp xúc với 2 nhân vật chính trong phim. Đó là 2 cậu học trò Mua Văn Minh (người dân tộc Mông) và Chảo Thanh Thiên (người dân tộc Dao), cùng SN 2009 và đều mồ côi bố từ nhỏ.
Mua Văn Minh, trước khi đến với các chú bộ đội, sống cùng mẹ ở xã Thắng Mố, huyện Bạch Đích. Bố mất, hai mẹ con về nương nhờ cùng bà ngoại, chỉ có mảnh nương nhỏ cằn cỗi nằm bên triền núi tai mèo là sinh kế duy nhất để hai mẹ con sống qua ngày và nuôi những hy vọng mong manh.
Cuộc sống của Chảo Thanh Thiên cùng em gái còn khó khăn gấp bội, bố cũng mất sớm, mẹ đi bước nữa. Hai đứa trẻ côi cút sống cùng với vợ chồng bác gái. Cũng may cho hai anh em, bác rể rất thương cháu. Tuy cũng nghèo nhưng hơn vạn lần quay trở lại ngôi nhà xưa nay hoang lạnh, ngói đã xô, cỏ đã mọc trùm khoảng sân trước cửa.
Hoàn cảnh như vậy, sớm đã để lại ánh mắt ưu tư trên khuôn mặt đứa trẻ từ lúc chưa lên 10 tuổi. Hơn 5 năm ở Đồn, cuộc sống đã khác, không còn cơ thể gày gò, ốm yếu nhưng ánh mắt con vẫn như vậy.
Vì một số lý do mà đến tháng 8/2023 bộ phim mới chính thức bấm máy, phải đến gần cuối năm 2023, bộ phim mới được hoàn thành. Quá trình ghi hình, đoàn làm phim phải chia làm nhiều đợt trong suốt hơn 1 năm. Có những thời điểm cả đoàn phải ăn nghỉ hơn nửa tháng tại Đồn biên phòng Bạch Đích.
“Để không ảnh hưởng đến việc học của các con, cả ekip thống nhất chia bộ phim làm 2 phần gồm cảnh quay ở trường và cảnh quay tại trạm. Đợt quay thứ 2 dự kiến sẽ quay vào tháng 4/2023, nhưng thời gian này các con ôn thi, chúng tôi phải dời lịch sang tháng 8. Cũng chính vì vậy, sau 9 tháng gặp lại, các con đều lớn phổng, cả đoàn phải mất một lúc mới nhận ra nhân vật mình từng quay”, đạo diễn Phương không khỏi bật cười khi nhớ lại kỷ niệm.
Sự thay đổi về ngoại hình của các em, khiến ekip buộc phải thay đổi theo, chọn lọc những góc máy, mẩu chuyện và hình ảnh phù hợp hơn. Cả “bố” và con đều lần đầu tiên tiếp xúc với máy quay, ít nhiều tỏ ra e dè, ngại ngùng, nhất là Minh và Thiên. “Thời gian ở cùng với các chiến sĩ, chúng tôi càng thấu hiểu, xúc động trước tình cảm, trách nhiệm của các anh đối với hai con. Điều đó càng thôi thúc mỗi thành viên trong ekip cố gắng quay được những khoảnh khắc chân thực nhất để truyền tải đến người xem trong mỗi thước phim”, đạo diễn Minh Phương tâm sự.
Sau khi quay những phân cảnh tại trạm, đoàn làm phim lại “khăn gói” quay trở lại Hà Nội chờ nhà trường khai giảng. Đến 15/9, khi các em đã đi học ổn định, những thước phim cuối cùng của 2 cậu học trò Thiên và Minh tại trường tiếp tục được thực hiện.
Đào sâu, làm mới đề tài đã cũ
Mỗi thước phim là quá trình trưởng thành của 2 cậu học trò Minh và Thiên. Từ khi các em là những đứa trẻ bất hạnh, cơ cực, sớm mồ côi thiếu tình thương của bố. Từ những cậu bé mặc cảm, e dè những bằng tình thương của những người bố mặc áo lính các em đã tự tin, biết ước mơ và trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Theo đạo diễn Vũ Minh Phương, đây không phải là câu chuyện hay đề tài mới, trước đó đã có rất nhiều tác phẩm về đề tài “Con nuôi đồn biên phòng” của lực lượng biên phòng. Anh chia sẻ: “Chắc hẳn nhiều khán giả cũng sẽ đặt câu hỏi “Các con hiện nay như thế nào?” Và chúng tôi đã thực hiện tác phẩm để trả lời cho câu hỏi này. Đó là bằng tình thương, những người bố ở đây đã vun trồng từ những mầm non sớm ngả nghiêng trước những biến cố cuộc sống, nay trưởng thành, có nhận thức, suy nghĩ. Chính những chính sách phù hợp của lực lượng biên phòng đã góp phần giúp tương lai các em bớt mịt mờ giữa mênh mông núi rừng biên viễn”.
Ròng rã 1 năm trời, đến tháng 12/2023, bộ phim chính thức hoàn thành với tên gọi “Bên cạnh bố”. Tựa tác phẩm cũng chính là niềm mong mỏi của Mua và Minh – 2 cậu bé đều mồ côi bố từ nhỏ. Các em, chẳng mong ước gì hơn ngoài được lớn lên trong tình yêu thương đủ đầy của cha mẹ. Nhưng 5 năm qua, điều ước của các em đã trở thành hiện thực khi Thiên và Minh trở thành con nuôi của gần 100 cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Bạch Đích. “Giờ chúng con có nhiều bố, nhiều mẹ hơn tất cả các bạn trong lớp cộng lại...", như lời tâm sự của Mua Văn Minh.
Ngay khi tác phẩm được phát sóng đã nhận được sự đón nhận và phản hồi hồi tích cực từ khán giả. Đồng thời, Hội đồng nghệ thuật của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã lựa chọn tác phẩm “Bên cạnh bố” dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2024. Tác phẩm đã xuất sắc là 1 trong những tác phẩm đạt giải của cuộc thi năm nay.
Đây cũng là lần đầu tiên đạo diễn Vũ Minh Phương và ekip tham dự giải báo chí quy mô về lĩnh vực giáo dục.
“Chúng tôi chỉ mong tác phẩm của mình có sức lan tỏa sâu rộng đến khán giả, qua đó để mọi người dân hiểu hơn những hy sinh vất vả của lực lượng vũ trang. Đồng thời, người xem hiểu hơn những thiệt thòi, khó khăn của một bộ phận nhân dân, nhất là trẻ em vùng sâu vùng xa trong hành trình đến với con chữ... Việc được giải thật bất ngờ, có thể chỉ là đúng thời điểm, đúng tác phẩm...”, tác giả bày tỏ.
Đạo diễn Vũ Minh Phương đã có nhiều bộ phim tài liệu về đề tài người lính và giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi và liên hoan phim.
Năm 2018, phim tài liệu “Như hạt phù sa” đạt giải A Cuộc thi Vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM, giai đoạn 2016-2018.
Năm 2019, phim tài liệu “Chưtankara” đạt giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, Cánh diều Vàng- Hội Điện ảnh VN năm 2019 và Giải A- Giải thưởng VHNT báo chí 5 năm (2014-2019) Bộ Quốc phòng.
Năm 2022, phim tài liệu “Niềm tin” - Giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ 17...