Niềm vui trong nghề
Theo phóng viên Nguyễn Thị Thúy Hằng, Báo Thanh niên, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là một sân chơi rất ý nghĩa cho người làm báo nói chung và phóng viên theo dõi mảng giáo dục nói riêng. Đây là cơ hội ghi nhận những tác phẩm báo chí tạo dư luận xã hội.
Qua đó, góp phần lan toả tinh thần truyền tải những vấn đề xã hội quan tâm của các phóng viên. Đặc biệt, Giải báo chí vừa là nơi gửi gắm tâm tình, trao đổi thêm về nghiệp vụ, vừa là cơ hội để mỗi tác giả bằng ngòi bút của mình góp thêm tiếng nói, truyền tải thông tin, vấn đề nóng của ngành Giáo dục.
Nhà báo Thúy Hằng cho biết năm 2022 là năm đầu tiên gửi bài dự thi. Loạt bài “Vì sao giáo viên nghỉ việc?” của nhóm gồm Thúy Hằng - Bích Thanh - Tuệ Nguyễn đạt giải khuyến khích. "Đây là một niềm vui trong nghề với tôi. Vui hơn là sau đó, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đời sống giáo viên, quan tâm hơn tới giáo viên, nhiều địa phương có những đề án thu hút giáo viên, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc...”, nhà báo Thuý Hằng chia sẻ.
Phóng viên Thúy Hằng, Báo Thanh niên. Ảnh: NVCC. |
Với phóng viên Lục Thị Khánh Chi, Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, mỗi một tác phẩm báo chí có sức lan tỏa và tác động xã hội, được công chúng đón nhận vốn dĩ đã là một “giải thưởng” đối với người làm báo. Nhưng càng đặc biệt hơn khi tác phẩm đó được ghi nhận tại một giải báo chí uy tín, tầm cỡ dành riêng cho lĩnh vực giáo dục như Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Nhà báo Khánh Chi tâm sự: “Tôi từng có 11 năm gắn bó với nghề báo, trong đó có 6 năm phụ trách lĩnh vực giáo dục. Tôi đã có 2 lần vinh dự được nhận giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Đó thực sự là niềm hạnh phúc và tự hào, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ với những người làm báo nói chung, và phóng viên phụ trách lĩnh vực GD&ĐT nói riêng. Qua đó, nhiều nhà báo đã không ngừng nỗ lực để tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng đến với công chúng”, Khánh Chi chia sẻ.
Mong muốn tiếp tục đồng hành
Với nhà báo Khánh Chi, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là cơ hội để người làm báo đem đến những tác phẩm, những đề tài mà mình tâm đắc nhất trong lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giải đã ghi nhận nỗ lực của những người làm báo, vinh danh các tác phẩm được đầu tư công phu, đề tài có tính phát hiện.
Sân chơi này mang tới niềm vui cho những người làm báo khi những cố gắng, nỗ lực trong nghề nghiệp được ghi nhận, vinh danh. Đặc biệt, đây còn là cơ hội được tiếp cận với các tác phẩm xuất sắc của đồng nghiệp để học hỏi, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân.
Vì thế, Khánh Chi cũng mong muốn Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam tiếp tục tạo được tiếng vang và ngày càng có sức lan toả sâu rộng, thu hút được đông đảo những cây bút chuyên và không chuyên tham dự.
“Hi vọng những bài viết của các tác giả tham dự Giải sẽ góp phần tạo nên bức tranh toàn diện về giáo dục, giúp cho những người đứng đầu ngành giáo dục có cái nhìn toàn diện hơn, về những “điểm sáng” và cả những “góc tối”. Từ đó không chỉ tôn vinh những tập thể, cá nhân, hoạt động giáo dục tiêu biểu, mà còn góp phần vào việc tham mưu, đưa ra những quyết sách có ý nghĩa thực nhằm giải quyết những thách thức, thúc đẩy giáo dục ngày càng phát triển”, Khánh Chi nói.
Phóng viên Khánh Chi (bên trái), hai lần đạt giải Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Còn nhà báo Thúy Hằng, Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam của Bộ GD&ĐT là một giải thưởng uy tín, khích lệ những cây bút trong lĩnh vực giáo dục, phát hiện nhiều đề tài hay, mới trong lĩnh vực giáo dục, đồng hành cùng giáo viên, đóng góp những tiếng nói xây dựng ngành giáo dục phát triển hơn. Có thể thấy Giải báo chí này càng thể hiện tính chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của đông đảo các cây viết trên cả nước.
Thúy Hằng cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn Giải báo chí viết về giáo dục được duy trì thường niên, trở thành một thương hiệu riêng của ngành Giáo dục. Đồng thời những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều tác phẩm truyền cảm hứng về hình ảnh người thầy, để những cống hiến của họ để xã hội hiểu và luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Qua đó ghi nhận, tôn vinh kịp thời, xứng đáng sự đóng góp của báo chí vào tuyên truyền chính sách, phản ánh hoạt động của ngành giáo dục, cũng như phản biện, góp ý để hoàn thiện chủ trương chính sách ở lĩnh vực giáo dục, tạo niềm tin của xã hội vào sự nghiệp giáo dục nước nhà”.
“Với tôi, nghĩ đến sự nỗ lực, đến tâm huyết của từng nhà giáo mà chỉ có duyên gặp gỡ trong hành trình làm báo, nghĩ về sự tin tưởng của nhiều phụ huynh dành cho chị và các đồng nghiệp, tôi lại có thêm động lực để gắn bó, tận tâm với nghề. Tôi hạnh phúc vì được làm nghề mà mình đam mê. Với tôi, đây không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà hơn thế, là một nghề giúp tôi được góp phần bé nhỏ của mình vào việc thúc đẩy sự công bằng, tạo dựng một xã hội văn minh”, nhà báo Thúy Hằng chia sẻ.