Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam': Những tác phẩm khó quên

GD&TĐ - Nhiều tác phẩm dự thi để lại ấn tượng sâu sắc với giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Những người dũng cảm đi vào tâm dịch

Ông Bùi Sỹ Hoa, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại chia sẻ mình may mắn được tham gia chấm sơ khảo loại hình báo điện tử và chung khảo Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục việt Nam từ mùa giải 2018 đến nay.

Ấn tượng đọng lại rất nhiều bởi báo chí luôn phản ánh sinh động những vấn đề đáng quan tâm của sự nghiệp giáo dục-đào tạo với những phát hiện, khám phá mới mẻ, tác động xã hội lớn lao.

Trong khoảng 5 năm nay, ông Bùi Sỹ Hoa cho biết ấn tượng thực sự với tác phẩm "Đi về phía tâm dịch" (eMagazine) của Báo Lao Động.

Ông Bùi Sỹ Hoa.

Ông Bùi Sỹ Hoa.

Các tác giả không chỉ là những người dũng cảm đi vào tâm dịch để phản ánh sự kiện, vấn đề, mà quan trọng hơn là giữa "biển cả" thực tế thời kỳ đại dịch hết sức căng thẳng ở TP. Hồ Chí Minh, với hơn 13.000 cán bộ y tế, trong đó có hơn 6.000 giảng viên, sinh viên các trường y từ miền bắc, miền trung trực tiếp tham gia chống dịch, đã biết chọn những tấm gương điển hình, sự kiện điển hình để xây dựng tác phẩm.

Đó là lễ kết nạp đảng trong tâm dịch, là lời tuyên thệ đặc biệt trong tâm dịch, chi tiết "mặc đồ bảo hộ để kết nạp Đảng trực tuyến" là chi tiết đắt giá đóng đinh vào câu chuyện;

Là Nhật ký chống dịch của một sinh viên thú tội vì đã giấu bố mẹ để vào tâm dịch, của một sinh viên ngành y thấy thực tế dù khó khăn nhưng ở trong nhà trường sẽ không bao giờ học đủ; của một người dám nói thẳng "sợ thì ai mà không sợ, nhưng ai cũng sợ thì biết bao giờ mới thắng được đại dịch", của người từng được cứu thoát khỏi cửa tử, nay quay lại hỗ trợ mọi người...

Đó là một cuộc chống dịch không đợi tuổi, dù mới 17 tuổi cũng hăng hái tham gia, rồi góp tiền ủng hộ chống dịch, vẽ tranh, viết thư cổ vũ y bác sỹ tuyến đầu.

Đó là những sinh viên đã "đậu học phần y đức trong kỳ thi bằng chính hành động của họ trong tâm dịch...

“Tác phẩm "Đi về phía tâm dịch" được thực hiện bằng thể loại eMagazine, một thể loại đa phương tiện để phản ánh sinh động, thuyết phục câu chuyện, vấn đề đặt ra.

Với cách viết chọn lọc, tập trung chủ đề, minh chứng sinh động bằng câu chuyện, lời nói, hình ảnh..., tác phẩm này đã tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, ghi đậm dấu ấn tìm tòi của các tác giả, được ban giám khảo và bạn đọc đánh giá cao, xứng đáng đoạt giải Nhất mùa giải 2021”, ông Bùi Sỹ Hoa đánh giá.

Nặng tình cảm, trách nhiệm của người làm báo với giáo dục

Ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký-Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Tiểu ban Phát thanh - Truyền hình Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023 nhận định: Những tác phẩm dự thi đều mang nặng tình cảm, trách nhiệm, dấu ấn của người làm báo với giáo dục.

Trong số đó, có những tác phẩm để lại ấn tượng rất sâu sắc, như: Chuyện những người thầy thắp lửa (VOV2), giải nhất thể loại phát thanh đồng thời là giải đặc biệt năm 2019; Lễ khai giảng đặc biệt trên đỉnh Ngọc Linh (báo Tuổi trẻ), giải nhất loại hình báo in đồng thời là giải đặc biệt năm 2020; hay Học sinh miền Nam - một thời để nhớ (VTV), giải nhất loại hình truyền hình, đồng thời là giải đặc biệt năm 2022…

Ông Đồng Mạnh Hùng cũng cho biết hết sức ấn tượng với tác phẩm viết về thầy giáo dạy mầm non ở những trường vùng cao, khó khăn; rồi những thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau; câu chuyện về bé gái ở Hà Giang, dù mất cả cha và mẹ nhưng vẫn vượt khó, nỗ lực học tập và nhận được học bổng của nước ngoài…; bà giáo già tuổi 80 vẫn ngày ngày mở lớp xóa mù chữ; những thầy cô giáo bám bản đưa con chữ lên vùng cao…

Hay phóng sự truyền hình về một người bảo vệ ở ngôi trường mẫu giáo vùng sâu của Sóc Trăng, cứ có thời gian rảnh lại đi xin vỏ xe cũ về chế tạo thành những món đồ chơi cho trẻ, các chậu hoa quanh sân trường. Rồi nhiều người thầy đặc biệt, khiếm thị, khiếm thính vẫn say mê và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Thực sự rất cảm động.

Ngoài ra, có nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề còn nhiều trăn trở của giáo dục, như tự chủ đại học, thiếu giáo viên, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường… thúc đẩy cơ quan quản lý hành động quyết liệt, mạnh mẽ.

Giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ kỷ niệm trong 5 năm ở vai trò giám khảo, ông Đồng Mạnh Hùng cho rằng, đáng nhớ nhất có lẽ là khi thảo luận để tìm ra được tác phẩm xuất sắc nhất trao giải đặc biệt. Đây phải là tác phẩm bảo đảm chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, có sự sáng tạo, có sự dấn thân của người làm báo; phản ánh được vấn đề ngành Giáo dục đặt ra, đóng góp được cho ngành trong quá trình phát triển và có hiệu quả lan tỏa.

“Ví dụ, mùa giải năm 2020 có nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng cuối cùng chúng tôi chọn tác phẩm về lễ khai giảng đặc biệt trên đỉnh Ngọc Linh. Chủ đề giản dị, chỉ là phản ánh nét độc đáo về lễ khai giảng ở một trường khó khăn tại Nam Trà My (Quảng Nam), nhưng tác phẩm thể hiện vô cùng xúc động về tình cảm thầy trò, trách nhiệm của người thầy.

Tác phẩm không quá cầu kỳ, nhưng tác động mạnh đến tình cảm, nhận thức của người đọc. Đó là dù khó khăn đến đâu, thầy cô vẫn không rời bỏ ngôi trường của mình và tìm nhiều cách để học trò cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui, đặc biệt là niềm vui trong lễ khai giảng.

Tôi cũng nhớ mãi về thầy Đặng Văn Cương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Chuyện thầy tự bỏ tiền ra lo cho học sinh nghèo, đặc biệt tình cảm, sự chăm lo của thầy với học sinh tý hon Đinh Văn K'Rể giống như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường…”, ông Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

Đôi điều còn trăn trở

Điều trăn trở nhất khi chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, theo ông Đồng Mạnh Hùng là nhiều tác phẩm đoạt giải tập trung chỉ ở một số cơ quan báo chí trung ương, ở các tỉnh/thành lớn; vùng miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên còn thiếu vắng. Chúng ta cần có giải pháp động viên, khích lệ để có nhiều hơn nữa tác giả ở những địa phương này tham gia Giải.

Thêm nữa, tác phẩm viết về đời sống nhà giáo, gương người tốt việc tốt chiếm phần nhiều; vấn đề cốt lõi của giáo dục chưa có lượng tác phẩm tương xứng. Bên cạnh đó, nếu vấn đề về giáo dục phổ thông được đề cập đến nhiều trong các tác phẩm, thì vấn đề về giáo dục đại học, dạy nghề, giáo dục đặc biệt… còn ít, hoặc có nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.

“Về hình thức, bên cạnh những tác phẩm có cách viết mới mẻ, hình thức công phu; nhưng đại đa số còn dừng ở việc viết dàn dựng, hình thức đơn giản. Nhiều tác phẩm hay nhưng hình thức lại chưa hấp dẫn, khiến bài viết chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”, ông Đồng Mạnh Hùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty CP Devis Tập đoàn Avestos (CHLB Đức) trong việc đưa sinh viên sang Đức làm việc.

Trường nghề theo chuẩn châu Âu

GD&TĐ - Nhiều trường nghề ở Đà Nẵng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường châu Âu...