Giải bài toán phát triển giáo dục đại học

GD&TĐ - Phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang đặt ra nhiều bài toán cho các nhà quản lý. Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao vai trò tự chủ của các nhà trường và đầu tư tài chính có hiệu quả.

Giáo dục đại học nên tập trung phát triển nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa/internet
Giáo dục đại học nên tập trung phát triển nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa/internet

Phân bổ ngân sách mang tính cạnh tranh

Theo GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, chúng ta nên sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách thông qua cơ chế phân bổ ngân sách mang tính cạnh tranh. Về việc này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đào tạo phát triển.

Ngoài ra, nhân tố hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của chính là yếu tố giảng viên. Và vấn đề đãi ngộ, bồi dưỡng, sử dụng ngân sách như thế nào đối với đội ngũ giảng viên cũng cần được quan tâm, cần có sự thống nhất của các bộ, ban ngành.

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - ủy viên Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Năng lực – cho rằng: Cần đầu tư tài chính cho giáo dục đại học, bởi muốn phát triển bất kỳ hệ thống nào cũng cầncó nguồn lực đầu tư.

Nói cho cùng bài toán đầu tư là bài toán của tất cả chúng ta và tác động mạnh tới hệ thống chung của giáo dục đại học. Do đó cần được nhìn nhận thấu đáo, khoa học và hiệu quả.

Đề cập đến vấn đề phát triển đại học, GS Hồ Đắc Lộc - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Năng lực – nêu quan điểm: Cơ quan Chính sách vĩ mô cần đưa ra để làm sao gắn được với nghị quyết. Theo đó, chúng ta cần kết nối để vấn đề của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Năng lực cũng là của vấn đề chính phủ;

“Hay như vấn đề liên kết doanh nghiệp cũng vậy, đây là vấn đề rất quan trọng. Vì thế, cần điều chỉnh trong các quy định về tự chủ, về hội đồng trường để có sự kết nối của doanh nghiệp” - GS Hồ Đắc Lộc trao đổi.

GS Hồ Đắc Lộc, cần có quy chuẩn đầu vào của đại học và quy trình vận hành tối thiểu cơ sở giáo dục đại học. Nếu không có quy chuẩn vận hành thì sau này không đáp ứng được với thực tiễn xã hội khách quan.

“Vì thế tôi nghĩ chúng ta cũng cần quy chuẩn vận hành của trường đại học sẽ hợp lý hơn. Vì từ quy chuẩn đó, chúng ta mới có những vấn đề đề cập đến như: Quy hoạch phân nhóm liên quan đến xếp hạng” - GS Hồ Đắc Lộc chia sẻ.

Xác định lại mục tiêu của giáo dục đại học

Còn theo GS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ủy viên Hội đồng Giáo dục phát triển Năng lực - chia sẻ: Việc đầu tiên là cần xác định lại mục tiêu của giáo dục đại học.

Thứ nhất là xây dựng chính sách cơ chế, thứ hai là triển khai các hoạt động của đào tạo nghiên cứu, thứ ba là phải có một bộ phận giám sát độc lập.

Giáo dục đại học nên tập trung phát triển nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn trước mắt, cần đặt vấn đề việc làm của sinh viên và thống kê làm sao cho chính xác, rồi công bố với xã hội. Điều đó sẽ thuyết phục hơn và xã hội sẽ tự đánh giá được trường nào tốt, trường nào không tốt? Và các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cạnh tranh, phát triển để có nhiều sinh viên ra trường có việc làm.

Vừa là nhà quản lý, vừa là thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Năng lực, GS Nguyễn Quý Thanh – đặt vấn đề: Cần hình dung một bức tranh tổng thể về cuộc chơi này. Nghĩa là quan hệ giữa phát triển cơ sở giáo dục đại học, về quản lý nhà nước và đặc biệt là về khía cạnh xã hội - những người thụ hưởng sản phẩm.

Chúng ta cần xác định được quy luật quan hệ bên trong, từ đó nhìn rõ được vấn đề nào cần giải quyết. Thiết nghĩ, nên có một chuyên đề nghiên cứu về vấn đề này một cách hệ thống

“Ngoài ra, cần chú trọng khâu quản lí nhà nước và tự chủ đại học. Theo đó, cần làm rõ quan hệ hữu cơ việc tự chủ của các trường và quản lý nhà nước. Mặt khác, cần triển khai khung trình độ chuẩn quốc gia.

Bởi có thể các trường sẽ có chương trình khác nhau, nhưng tương đối có một chuẩn chung là năng lực phù hợp với nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động” - GS Nguyễn Quý Thanh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ