6 nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Tham luận tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2012 được tổ chức sáng nay (25/9) tại Hà Nội, đại diện cho nhóm nghiên cứu Trường đại học Luật Hà Nội do PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đề xuất 6 nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất, các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của nhà nước, đặc biệt là cập nhật các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật ra đời sau thời điểm Luật Giáo dục đại học có hiệu lực.

Thứ hai, cần rà soát tất cả các điều của Luật Giáo dục đại học để phân loại những nội dung bất hợp lý, bất cập, từ đó đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính tổng thể.

Trong số những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, lựa chọn và tập trung vào những chính sách đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu “sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”.

Thứ ba, cần đảm bảo các đề xuất có tính thiết thực, khả thi và hiệu quả. Trong số những nội dung còn bất cập, cần lựa chọn những vấn đề đang là nút thắt, điểm nghẽn trong thực thi Luật Giáo dục đại học để đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nhằm thực hiện tốt tự chủ đại học, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển giáo dục đại học.

Những đề xuất sửa đổi, bổ sung giải pháp góp phần tạo dựng môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, là khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế, xã hội, kiến tạo nền kinh tế, tri thức cho đất nước.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung phải có tính khả thi, có khả năng đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật được Quốc hội ban hành, có tác động tích cực đến hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và đời sống xã hội nói chung trong phạm vi điều chỉnh của một văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, các đề xuất phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động bậc cao và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành Luật Giáo dục đại học trong 5 năm qua, nhận diện rõ vướng mắc từ thực tế hoạt động của các cơ sở Giáo dục đại học, của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học; đồng thời phải đánh giá tác động của các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với thực tiễn.

Thứ năm, các đề xuất phải đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và tương thích với hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo không bị mâu thuẫn, chồng chéo.

Đặc biệt, các nội dung đề xuất sửa đổi trong Luật Giáo dục đại học phải phù hợp với Luật Giáo dục với tư cách là luật chung; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Thứ sáu, các đề xuất phải đảm báo tính đổi mới và hội nhập. Những đề xuất phải đảm bảo tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới giáo dục đại học, từ đổi mới trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị giáo dục đại học cho đến đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh sự phát triển khoa học và công nghệ, gắn với cuộc cách mạng 4.0 và sự sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, cần học hỏi và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm giáo dục đại học của các quốc gia đại diện điển hình của châu Mỹ, châu Âu, châu Á và khu vực Asean; đặc biệt chú trọng những quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi tương đồng với Việt Nam, đảm bảo hội nhập quốc tế để giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực của giáo dục đại học trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.