Cần “thước đo” mới cho lãnh đạo các viện, trường đại học

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) cả nước ta đang bước vào thời kỳ “Đổi mới căn bản và toàn diện”, do đó rất cần những tiêu chuẩn- tiêu chí mới để làm “thước đo” khi tuyển chọn, bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng/ Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường. 

Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm Đông Nam Á tại Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM
Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm Đông Nam Á tại Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM

Báo cáo “Kết quả nghiên cứu Xây dựng Khung năng lực chức danh Hiệu trưởng/ Phó hiệu trưởng; Chủ tịch Hội đồng trường các cơ sở GDĐH”, do Học viện Quản lý GD tổ chức tại TPHCM mới đây cho thấy thực tế đòi hỏi cần có thước đo mới cho lãnh đạo các trường đại học.

Các trường ĐH, học viện đang thay đổi đến “chóng mặt”

GDĐH nước ta đã, đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thế giới đang bùng nổ hết sức mạnh mẽ về quy mô, về các mô hình đào tạo trường ĐH, học viện. Các xu thế chung phát triển của GDĐH hiện nay là: Quốc tế hóa; Đại chúng hóa; Đa dạng hóa; Dân chủ hóa.

Để kịp thời đáp ứng xu thế đó, sự phát triển GDĐH phải hết sức chú ý tìm các giải pháp cho 4 lĩnh vực gay cấn nhất: 1/ Sự phù hợp; 2/ Nâng cao chất lượng; 3/ Quản lý và cung cấp tài chính; 4/Tăng cường hợp tác quốc tế.

Về mô hình quản trị Trường ĐH, hiện có 4 mô hình chủ yếu: Thứ nhất, mô hình trường ĐH như một tổ chức hành chính (là đơn vị Sự nghiệp Nhà nước cung cấp dịch vụ công). Thứ hai, mô hình Cộng đồng học giả với tính tự chủ cao về chuyên môn, quyền lực gắn với sự uyên thâm về kiến thức của cộng đồng học giả. Mô hình này rất ít hệ thống cấp bậc.

Thứ ba, Mô hình ĐH thuộc doanh nghiệp, theo đó Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu, Hiệu trưởng là Tổng giám đốc điều hành. Thứ tư, mô hình tổng quát, theo đó “tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình”, nhằm cân bằng nguyên tắc kiểm soát của Nhà nước và sự tham gia của giới học thuật. Quyền tự chủ càng cao thì trách nhiệm giải trình càng lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện mô hình cụ thể các cơ sở GDĐH:

1/ Mô hình ĐH nghiêncứu đa ngành, đa lĩnh vực (rõ nét nhất là ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia TPHCM; các ĐH vùng…).

2/ Mô hình ĐH nghề nghiệp, đào tạo lĩnh vực hẹp, có tính chuyên sâu.

3/ Mô hình học viện (đào tạo ĐH - sau ĐH gắn bó trực tiếp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ).

Bên cạnh đó, chúng ta đang có các Viện độc lập lớn với chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VN); Viện Khoa học Xã hội VN… Chúng ta cũng đang phát triển các Trung tâm đào tạo - bồi dưỡng nhân lực; các Trung tâm - Viện nghiên cứu ứng dụng thuộc các doanh nghiệp, các Tập đoàn Kinh tế, các Tổng công ty lớn như: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN; Tập đoàn Dầu khí VN…

Hạn chế ở các trường ĐH của ta lâu nay là còn ảnh hưởng nặng nề bởi phương thức đào tạo theo niên chế, hoặc đào tạo kiểu tín chỉ nửa vời. Chúng ta lâu nay chỉ cấp ngân sách hoạt động cho các trường ĐH, học viện công lập, còn trường ĐH tư thục phải tự bươn chải. Đây cũng là sự bất cập cần được xem xét, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Hiện cơ chế quản lý đối với các trường ĐH, học viện ở VN đang trong quá trình thay đổi khá rõ. Tuy đã có các quy định về Hội đồng trường, nhưng đây là khái nệm còn mới, các trường ĐH công lập và học viện công lập vẫn đang trong quá trình vận động để thành lập Hội đồng trường.

Đâu là chuẩn cần có của lãnh đạo các cơ sở GDĐH thời đổi mới?

Nói cách khác, hiện nay các cơ sở GDĐH cần gì ở những vị đứng đầu? Câu trả lời chung nhất là: cần ở Hiệu trưởng, ở Chủ tịch Hội đồng trường những phẩm chất đạo đức và năng lực nhất định, để chèo lái- đưa nhà trường, học viện đạt đến các mục tiêu về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đã đề ra.

Mới đây, nhóm cán bộ của Học viện Quản lý GD (thuộc Bộ GD&ĐT) đã công bố kết quả nghiên cứu bước đầu về việc lấy ý kiến cho vị trí chức danh Hiệu trưởng trường ĐH.

Theo đó, trong 9 nhóm công việc cần có của Hiệu trưởng, có 3 nhóm công việc được đánh giá rất phù hợp (chiếm 91,3%- 95,45%) với chức danh Hiệu trưởng. Đó là: 1/ Nhóm công việc 1 “Quản trị chiến lược nhà trường”. 2/ Nhóm công việc 10 “Phát triển cá nhân”. 3/ Nhóm công việc 2 “Tổ chức bộ máy”.

Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, có 3 nhóm công việc được đánh giá phù hợp với chức danh Hiệu trưởng (từ dưới 90% đến trên trung bình). Đó là: 1/ Nhóm công việc 8 và 9 “Quản trị tài chính và tài sản”; “Phát triển mối quan hệ của nhà trường”. 2/ Nhóm công việc 3 “Quản trị nhân lực”. Nhóm công việc 4 “Quản lý hoạt động đào tạo”. Các nhóm công việc 5 “Quản lý hoạt động Khoa học Công nghệ”, 6 “Quản lý hoạt động Hợp tác quốc tế” và 7 “Đánh giá và kiểm định chất lượng GD” .

Vẫn theo kết quả nghiên cứu trên của Học viện Quản lý GD, công việc của Hiệu trưởng được đánh giá mức độ thực hiện tốt, cao nhất là Nhóm công việc 10 “Phát triển cá nhân” (90,91%). Kế đến, nhóm công việc 8 “Quản trị tài chính và tài sản” và nhóm công việc 2 “Quản lý hoạt động đào tạo” cùng đạt 76,19%.

Đứng hạng 3 thực hiện tốt là nhóm công việc 9 “Phát triển mối quan hệ của nhà trường” (62,50%). Cùng đạt đánh giá đạt 50% là nhóm công việc 6 “Quản lý hoạt động Hợp tác quốc tế” và 7 “Đánh giá và kiểm định chất lượng GD”. Nhóm công việc rất quan trọng - nếu không muốn nói hàng đầu - với Hiệu trưởng trường ĐH là “Quản trị chiến lược nhà trường”, chỉ có 59,09% đánh giá thực hiện tốt.

Về sự hạn chế hiệu quả công việc của Hiệu trưởng trường ĐH, khảo sát nói trên chỉ rõ các nguyên nhân chính: Do thiếu kỹ năng-kiến thức về nghiệp vụ quản lý, quản trị nhà trường. Do thiếu kinh nghiệm. Do thiếu các cơ sở pháp lý cần thiết. Thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu nguồn lực tài chính… cũng ảnh hưởng đến việc lãnh đạo trường đi lên. Ngoài ra, trình độ non yếu về Ngoại ngữ, Tin học của một số Hiệu trưởng cũng gây trì trệ đến kết quả công việc của người đứng đầu trường.

Từ những kết quả khảo sát bước đầu nói trên, nhóm cán bộ nghiên cứu của Học viện Quản lý GD đã đề xuất “Khung năng lực chức danhHiệu trưởng/ Phó hiệu trưởng các cơ sở GDĐH” gồm 5 Tiêu chuẩn bao quát. Đó là:

1/ Phẩm chất nghề nghiệp và năng lực cá nhân

2/ Năng lực quản trị chiến lược nhà trường

3/ Năng lực tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ

4/ Quản trị thực hiện chức năng GD ĐH

5/ Năng lực tạo lập các mối quan hệ và phát triển văn hóa nhà trường

Trong 5 Tiêu chuẩn nói trên, đi sâu mổ xẻ từng Tiêu chuẩn, còn có 15 Tiêu chí với 40 Chỉ báo cần thiết khác, ở đây chúng tôi không có điều kiện nêu cho hết… Theo đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất “Khung năng lực chức danh Chủ tịch Hội đồng trường” với 3 Tiêu chuẩn chính. Đó là:

1/ Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và phát triển bản thân

2/ Năng lực lãnh đạo nhà trường

3/ Năng lực kiểm tra, giám sát hoạt động nhà trường

Trong quản lý GD theo chuẩn quy định, thì chỉ có 2 mức: đạtchưa đạt chuẩn. Ở đây, danh từ chuẩn cũng đồng nghĩa với khung năng lực mà nhóm nghiên cứu nói trên đã đề xuất… Cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn cụ thể, để giúp Hiệu trưởng/ Phó hiệu trưởng; Chủ tịch Hội đồng trường chiếu theo chuẩn, có kế hoạch hoàn thiện những việc thực hiện chưa đạt để đạt chuẩn.

Nếu dùng chuẩn chỉ để đánh giá như lâu nay, thì mọi người sẽ đối phó để đạt chuẩn - thậm chí vượt chuẩn, thực tế sẽ không có ai được hưởng lợi từ việc đánh giá chạy theo “bệnh thành tích” này. 

GS.TSKH Trần Văn Nhung (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đề xuất: Việc xây dựng khung năng lực đối với Hiệu trưởng/ Phó Hiệu trưởng; Chủ tịch Hội đồng trường thời đổi mới, cần dựa trên 3 năng lực cốt lõi là tầm nhìn, khả năng tổ chức và tính nhân văn của người lãnh đạo, trong đó: “Điều quý trọng nhất của nhà lãnh đạo là tầm nhìn”. Đề nghị nhóm nghiên cứu của Học viện QLGD đánh giá kỹ những yếu tố tác động của bối cảnh toàn cầu hóa. Đặc biệt chú ý đến tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của “nền sản xuất thông minh, nhờ sự đột phá của công nghệ số” đang diễn ra hết sức sôi động hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.