Giải bài toán khó về nhân lực triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Nhân lực triển khai Chương trình GD phổ thông mới là “bài toán” khó của nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Điện Biên, thời gian qua, ngành Giáo dục địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp ngắn hạn và dài hơi để từng bước bù lấp “khoảng trống”.

Học sinh Trường Tiểu học Hua Nguống (huyện Mường Ảng) tham gia giờ học ngoại khóa Giao lưu tiếng Anh.
Học sinh Trường Tiểu học Hua Nguống (huyện Mường Ảng) tham gia giờ học ngoại khóa Giao lưu tiếng Anh.

Lớp học không giới hạn

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 3. Cấp THPT thêm môn học tự chọn mới là Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Những thay đổi này khiến nhiều cơ sở giáo dục ở Điện Biên vốn đã thiếu giáo viên lại càng thêm khó khăn.

Mường Ảng là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi về nhân lực và vật lực khi triển khai Chương trình mới. Song trên thực tế, theo ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT, để dạy các lớp 3, 4, 5, ngành vẫn thiếu 5 giáo viên môn Tiếng Anh.

“Chúng tôi có 13 giáo viên Tiếng Anh, bố trí ở 9 trường. Còn 3 trường tiểu học: Mường Đăng, Mường Lạn, PTDTBT Tiểu học Bản Bua vẫn trống. Xác định rõ khó khăn này, thời gian qua phòng đã chỉ đạo các nhà trường tập trung rà soát, lên phương án sắp xếp lại”, ông Quang cho hay.

“Tuy nhiên, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào phương án này do thiếu nguồn tuyển. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu các trường học trên địa bàn thực hiện giao nhiệm vụ giáo viên Tiếng Anh cấp THCS dạy học liên cấp trên cùng địa bàn. Đặc biệt, chủ động xây dựng phương án, bài giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tức là triển khai lớp học ảo, một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy nhiều hơn một lớp học ở những vị trí khác nhau”, ông Quang cho biết thêm.

Cũng theo ông Quang, mục tiêu đặt ra là cố gắng mỗi trường có ít nhất 1 giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Mới đây, ngành đã tham mưu UBND huyện tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD-ĐT. Trong đó có 2 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh.

Dự kiến năm học 2022 – 2023, Mường Ảng có 106 lớp học Tiếng Anh ở 2 cấp tiểu học và THCS, với 424 tiết/tuần. Trong đó, giáo viên Tiếng Anh cấp THCS dạy học liên cấp 32 tiết/tuần, cấp tiểu học dạy trực tiếp 299 tiết/tuần (theo định mức/giáo viên), tăng 65 tiết và 28 tiết/tuần dạy qua trực tuyến cùng khối lớp (lớp học ảo).

Tương tự, theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, các trường học tại địa phương đều chủ động phương án để áp dụng theo kịch bản này.

“Hiện, các điểm bản chỉ còn học sinh khối lớp 1 và 2. Từ lớp 3 trở lên đã về học tại điểm trung tâm. Do vậy, cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền để triển khai lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến cơ bản bảo đảm. Thời gian qua, ngành cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn để giáo viên thực hiện dạy học linh hoạt; sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp để có thể dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường…”, ông Chiến cho hay.

Để bù lấp “chỗ trống” về nhân lực cho năm học mới, một giáo viên tại Điện Biên có thể dạy nhiều hơn 1 lớp trong cùng thời điểm, thông qua “lớp học ảo”.

Để bù lấp “chỗ trống” về nhân lực cho năm học mới, một giáo viên tại Điện Biên có thể dạy nhiều hơn 1 lớp trong cùng thời điểm, thông qua “lớp học ảo”.

Song hành giải pháp

Theo thống kê, ngành GD Điện Biên còn thiếu hơn 200 giáo viên, các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong đó, riêng môn Tiếng Anh thiếu 125 giáo viên (tiểu học 72, THCS 38, THPT 15).

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương, dù đã giảm số trường, tăng số lớp/trường, số học sinh/lớp nhưng tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên. Thậm chí, thiếu cả nguồn tuyển.

Do vậy, ngành đã xây dựng lộ trình, kế hoạch để bồi dưỡng đào tạo giáo viên các môn còn thiếu. Trong đó ưu tiên khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên hiện tại đi học văn bằng 2 theo nguyện vọng, phù hợp với các môn học đang thiếu.

Ngoài ra, trên cơ sở chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của các huyện, từ tháng 3 đến nay, ngành liên tiếp gửi văn bản đến các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm tương đương đề nghị giới thiệu sinh viên. Đồng thời, khảo sát số lượng sinh viên đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm. Trên cơ sở đó, phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng 2 nếu các em có nhu cầu.

Một giải pháp lâu dài để “lấp khoảng trống” cũng được Điện Biên triển khai đó là đào tạo cử tuyển. Theo đại diện sở GD&ĐT, năm 2021, căn cứ đăng ký nhu cầu đào tạo trình độ đại học theo chế độ cử tuyển của các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh đã cử 23 học sinh đi học đại học chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh.

Mới đây, Sở GD&ĐT Điện Biên tiếp tục tham mưu tỉnh để gửi đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển năm 2022. Tỉnh đăng ký 68 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học, trong đó Sư phạm Tiếng Anh 38 chỉ tiêu; Sư phạm Tin học 10; Sư phạm Âm nhạc 10; Sư phạm Mỹ thuật 10.

Để bảo đảm chất lượng đầu ra, ngành ưu tiên lựa chọn các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cao. Ví dụ như: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (20 chỉ tiêu Sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc); Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (38 chỉ tiêu Sư phạm Tiếng Anh); Đại học Sư phạm Hà Nội (10 chỉ tiêu Sư phạm Tin học).

“Trước mắt, chúng tôi tổ chức tuyển dụng bổ sung hàng loạt giáo viên cho các vị trí còn thiếu. Ngoài điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, ngành khuyến khích các bạn trẻ thật sự yêu nghề, muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó. Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón khi các em có nguyện vọng và đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới”, ông Đoạt nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.