Chủ động tiềm lực
Để có căn cứ xây dựng “kịch bản” triển khai chương trình lớp 10, Trường THPT TP Điện Biên Phủ đã hoàn tất công tác rà soát, đánh giá tiềm lực hiện có (cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học, đội ngũ giáo viên...). Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Cường, nhà trường chủ động cân đối giữa nhu cầu của học sinh và tiềm lực của đơn vị.
Trường hiện có 2 cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, 33 phòng học, 7 phòng bộ môn, 1 nhà đa năng, 7 phòng học nghề... Trường có 88 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 100% có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Các điều kiện này cơ bản đáp ứng công tác dạy học và hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu.
Trường THPT TP Điện Biên Phủ đã chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ những năm trước và đang khẩn trương hoàn tất. Trong đó, công tác truyền thông để nắm bắt tình hình, cũng như tạo sự đồng thuận được thực hiện công khai trên nhiều kênh khác nhau.
“Hiện nhà trường không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Bởi vậy, chúng tôi đang đề xuất với cấp trên bổ sung trong thời gian tới. Riêng môn mới như Giáo dục địa phương đã có phương án phân công giáo viên các môn đảm nhiệm theo chuyên đề nội dung học”, thầy Cường chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Tủa Chùa đã cơ bản bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất theo lộ trình triển khai chương trình mới. Đội ngũ giáo viên được tập huấn chuyên môn nên nắm bắt và sẵn sàng tâm thế để tổ chức, triển khai nhiệm vụ.
“Các bộ môn mới như Kinh tế pháp luật, trước mắt giáo viên nhà trường có thể đáp ứng được. Còn về lâu dài, trường cũng tính toán đào tạo để bảo đảm nguồn nhân lực triển khai trong các năm sau. Trách nhiệm của nhà trường là phải sử dụng các điều kiện hiện có cho chương trình mới. Năm nay mới áp dụng ở lớp 10 nên cũng không quá khó khăn để bố trí sắp xếp”, thầy Nguyễn Văn Huynh - Hiệu trưởng Trường THPT Tủa Chùa chia sẻ.
Ông Thái Đình Huyên - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới lớp 10 tại địa phương cơ bản hoàn tất. Các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm từ lâu. Về sách giáo khoa, ngành cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh lựa chọn và đã phê duyệt bộ sách phù hợp.
“Ngành đang chuẩn bị điều kiện để tổ chức hội nghị tập huấn sách giáo khoa đồng bộ đến các nhà trường. Riêng đối với Tài liệu giáo dục địa phương đã hoàn thiện, dạy thử nghiệm. Chỉ chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt là có thể triển khai”, ông Huyên trao đổi.
Không để học sinh tự “bơi”
Thay vì 13 môn học cố định như trước, chương trình mới lớp 10 có 7 môn học bắt buộc và cho phép học sinh quyết định 5/9 môn tự chọn (thiếu môn nghệ thuật), tùy theo năng khiếu, sở thích. Trước đổi mới này, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng môn thì quá tải, nhưng có môn không đủ số lượng học sinh đăng ký học.
Cho rằng đây là thực tế, thầy Huynh lấy dẫn chứng ngay tại Trường THPT huyện Tủa Chùa. Qua thống kê số lượng học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, xu hướng các môn xã hội luôn áp đảo bộ môn tự nhiên. Tuy nhiên, thầy Huynh cũng nhận định, kết quả đăng ký phụ thuộc rất lớn vào công tác tư vấn, định hướng của giáo viên và các nhà trường.
“Theo lý thuyết, việc lựa chọn tổ hợp 5/9 môn học sẽ có 108 cách chọn khác nhau, tương đương 108 tổ hợp môn. Nếu để học sinh toàn quyền lựa chọn, nhà trường, giáo viên khó có thể chạy theo đáp ứng nhu cầu của các em. Bởi vậy, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường”, thầy Huynh cho hay.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm tới tại Trường THPT huyện Tủa Chùa là 7 lớp 10, với 280 học sinh. Công tác tư vấn tuyển sinh được nhà trường triển khai tại một số cơ sở. Thời gian tới, trường tiếp tục tăng cường, phấn đấu hoàn thành trước khi tổ chức xét tốt nghiệp THCS.
“Chúng tôi không để học sinh tự bơi mà sẽ sát cánh cùng các em. Thông qua hoạt động truyền thông để giới thiệu đến học sinh và phụ huynh những điều kiện hiện có của nhà trường. Từ đó tư vấn, định hướng giúp các em có lựa chọn tổ hợp môn phù hợp. Như vậy, các em sẽ có điều kiện học tập đầy đủ nhất, tốt nhất”, thầy Huynh chia sẻ.
Tương tự, trên cơ sở khảo sát nguyện vọng học sinh và điều kiện trường lớp, Trường THPT TP Điện Biên Phủ đã và đang tập trung xây dựng dự kiến 8 tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập. Cụ thể như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Công nghệ; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Công nghệ...
“Những năm trước, học sinh của trường thường thiên về đăng ký học tổ hợp các môn khoa học xã hội với khoảng 60%. 40% còn lại là các môn khoa học tự nhiên. Việc nhà trường xây dựng các tổ hợp môn như trên là dựa vào thực tế khảo sát này. Chúng tôi coi đây như một “thực đơn” để học sinh tìm hiểu, xin tư vấn và đưa ra lựa chọn phù hợp”, thầy Cường cho hay.