Chất lượng giảng viên chưa tương xứng quy mô đội ngũ
Đây là thực tế mà bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thẳng thắn nhìn nhận khi số lượng giảng viên năm 2016-2017 dù có tăng so với năm học 2015-2016 nhưng tỉ lệ có chức danh GS, PGS và trình độ TS trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp. Đặc biệt là tỉ lệ giảng viên có trình độ TS ở các trường Cao đẳng sư phạm còn thấp (chiếm 3,4%).
Nguyên nhân trên, theo bà Phụng là do công tác bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý chưa được quan tâm đồng đều trong toàn hệ thống.
“Chất lượng đội ngũ giảng viên các trường vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH), ít có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... Thống kê cho thấy rõ, số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập còn thiếu khá lớn - chiếm đến 20% (15.158 người) trong tổng số giảng viên toàn quốc, chính điều này chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công cập trong hệ thống”- Bà Phụng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, Việt Nam không đứng ngoài quy luật chung so với các nước khi bắt đầu tiệm cận với nền giáo dục chất lượng cao. Tại Hội thảo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên phổ thông và giảng viên trong các trường sư phạm mới đây tại TPHCM cho thấy:
Sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và kinh tế liên tục tạo ra nhiều ngành nghề mới và cơ hội thu nhập cao cho những người giỏi, nhưng với nghề giáo viên dù ngay cả khi lương có cao hơn mặt bằng xã hội thì vẫn không thể so được với thu nhập của giới lao động kỹ năng cao trong các doanh nghiệp.
Cũng giống các nước, ưu điểm đặc biệt của nghề giáo tại Việt Nam là tính ổn định, thậm chí, tại nhiều nước còn có chế độ biên chế suốt đời cho giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Ly - Trung tâm nghiên cứu và đánh giá GDĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chính hệ thống biên chế cũng đang bộc lộ những hạn chế của nó (sự trì trệ).
Điều này khiến địa vị của nghề giáo ngày càng giảm và ngành sư phạm ngày càng khó tuyển người giỏi, không tạo được động lực để các giảng viên làm NCKH.
Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống ĐH-CĐ giáo dục Việt Nam có 235 trường đại học, học viện. Trong đó có 14 trường đại học sư phạm với tổng số 4.615 giảng viên chịu trách nhiệm đào tạo 151.208 sinh viên.
Cao đẳng có 57 trường với quy mô giảng viên là 3.388 giảng viên đào tạo khoảng 47.800 sinh viên. Tuy nhiên, đáng chú ý là tỉ lệ giảng viên có trình độ TS chỉ có 115 người và 2.187 người có trình độ thạc sĩ. Điều đó phần nào cho thấy chất lượng giảng viên sư phạm của chúng ta chưa cao.
PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cho rằng: Khiếm khuyết lớn nhất mà các trường sư phạm cần phải ngay lập tức xóa bỏ trong quá trình đào tạo giáo viên (phương pháp sư phạm của đội ngũ giảng viên) chính là phát triển kỹ năng nghề cho SV. Bên cạnh đó, việc thiếu chuẩn năng lực nghề nghiệp giảng viên cũng ít nhiều tạo khoảng hở trong việc nâng chất và chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên tại các trường sư phạm.
Giải pháp và mô hình nào?
Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công đổi mới giáo dục. Do vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới thì trước mắt đội ngũ giảng viên tại các trường sư phạm cần phải sớm được chuẩn hóa.
Để làm được điều đó, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, xóa bỏ các trường cao đẳng, tính toán lại quy mô đào tạo là những việc phải nhanh chóng thực hiện. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần khẳng định sẽ sớm thực hiện việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo TS Phạm Thị Ly - việc đó không khó, cái khó nhất chính là việc tái định hình nghề sư phạm nhằm đáp ứng được yêu cầu của cải cách giáo dục phổ thông. Bởi theo bà, chính những đòi hỏi của nền kinh tế, của sự phát triển xã hội cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân trong một môi trường toàn cầu buộc ngành sư phạm phải thay đổi. Và theo bà, để làm được điều này thì ngành cần phải thay đổi mô hình và triết lý đào tạo.
Cô giáo trẻ mới vào nghề ở một trường mầm non |
TS Phạm Thị Ly cho biết: Nghị quyết 29-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có một điểm quan trọng nói đến tuyển sinh sư phạm: “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”. Tuy nhiên, trên thực tế, cần có chính sách hay sự khích lệ tài chính cụ thể mới triển khai được phương hướng đó. TS Ly phân tích:
Chính sách cần được thiết kế dựa trên việc tạo ra động lực, đặc biệt là động lực thị trường. Trong đó, trọng tâm cần hướng cải cách tới mục tiêu cá nhân hóa quá trình dạy và học, nhằm vào phát triển tiềm năng của từng học sinh và nhấn mạnh vào các giá trị sống cũng như những kỹ năng cốt lõi, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức thi cử.
“Với xuất phát điểm và mục tiêu như thế, có lẽ các trường sư phạm không chỉ cần quy hoạch hay tái cấu trúc, mà phải thay đổi hẳn mô hình đào tạo. Tuy vậy, việc thay đổi mô hình không quan trọng bằng việc thay đổi triết lý đào tạo. Các trường sư phạm cần điều chỉnh mục tiêu không chỉ là để sinh viên có thể sẵn sàng cho một nghề nghiệp khác mà còn là tạo nên một nền tảng tri thức rộng, đó chính là điều chúng ta cần ở người giáo viên tương lai”- TS Ly đề xuất.
Bàn về mô hình và phương thức cho công tác chuẩn hóa đội ngũ giảng viên các trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Với thực tế chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên sư phạm chúng ta đang có, để nâng cao và chuẩn hóa đội ngũ, có thể áp dụng kinh nghiệm của một số nước Đông Á và phương Tây trong việc thiết kế đào tạo sư phạm linh hoạt hơn, như:
Sinh viên có thể thi vào đại học và lấy bằng cử nhân giáo dục hoặc một lĩnh vực chuyên ngành khác, rồi sau đó học một khóa cao học để lấy bằng thạc sĩ giáo dục.
“Mô hình này có ưu điểm là tạo ra con đường sự nghiệp linh hoạt cho sinh viên. Học xong họ có thể đi dạy, hoặc làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, tùy theo nhu cầu của thị trường và năng lực của họ”- PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.
Là nhà nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề giáo dục, TS Phạm Thị Lan Phượng - Viện nghiên cứu Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trong nhiều năm theo dõi và nghiên cứu nền giáo dục 3 nước Mỹ, Pháp, Nhật, bà nhận thấy ở 3 quốc gia trên việc đào tạo giáo viên, nâng chất giảng viên các trường sư phạm đều theo mô hình đào tạo sư phạm nối tiếp.
Tức là khi học xong kiến thức khoa học, sinh viên sẽ tiếp tục học về giáo dục - sư phạm nếu muốn trở thành giáo viên với “tấm giấy” thông hành sau khi hành nghề là chuẩn trình độ chuyên môn về sư phạm.
Vì vậy, để có một đội ngũ giáo viên nói chung, giảng viên sư phạm nói riêng chất lượng, theo bà, Việt Nam phải thực hiện được yếu tố cơ bản và hàng đầu là nâng cao vị thế nghề giáo (ở các nước trên, giáo viên rất được trọng vọng và mức lương rất cao).
“Qua nghiên cứu các nước trên, cho thấy, đối với bậc học càng cao thì yêu cầu về kiến thức khoa học ở giáo viên càng lớn. Do vậy, các trường đại học sư phạm ngoài việc sớm xây dựng chuẩn năng lực giảng viên thì cần phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh và chuẩn năng lực khoa học giáo dục- sư phạm của sinh viên. Song song đó, việc mở các khóa bồi dưỡng đa dạng theo nhu cầu của giảng viên đương nhiệm cần được xem là hướng đi quan trọng trong các trường sư phạm trong thời gian tới”- TS Phượng chia sẻ.