Thế nhưng, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, chỉ tính riêng cấp tiểu học, cả nước còn thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên. Ở không ít địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều trường học còn trắng giáo viên Tin học.
Để triển khai việc dạy môn Tin học theo chương trình mới, ngành Giáo dục các địa phương đã và đang nỗ lực hết sức để sắp xếp đội ngũ. Những nơi có sẵn giáo viên đều phải lên kế hoạch tăng tiết. Các đơn vị chưa tuyển được thì dự kiến hợp đồng thỉnh giảng. Nhiều nơi không có nguồn giáo viên tốt nghiệp sư phạm tin học còn tính đến việc tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin với trình độ đào tạo tương ứng cấp học, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo Thông tư số 11, 12/2021 của Bộ GD&ĐT.
Nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức đội ngũ giáo viên Tin học là rất lớn, thế nhưng, các giải pháp này hiện vẫn mang tính tình thế. Căn cơ, lâu dài vẫn phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp từ trường sư phạm. Thế nhưng, một vấn đề đáng lo ngại là đến nay, dù ngành Sư phạm Tin học được mở từ lâu, nhu cầu rất lớn, miễn học phí, nhưng các trường đều tuyển sinh hết sức khó khăn.
Tại Trường ĐH Sư phạm Huế, năm 2020 ngành Sư phạm Tin học tuyển 63 chỉ tiêu nhưng chỉ có 2 thí sinh nhập học. Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2020 có 120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 72 thí sinh nhập học. Trường ĐH Đà Lạt năm 2021 chỉ có vài thí sinh đăng ký, không mở được lớp. Đặc biệt, Trường ĐH Sài Gòn đã phải tạm dừng tuyển sinh sau một thời gian mở ngành.
Nguyên nhân lớn nhất khiến ngành Sư phạm Tin học kém thu hút thí sinh là do thu nhập của giáo viên Tin học chưa hấp dẫn bằng các vị trí việc làm khác liên quan đến công nghệ thông tin. Mức lương khởi điểm của một giáo viên Tin học và một kỹ sư công nghệ phần mềm có thể chênh nhau từ 5 - 10 lần. Tuyển đào tạo đã khó nhưng khi ra trường, còn có không ít giáo viên bỏ nghề, chuyển sang làm việc cho các công ty.
Bên cạnh vấn đề thu nhập, một nguyên nhân khác khiến thí sinh ít chọn nghề giáo viên Tin học là do môi trường giảng dạy ở bậc phổ thông khó có cơ hội phát triển chuyên môn. Công nghệ thông tin phát triển quá nhanh mà kiến thức trong chương trình dạy thì chậm cập nhật. Ngôn ngữ lập trình thế giới đã dùng đến Python, Java, Ruby… nhưng nhà trường vẫn còn dạy ngôn ngữ Pascal. Soạn thảo văn bản đã phổ biến với phiên bản 2019 nhưng nay máy tính nhiều trường vẫn dùng Word 2007. Nhiều giáo viên cho biết họ sợ nguy cơ “lụt” nghề.
Thiếu giáo viên trầm trọng trong lúc tuyển sinh ngành Sư phạm Tin học thiếu sức hút là một bất cập lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Cho đến nay, để đáp ứng nhu cầu của chương trình mới, nhiều trường sư phạm đã tính toán khởi động tuyển sinh lại ngành Sư phạm Tin học hoặc tăng chỉ tiêu. Song song đó, công tác truyền thông về ngành học này cũng đặc biệt đẩy mạnh.
Để thu hút và giữ chân giáo viên Tin học, nhiều hiệu trưởng phổ thông còn nỗ lực kiếm thêm việc cho thầy cô như quản trị cơ sở dữ liệu, thiết kế quản trị web, tham gia các dự án trường liên kết với doanh nghiệp liên quan đến IT… Giáo viên nhờ thế có thêm thu nhập, có cơ hội rèn chuyên môn, gắn bó hơn với nhà trường.
Sự nỗ lực của các nhà trường rất đáng ghi nhận, nhưng nếu chỉ dựa trên sự tự xoay xở cũng rất khó để môn học này có sự ổn định về mặt chất lượng. Hiện nay, một số tỉnh, thành có điều kiện đang cân nhắc chế độ thu hút cho giáo viên Tin học, Tiếng Anh, tuy vậy liên quan đến tài chính cũng không phải dễ dàng. Trong bối cảnh hiện nay, khả thi trong việc giải quyết bài toán giáo viên Tin học có lẽ vẫn là tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hệ thống bài giảng điện tử, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có điều kiện.