Giấc mơ… học 2 buổi/ngày

GD&TĐ - Áp lực trường lớp năm học 2022 - 2023 là bài toán lớn với TPHCM và các địa phương lân cận khi sĩ số học sinh ngày một tăng, cơ sở vật chất không theo kịp. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương cùng với ngành Giáo dục đang nỗ lực đưa ra giải pháp để tất cả học sinh có đủ chỗ học.

Số lượng học sinh tại Trường Tiểu học Tân Tạo tăng theo từng năm, nhà trường đang nỗ lực tìm các giải pháp bảo đảm đủ chỗ học trong năm học mới.
Số lượng học sinh tại Trường Tiểu học Tân Tạo tăng theo từng năm, nhà trường đang nỗ lực tìm các giải pháp bảo đảm đủ chỗ học trong năm học mới.

Thầy cô “toát mồ hôi”

“Không chỉ phụ huynh vất vả trong việc đưa đón và chăm sóc con cái khi học một buổi mà chính các giáo viên trong trường cũng khó khăn. Năm học 2021 - 2022 vừa qua, Trường Tiểu học Tân Tạo có 6 giáo viên trong trường có con học lớp 1. Khối 1 mỗi tuần chỉ có 2 ngày học bán trú. Vì vậy, những ngày lớp các con học 1 buổi, giáo viên buộc phải gửi con vào những lớp học bán trú khác”, cô Phạm Thị Đoan Trang cho hay.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) dự kiến có 75 lớp. Vì thiếu chỗ học nên ban giám hiệu nhà trường đã tận dụng hết các phòng chức năng chuyển đổi thành lớp học. Tuy vậy, toàn trường cũng chỉ có 55 phòng học. Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường, với số lượng học sinh ngày một đông nên ban giám hiệu dự kiến phương án sẽ dồn các lớp khối lớn lại. Tuy nhiên, theo tính toán sĩ số học sinh các lớp đã rất cao, bình quân 46 - 47 em/lớp nên việc này cũng phải cân nhắc, nhằm bảo đảm sĩ số lớp không vượt quá 50 em.

“Các năm trước, nhà trường nhận học sinh vào lớp 1 bằng với số học sinh lớp 5 ra trường. Thế nhưng, kết thúc năm học 2021 - 2022 trường có 11 lớp 5 với 495 học sinh, nhưng số học sinh lớp 1 được phân tuyến về trường năm nay đã lên hơn 700 em. Khi sĩ số cao từ 48 - 50 học sinh/lớp, cô giáo giảng dạy vất vả vô cùng, đặc biệt là học sinh lớp 1. Bên cạnh đó, học sinh lên lớp 2 và 3 số tiết học cũng tăng hơn nên nhà trường đang tính toán các phương án cho phù hợp nhất để bảo đảm công tác giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018”, cô Trang nói thêm.

Tại Trường Tiểu học Bình Long (quận Bình Tân, TPHCM), năm học 2021 - 2022 có 36 lớp với 1.522 học sinh. Tuy nhiên, trường chỉ có 24 phòng học nên không bảo đảm học 2 buổi/ngày ở các khối. Giải pháp tình thế, nhà trường đã dùng phòng đọc sách và phòng giáo viên để làm 2 phòng học. Nhờ đó mà khối 1 và 2 có 16 lớp được học 2 buổi/ngày, còn 20 lớp khối 3, 4 và 5 chỉ học 6 đến 7 buổi/tuần.

Tiết hoạt động trải nghiệm ở lớp 2 của Trường Tiểu học Bình Long.

Tiết hoạt động trải nghiệm ở lớp 2 của Trường Tiểu học Bình Long.

Cô Phan Thị Tiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Long, cho biết: “Do khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) dân nhập cư rất đông, phần lớn phụ huynh tạm trú, ở nhà trọ nên điều kiện chăm lo cho học sinh hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Năm học vừa qua, chỉ tiêu về việc học sinh tham gia bơi lội không thực hiện được vì nhiều phụ huynh không có điều kiện để đóng học phí. Nhà trường mong muốn chính quyền địa phương xây thêm trường để có phòng học tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày”.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ năm học 2017 - 2018 đến nay, học sinh ở thành phố Biên Hòa không còn phải học lớp ca 3, tuy nhiên áp lực trường lớp vẫn rất lớn. Nguyên nhân chính là dân số cơ học tăng quá nhanh, còn cơ sở vật chất cho giáo dục lại vẫn chưa theo kịp.

“Vì phòng học không có, nhà trường không tổ chức học bán trú, mặc dù nhu cầu của phụ huynh rất lớn. Bởi khi con học 1 buổi cha mẹ phải gửi đến các trung tâm giữ hộ hay thuê người trông, rất tốn kém. Cũng do không đủ phòng học nên đối với các khối học theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường tổ chức dạy từ thứ 2 đến thứ 7 để bảo đảm các em học 6 buổi/tuần. Nếu không dạy vào thứ 7 sẽ không đáp ứng yêu cầu chương trình”, thầy Thuấn chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (thành phố Biên Hòa), một trong những đơn vị có số học sinh tăng nhiều hàng năm, cho hay: Dự kiến năm học 2022 - 2023 tổng số học sinh của trường là hơn 4.100 em. Như vậy, bình quân mỗi lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh. Mặc dù, bước vào năm học mới, nhà trường được đầu tư xây mới thêm 12 phòng học, nâng tổng số lên 50 phòng, thế nhưng vẫn chỉ đáp ứng đủ cho mỗi lớp học 1 buổi/ngày.

Loay hoay tìm chỗ gửi con

Năm học 2021 - 2022 con chị Trần Thị Mai Hoa (quận Bình Tân, TPHCM) vào lớp 1, Trường Tiểu học Tân Tạo. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ có 2 ngày học bán trú, vì vậy, gia đình gặp không ít khó khăn trong việc đưa đón, trông nom vào những ngày trẻ học 1 buổi.

Tại thành phố Biên Hòa, tỷ lệ học bán trú chỉ đạt 21%.

Tại thành phố Biên Hòa, tỷ lệ học bán trú chỉ đạt 21%.

Chị Hoa cho biết: “Bản thân làm Nhà nước nếu từ chỗ làm đến đón được cũng phải 12 giờ hơn. Trong khi đó, chồng làm nghề điện lạnh nên rất bận rộn. Mỗi lần đến đón thấy con đứng ngoài cổng chờ, rất thương, nhưng không còn cách nào khác. Vả lại khi đón được con rồi lại phải vất vả đi nhờ người trông. Không ít lần tôi buộc phải đưa cháu đến chỗ làm vì không nhờ được ai. Bản thân mong muốn cháu sang lớp 2 sẽ được học bán trú và cháu út năm nay vào lớp 1 cũng được học 2 buổi/ngày”.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thu Phương (quận Bình Tân, TPHCM), cũng có con năm nay lên lớp 2. Chị chia sẻ, năm học qua do một tuần chỉ được học 2 buổi bán trú, trong khi gia đình ít người, nên chị và chồng buộc phải đi tìm chỗ gửi con trong 3 ngày còn lại. Trước đây, chị Thu Phương cũng là giáo viên nhưng đã quyết định nghỉ để chuyển sang công việc kinh doanh, nhằm tiện đưa đón, trông nom khi con lớn vào tiểu học và chăm lo cho đứa con út. Nhưng cũng có những ngày chị phải đi nhận hàng hóa, trong khi người chồng công việc rất bận rộn, chị buộc phải thuê người trông và đưa đón.

“Tôi chỉ mong con lên lớp 2 được học bán trú. Không phải một mình tôi mà phụ huynh cả lớp đều ý kiến với cô chủ nhiệm về việc này. Tôi mong các cấp chính quyền, ngành Giáo dục đưa ra những giải pháp để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Trẻ học 1 buổi, phụ huynh chúng tôi rất cực”, chị Thu Phương bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), có con năm nay lên lớp 4 Trường Tiểu học Hà Huy Giáp cho biết, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân nên không thể đưa đón con khi tan học. Thời gian qua, việc đưa đón trông nom con chị đều phải nhờ bố mẹ chồng.

“Con tôi học một buổi, nhưng may mắn còn có bố mẹ chồng hỗ trợ đưa đón, trông nom. Trong khi nhiều phụ huynh buổi còn lại phải gửi vào các trung tâm giữ trẻ gần trường nên rất vất vả và tốn kém. Tôi và rất nhiều ba mẹ vẫn mong muốn trường học có tổ chức bán trú. Tuy nhiên tìm hiểu thực tế tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp rất khó thực hiện, vì do số lượng học sinh ngày một tăng, cơ sở vật chất thiếu, nên phòng học chỉ đáp ứng đủ mỗi lớp học một ngày 1 buổi”, chị Phương chia sẻ.

12 phòng học được xây thêm tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp góp phần giảm áp lực trước việc học sinh đầu cấp tăng hàng năm.

12 phòng học được xây thêm tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp góp phần giảm áp lực trước việc học sinh đầu cấp tăng hàng năm.

Linh hoạt các giải pháp

Giải bài toán quá tải về sĩ số học sinh đã và đang được các địa phương và ngành Giáo dục tích cực quan tâm triển khai. Cùng với việc xây dựng thêm trường, lớp hay tận dụng phòng chức năng làm phòng học, nhiều địa phương cũng linh hoạt giải pháp để đảm bảo chỗ học và nâng cao chất lượng dạy học.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân (TPHCM), năm học 2022 - 2023, địa phương dự kiến có khoảng 122 nghìn học sinh mầm non, tiểu học và THCS, tăng hơn 4.000 em so với năm trước. Trước áp lực học sinh tăng cao, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng thời khóa biểu giảng dạy phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh. Theo thống kê của phòng GD&ĐT quận, hiện có 48% trẻ khối 1, 2, 3 và 28% học sinh cấp THCS học 2 buổi/ngày, còn lại học 6, 7, 8 buổi/tuần.

“Đối với học sinh đủ tuổi vào lớp 1, quận luôn bảo đảm 100% vào học nếu có đăng ký tạm trú trước tháng 3/2022. Những em tạm trú sau thời điểm trên, tùy điều kiện từng phường có đủ chỗ sẽ tiếp nhận. Nếu học sinh phường này đông, không đủ chỗ học sẽ được phân qua phường khác, sao cho khoảng cách từ nhà đến trường gần nhất. Khó khăn hiện nay là sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường, khối lớp vượt chuẩn. Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn quận”, ông Tuyên nhìn nhận.

Còn ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Biên Hòa, cho biết, do đặc thù là thành phố trung tâm của tỉnh, có nhiều khu công nghiệp, dân cư tập trung đông, nhất là con em công nhân lao động số lượng lớn, việc giải quyết quá tải về trường lớp rất khó khăn. Tại thành phố Biên Hòa, trừ một số trường chuẩn quốc gia bảo đảm số lượng 35 học sinh/lớp, phần lớn các trường công lập bậc tiểu học trên địa bàn có sĩ số bình quân 42 học sinh/lớp, tập trung tại các phường: Trảng Dài, Tân Hiệp, Tam Phước, Long Bình.

“Năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa là hơn 242.000 em, tăng khoảng 11.000 học sinh so với năm học trước. Số lượng học sinh tăng chủ yếu tập trung ở bậc tiểu học và THCS. Trong khi đó, học sinh học bán trú chỉ chiếm khoảng 21%, còn lại học theo chương trình 6 buổi/tuần. Các trường đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, không phải tổ chức học ca 3”, ông Minh cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Minh, năm 2022 thành phố Biên Hòa đang triển khai thực hiện 55 dự án trường học, trong đó 17 trường đã và đang thi công. Năm học mới này, có 8 công trình trường tiểu học hoàn thiện với 149 phòng học và 16 phòng bộ môn đưa vào sử dụng. Qua đó đã góp phần giảm thiểu được áp lực về số lượng học sinh tăng theo từng năm.

“Với số lượng học sinh tăng hàng năm như hiện nay, giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề quá tải trường lớp của thành phố là phải xây dựng thêm nhiều trường học mới. Trong đó những trường xây dựng mới phải linh hoạt trong thiết kế xây dựng, nâng số tầng. Những tầng cao hơn có thể phục vụ cho giáo viên và ban giám hiệu. Với những trường còn đất trống sẽ xây thêm phòng học. Cùng với đó là việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển thêm mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn, ưu tiên kêu gọi đầu tư ở những phường đông dân cư, công nhân lao động”, ông Minh cho biết.

“Dạy học ở lớp có sĩ số quá đông rất vất vả, nhất là các em học sinh mới vào lớp 1. Vì đây là giai đoạn đầu các em đến trường, bắt đầu làm quen với con chữ, nét viết, phát âm, đánh vần... nên giáo viên phải sâu sát từng học sinh. Sau mỗi nội dung, giáo viên lại phải đến chỗ ngồi từng em để kịp thời uốn nắn từng nét chữ, luyện phát âm cho thật chuẩn. Nhiều buổi dạy vì phải nói quá nhiều nên giáo viên khàn cả tiếng...”, cô Lê Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Bình Long, chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.