Hà Nội quyết liệt giảm sĩ số học sinh/lớp

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc giảm dần sĩ số học sinh/lớp, tiến tới đáp ứng theo mức quy định của Bộ GD&ĐT là nhiệm vụ cấp thiết nhằm giải “bài toán” khó từ nhiều năm nay.

Học sinh Trường Tiểu học Vietschool (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Vietschool (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: TG

Sĩ số đang giảm dần

Theo Điều lệ Trường Tiểu học của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp tối đa chỉ có 35 học sinh. Các giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là quy định cần thiết, phải phấn đấu đạt được nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tại Hà Nội, sĩ số các lớp đang từ 50 - 60 em/lớp, để giảm xuống còn 35 là điều không dễ dàng và cần một lộ trình để thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Hiền (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Mỗi lớp có 35 học sinh là hợp lý, bảo đảm chất lượng học tập, cô giáo sẽ quan tâm được nhiều hơn đến học sinh. Khi lớp học quá đông, cả giáo viên và học sinh đều vất vả trong quá trình học tập. Phụ huynh cũng mong muốn có thêm trường lớp để giảm tải sĩ số, đồng thời tránh tình trạng căng thẳng mỗi khi đi xin học cho con.

Cách đây 3 - 4 năm, các trường tại Hoàn Kiếm có sĩ số trung bình khoảng 50 - 55 em/lớp. Nhưng với quyết tâm trong công tác chuẩn hóa sĩ số học sinh, từ năm học 2019 - 2020, các trường tiểu học trong quận đã giảm còn 40 học sinh/lớp. Năm học 2020 - 2021, con số này tiếp tục giảm, đạt theo quy định là không quá 35 học sinh/lớp.

Theo bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, giảm sĩ số học sinh trên lớp kéo theo nhiều thuận lợi khác, giúp tăng chất lượng giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Để thực hiện chuẩn hóa sĩ số, cần tính toán nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thực hiện theo một lộ trình hợp lý. Trong mỗi lần tuyển sinh đầu cấp, các nhà trường cần nắm vững số lượng và tình hình học sinh, tránh việc quá tải học sinh trong lớp. Cùng với đó, công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương để dành quỹ đất cho giáo dục là nhiệm vụ rất quan trọng.

Giai đoạn 2021 - 2025, quận Hoàn Kiếm đã dành nhiều nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, mở rộng và xây mới nhiều trường học trên địa bàn như: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Tiểu học Điện Biên, Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Tiểu học Chương Dương, Trường THCS Chương Dương. Quận cũng đã xóa 17 điểm trường lẻ không còn phù hợp.

Nắm vững tình hình học sinh, đồng thời mở rộng, xây mới các trường học cũng là giải pháp ngành GD-ĐT quận Thanh Xuân thực hiện từ nhiều năm nay nhằm chuẩn hóa sĩ số lớp học. Nếu như những năm học trước, nhiều trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân có sĩ số lên đến 60 thì trong năm học 2021 - 2022, số học sinh trung bình chỉ là 45, có trường đạt 40 học sinh/lớp.

Ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân - cho biết: Việc giảm sĩ số học sinh trên lớp được thực hiện theo lộ trình từ nhiều năm nay, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây mới trường học. Những phường có số học sinh đông đều có 2 trường tiểu học, như tại phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung. Cùng với đó, các trường chất lượng cao như THCS Thanh Xuân, Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ và các trường ngoài công lập cũng đã góp phần giảm sĩ số học sinh trên lớp trên địa bàn quận.

Sĩ số lớp học giảm sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: TG
Sĩ số lớp học giảm sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: TG

Đồng bộ giải pháp

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc giảm số học sinh/lớp là mong muốn từ nhiều năm nay của ngành GD-ĐT Hà Nội nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn vì đặc thù của thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh, số trường xây mới nhiều nhưng không theo kịp.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 2.835 trường mầm non, phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Về cơ bản, học sinh ở Hà Nội có đủ chỗ học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tượng quá tải về số lượng học sinh thường xảy ra tại một số trường thuộc khu vực nội thành như: Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa.

Trước bối cảnh số lượng học sinh tăng nhanh, việc giảm sĩ số học sinh/lớp được thực hiện theo lộ trình cùng với việc tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp học, cần ưu tiên nơi đông dân cư, lưu ý đến những nơi thường có số học sinh học trái tuyến cao; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp để hạn chế hiện tượng chênh lệch quy mô học sinh giữa các trường.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã tập trung đầu tư cải tạo, mở rộng trường học, nhất là trong giai đoạn tốc độ tăng dân số cơ học nhanh và số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp hằng năm ngày càng tăng. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng này sẽ thực sự hiệu quả nếu ngành Giáo dục Hà Nội kiểm soát được tình trạng “chạy” vào các trường có chất lượng giáo dục tốt hơn ngày càng nhiều.

Việc đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng là giải pháp quan trọng góp phần giảm sĩ số học sinh trên lớp. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 3/2022, toàn thành phố có 1.803 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 1.767 trường, đạt tỷ lệ 79% trong tổng số 2.236 trường công lập trên địa bàn Hà Nội.

THCS là cấp có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cao nhất với 85%; tiếp đến là tiểu học với 82,8%; cấp THPT có 72,9% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; cấp mầm non có 71,8% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Năm 2022, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng thêm 70 trường học đạt chuẩn quốc gia, gồm 27 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 17 trường THCS và 5 trường THPT. Trên cơ sở điều kiện thực tế, các quận, huyện, thị đã đăng ký xây dựng mới 99 trường đạt chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ