(GD&TĐ)- Phiên New York, Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay đã tăng mạnh lên mức kỷ lục mới 1.444,40 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu thô và lạm phát giá lương thực cũng đang gây sức ép lên kinh tế toàn cầu.
Giá vàng chạm kỷ lục mới ở 1.444,40 USD/ounce trong phiên hôm qua còn giá bạc cao nhất từ đầu năm 1980 ở 36,52 USD/ounce do nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh bất ổn chính trị leo thang. Giá bạc còn được hỗ trợ thêm bởi nhu cầu hàng thật và nỗi lo cung yếu.
|
Những lo ngại về bất ổn chính sự tại Libya đã làm cho giá vàng, bạc, dầu và lương thực tăng lên. Ảnh, AP |
Đóng cửa phiên, giá hai kim loại quý này hạ nhiệt do nhà đầu tư chốt lời và giá dầu hạ nhiệt. Giá vàng giao ngay chỉ tăng 0,4% lên 1.434,50 USD/ounce, còn giá bạc đứng ở 36,08 USD/ounce.
Tỷ lệ giữa giá vàng/bạc hiện đã giảm xuống dưới mức 40;1 - mức thấp nhất kể từ tháng 2/1998, thời điểm tỉ phú Warren Buffett mua 130 triệu ounce vàng trong giai đoạn từ 1997 – 1998.
Theo các nhà phân tích, diễn biến phiên đêm qua, vàng đã lập kỷ lục mới khi có tin về máy bay chiến đấu của Gaddafi phản công chống lại những người nổi dậy, nhưng sau đó giá đã hạ nhiệt khi có tin đồn nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi tìm kiếm một thoả thuận để rời khỏi đất nước.
Trong khi đó đồng đô la đã quay đầu tăng trở lại và dầu thô lại hạ nhiệt gần 2 USD/thùng và đó là lý do tại sao thị trường vàng cũng hạ nhiệt theo, các nhà phân tích đánh giá.
Cũng theo các nhà phân tích, tất cả các thị trường đề đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ biến động tại Trung Đông và Bắc Phi. Chừng nào bạo động vẫn diễn ra tại các khu vực này thì giá hàng hoá vẫn chịu những đột biến lớn.
Lo ngại bất ổn chính trị tại các khu vực có trữ lượng dầu mỏ xuất khẩu lớn cũng khiến thị trường dầu lên giá, điều này càng có tác động mạnh tới lạm phát. Như vậy vàng càng có cơ hội khẳng định vị thế của mình trong việc là tài sản phòng ngừa lạm phát.
Cùng với giá vàng, lạm phát lương thực và những biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ đang là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, thực phẩm tác động mạnh tới các nền kinh tế đang phát triển.
Giá lương thực tăng đã góp phần gây ra các cuộc nổi dậy, lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài tại Tunisia và Ai Cập, và các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Yemen, Bahrain, Oman, Algeria, Iran và Iraq.
Một động thái khác của nông sản, giá cà phê arabica leo lên mức cao của 34 năm trở lại đây trong phiên giao dịch hôm qua do nhu cầu mua vào mạnh từ các quỹ đầu tư bởi nguồn cung bị thắt chặt.
Đóng cửa phiên, kỳ hạn tháng 5 tại Sở giao dịch hàng hoá New York (ICE) tăng 8,35 cent, tương đương 3% lên 2,8115 USD/lb – cao nhất của 34 năm và là ngày có mức tăng mạnh nhất kể từ 28/1 năm nay.
Giá cà phê robusta trong khi đó tăng nhẹ hơn, chỉ 13 USD và đóng cửa ở 2.403 USD/tấn, sau khi chạm mức cao 3 năm ở 2.429 USD/tấn.
An Sương (TH)