Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Trường Đại học Mở Tp Hồ Chí Minh được giao chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (E-learning) trong giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng (MOOCs): Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam”, do PGS.TS.Vũ Hữu Đức làm chủ nhiệm.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 4 bài báo trên tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus (vượt so với yêu cầu 1 bài báo trên tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus và 3 bài báo khoa học trong nước).
Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu liên ngành. Cụ thể, đề tài đã đào tạo thành công 2 thạc sĩ của Trường Đại học Mở TPHCM và hỗ trợ đào tạo cho 1 nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn tiếng Anh, Trường Đại học Mở TPHCM.
Đề tài đã có những đóng góp cơ bản: Tổng quan có hệ thống và cập nhật tình hình nghiên cứu và nguồn tư liệu từ các công bố khoa học, các báo cáo nghiên cứu của tổ chức và các tiêu chuẩn, quy định liên quan e-learning trên thế giới. Trong đó, bổ sung thêm lý luận về thực tiễn về phát triển e-learning quốc gia được đúc kết từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công trên thế giới.
Đề tài đã đánh giá bối cảnh xã hội, công nghệ, kinh tế và chính sách cũng như thực trạng phát triển e-learning trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, bao gồm cả đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng (MOOCs); Đề tài đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự tạo lập thành công e-learning trong giáo dục đại học trong bối cảnh Việt Nam dựa trên khảo sát các bên liên quan.
Đề tài đã thu thập đầy đủ số liệu từ khảo sát trực tuyến, phỏng vấn chuyên gia và các nguồn số liệu thứ cấp để đưa ra những phân tích đầy đủ về thực trạng làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược phát triển e-learning trong giáo dục đại học tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thiện các văn bản pháp lý cũng như cơ chế bảo đảm chất lượng e-learning.
Đề tài xác lập mô hình e-learning trong giáo dục đại học và đề xuất cách thức thiết kế và vận hành các mô hình trực tuyến, kết hợp, ứng dụng MOOCs và mạng xã hội; Đề xuất các giải pháp phát triển e-learning cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên các phương diện chiến lược, cơ cấu tổ chức, quy định, đào tạo, cơ sở vật chất… theo từng giai đoạn của lộ trình.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài là căn cứ để các bộ, ban ngành đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học nói chung và phát triển e-learning nói riêng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, một số kết quả có thể được các trường đại học sử dụng trực tiếp trong việc xây dựng chiến lược phát triển e-learning ở cấp độ cơ sở giáo dục.
Một số kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT tiếp nhận, sử dụng và Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp nghiên cứu ứng dụng (có xác nhận bằng văn bản về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu). Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 5/8/2021 xếp loại “Xuất sắc”.
Phản biện tại phiên họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên hội đồng phản biện đã đánh giá cao những đóng góp của đề tài, được thực hiện công phu, nghiêm túc. Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp nhưng đề tài đã xây dựng được bộ tài liệu Elearning đầy đủ, đề tài cũng đã nêu được kinh nghiệm của các nền GD lớn, đưa ra được bài học cho Việt Nam về công nghệ, giáo dục, thể chế và văn hóa. Đề tài đã đạt đã đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời kiến nghị tiếp tục có chiến lược phát triển sau này để lan tỏa, sử dụng kinh nghiệm hay của quốc tế dựa trên nền tảng phù hợp với Việt Nam.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, kinh phí giảm, nhóm đề tài đã nỗ lực tâm huyết hoàn thành tốt các nội dung công việc. Đề tài có ý nghĩa, kết quả đạt được mục tiêu đề ra. Đề tài là một tài liệu tham khảo tốt để cơ quan bộ định hướng chiến lược, chính sách.
Bộ mong muốn nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển hơn nữa đề tài, đông hành cùng Bộ trong giai đoạn tiếp theo, và với các trường trong đào tạo Elearning. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu truyền thông mạnh hơn về đề tài, với nhiều hình thức, qua các diễn đàn, qua hội thảo để nói về tầm quan trọng, ý nghĩa, cách làm, sự lựa chọn, cho xã hội và người học thấy được hiệu quả và chấp nhận kết quả đem lại của đề tài.