Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục, đến nay đã có 49 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định (có căn cứ pháp lý) để thực hiện. Trong đó, 50 nhiệm vụ được thực hiện dưới hình thức đề tài khoa học và công nghệ và 3 nhiệm vụ là đề án khoa học.
Về cơ bản, các nhiệm vụ được xác định để thực hiện Chương trình đã đáp ứng được yêu cầu về Diện và Điểm. Diện là mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 đều có một hoặc một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai nghiên cứu. Điểm là tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ có tính chất “gỡ nút thắt”, cung cấp cơ sở khoa học góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ghi nhận những kết quả đã được trong năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm qua Chương trình Khoa học Giáo dục đã có sự chuyển biến rất mạnh trong triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.
Các đại biểu phát biểu thảo luận |
Theo Bộ trưởng, không phải đến khi có kết quả nghiên cứu thì các đề tài mới có tác dụng mà chúng ta đã “gặt hái” được nhiều kết quả ngay từ thời gian đầu thực hiện. Tuy nhiên đó mới chỉ là kết quả ban đầu, vì thế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh cho tốt lên.
Năm 2019, Văn phòng Chương trình và Ban chủ nhiệm cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề tài đã được phê duyệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, rà soát các đề tài đã có, nếu đề tài nào đi đúng hướng thì tiếp tục phát triển, còn đề tài nào không đúng hướng sẽ phải điều chỉnh.
Trên cơ sở rà soát 9 nhóm nhiệm vụ của nghị quyết 29 và một số nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương, nếu có những vấn đề phát sinh thì chúng ta sẽ bổ sung để xây dựng các luận cứ cho những chính sách. Quan điểm là chúng ta điều chỉnh nội dung nhưng không tăng nhiệm vụ.
Bộ trưởng lưu ý, cần chuẩn bị tổng kết chương trình giai đoạn 1 và đề xuất nhiệm vụ giai đoạn 2. Đồng thời, cần kiện toàn Ban chủ nhiệm theo hướng tinh gọn, chuyên sâu. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Chủ nhiệm đề tài với Ban chủ nhiệm và với các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2109 phải tiếp tục đổi mới và xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hợp lý. Trước hết kế hoạch của Ban chủ nhiệm, tiếp đến là xây dựng kế hoạch kiểm tra các đề tài đã được ký kết.
Văn phòng Chương trình có thể phối kết hợp với các Vụ, Cục để tổ chức các hoạt động như: khảo sát và tổ chức hội thảo. Đồng thời chỉ đạo các đề tài gắn với các nhiệm vụ của các Vụ, Cục để ra được sản phẩm như mong muốn.
Bộ trưởng gợi ý, nhân dịp tổ chức các tọa đàm, hội thảo về những vấn đề liên quan, chúng ta có thể đưa ra thông điệp của lãnh đạo Bộ, các ý kiến của chuyên gia. Đây là cơ hội vàng để chúng ta truyền thông với xã hội về những việc mà chúng ta đã và đang làm.
Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20 (gọi tắt là Chương trình Khoa học Giáo dục) là Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29.
Chương trình được thực hiện nhằm góp phần đổi mới cơ bản khoa học giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, lấy nghiên cứu dựa trên minh chứng làm nền tảng, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và tiệm cận với trình độ khoa học giáo dục thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục và đào tạo; quản lý giáo dục; xây dựng và ban hành hệ tiêu chí, chỉ số thống kê, cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo. thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của NQ29; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.