Giá trị của sinh tồn

GD&TĐ - Khi tôi nói với con rằng “nếu con chết đi, con không còn tồn tại trong cuộc đời nữa, thì chuyện gì xảy ra?”.

Phụ huynh nên giúp trẻ biết cách xoay xở trong những tình huống nguy hiểm ngay từ lúc còn nhỏ. Ảnh minh họa: INT
Phụ huynh nên giúp trẻ biết cách xoay xở trong những tình huống nguy hiểm ngay từ lúc còn nhỏ. Ảnh minh họa: INT

Dương và Cầm - hai cô con gái của tôi - đều nói: Con làm sao biết chuyện gì xảy ra nữa, vì con không còn sống trên đời. Con sẽ chẳng chứng kiến được điều gì.

Cứ như thế, mẹ con tôi cùng bày tỏ niềm ham sống, niềm khao khát “cuộc sống mãi mãi đang chờ, đặc sắc đến nhường nào!”.

Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ đóng vai, hoặc tái hiện lại những tình huống “chớp nhoáng” lướt qua trong đầu, mà khi đó, chỉ nghĩ đến thôi, chúng tôi đã thấy “rung mình”. Nhưng phải trấn tĩnh lại, rồi bịa thành hoạt cảnh để mà trò chuyện với nhau.

Tôi nhớ những chuyện thế này:

Lúc đó, cả hai bạn Dương, Cầm đều còn bé. Một bạn học lớp 3, một bạn học lớp 1. Các bạn thường tự đi học một mình. Tôi thường bị “ý kiến” về chuyện để các con “tự đi như thế nhỡ gặp nguy hiểm thì sao?”, dù rất kiên định, và tự tin rằng chúng tôi đã cùng nhau tạo ra vùng an toàn, đủ để bảo vệ các con. Nhưng có lúc, tôi cũng giật mình bởi trong suy tư, nhỡ chuyện đó xảy ra thật. Thế là tối đó, tôi đóng kịch với Dương và Cầm. Đại khái vở kịch về những chuyện:

+ Con đang đi đường, một người phóng xe, lạng lách va vào con thì sao? Cầm nói rằng: Con luôn đi bên phải, con đi trên vỉa hè mà làm sao người đó đâm vào con được. Dương suy nghĩ thêm, rồi nói: Con có ghi trong vở của con, địa chỉ, số điện thoại của mẹ, nếu nhỡ làm sao, thì họ sẽ gọi cho mẹ, mà họ sẽ đối tốt với con vì con là con của mẹ, mẹ nhỉ.

+ Con bị lạc thì làm sao? Cầm nói: Con làm sao lạc được. Trước khi đi, con đã vẽ rất rõ đường rồi ạ. Con cũng không tự ý đi lung tung đâu mẹ. Nếu con bị lừa, bị lạc á! Có thể lắm, Cầm thích ăn kem mà (Dương nói), Cầm không ăn với người lạ đâu. Cầm nhớ ai mua cho thì mới ăn mà.

Rồi khi Dương và Cầm đã lớn hơn, các con bắt đầu biết có cãi nhau, có ghét nhau, có bắt nạt nhau, có người dọa dẫm… Tôi nhắc nhớ lại những sự kiện đau lòng mà tôi cũng không tránh khỏi, phải tạo thành kịch bản để cùng nhau thảo luận ra lí ra lẽ.

Hãy dạy kỹ năng sinh tồn cho con cái của bạn. Ảnh minh họa: INT

Hãy dạy kỹ năng sinh tồn cho con cái của bạn. Ảnh minh họa: INT

Tôi hỏi Dương: Nếu có bạn ghét con đến nỗi, hét vào mặt con “mày chết đi” thì con nghĩ sao? Dương nói, con chẳng thèm cãi nhau, nhưng sao con phải chết. Con sẽ không bao giờ chết vì ai đó bảo con đáng bị như vậy đâu. Con còn gặp khối người hay ho nữa, trong mấy chục năm sau.

Tôi hỏi, lúc nào các con chán đời. Cầm bảo, thỉnh thoảng thấy mẹ và bố cãi nhau, con cũng buồn, cũng lo lắng. Lúc mẹ bảo: “Bố mẹ cần họp, các con vào phòng đi” thì con biết thừa là chuyện chẳng có gì vui. Lúc đó con chán đấy. Nhưng con biết thừa, ai chẳng cãi nhau. Con còn làm chuyện hài để bố mẹ vui vẻ. Chứ ai lại buồn chán làm gì.

Tôi thấy ngày nay, người ta nói nhiều đến “Kỹ năng sinh tồn”. Rất nhiều khóa huấn luyện, để rèn những kỹ năng mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ loại môi trường tự nhiên hoặc xã hội nào.

Nhiều người cho rằng, cần phải rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ càng sớm càng tốt và điều này thực sự đúng do chúng giúp các con của bạn tránh được những tình trạng khó khăn hoặc bị động trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai.

Kỹ năng sinh tồn chính là những nhân tố hỗ trợ và quyết định sự an toàn của tính mạng trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm xuất hiện đột xuất. Đây chính là những kỹ năng cần được ưu tiên nhất trong việc dạy dỗ và rèn luyện cho một đứa trẻ, chúng rất quan trọng để bảo vệ các con trước những sự việc không ngờ tiêu cực có thể xảy ra, như: Sơ cứu với những chấn thương phổ biến và nguy hiểm (Vết cắn từ rắn, nhện và các động vật có độc, gãy xương, bỏng, nhiễm trùng qua thực phẩm, vết thương có thể bị nhiễm trùng nhiễm độc…); Nơi trú ẩn an toàn (tránh xa các mối nguy hiểm, như vách đá, nguồn nhiệt, sét đánh…).

Nhưng còn một điều rất quan trọng, đó là bản năng yêu cuộc sống, tôn quý cơ thể, khát khao được tồn tại, và về mặt tinh thần, sự sống, bao gồm suy nghĩ tích cực lại càng là một lẽ sinh tồn của chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ