Kỹ năng sinh tồn khi tham quan, dã ngoại của giới trẻ đang quá kém?

GD&TĐ - Vụ việc 27 học sinh trường THPT Chuyên Bắc Kạn mắc kẹt trên núi, thêm lời cảnh tỉnh về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoài nhà trường.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Cần đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh

Theo TS. Vũ Thu Hương – Trung tâm kỹ năng Cá Siêu Quậy: Chuyện học sinh, sinh viên gặp nạn hoặc gặp các sự cố ngoài mong muốn khi đi tham quan, dã ngoại hoặc đi làm tình nguyện không phải chuyện hiếm. Câu chuyện 27 em học sinh TPHT ở Bắc Kạn lạc trong rừng nhiều giờ trong chuyến dã ngoại đã cho thấy “khoảng tối” về kĩ năng sống của giới trẻ hiện nay. Rõ ràng, những kĩ năng đơn giản nhất như tìm đường, xác định phương hướng thông qua các tín hiệu từ mặt trời, hướng núi của các em là quá kém.

Điều này hoàn toàn khác biệt với giới trẻ của nhiều nước trên thế giới. Ngay từ lớp 1, học sinh đã được cô giáo đưa vào rừng để dã ngoại, tìm đường về và tìm cách tự lo thân, tự xử lý các vấn đề cá nhân. Lớp 3, 4 trẻ đã tham gia vào chương trình trao đổi học sinh, sang nước khác, thành phố khác để học tập trong thời gian chừng 1, 2 tháng không có phụ huynh theo kèm. Khi học cấp 2, học sinh đã tự đăng kí, xin visa để đi du lịch tại các quốc gia khác một mình hoặc cùng nhóm bạn.

Trong tình huống của 27 học sinh 15 tuổi bị lạc cho thấy kĩ năng sinh tồn và xử lý tình huống của các em rất hạn chế. Bên cạnh đó, thầy giáo lại không nắm rõ hiện trạng kiến thức kỹ năng xử lý tình huống của các em nên để mặc cho các em tự xử lý vấn đề.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, để tổ chức cho trẻ những chuyến đi dã ngoại an toàn, bổ ích, rõ ràng cần phải có 1 chương trình rèn luyện kĩ năng cho học sinh hết sức hoàn chỉnh và cụ thể theo từng cấp học, lớp học cũng như các chương trình rèn kĩ năng tại gia đình. Trang bị các kỹ năng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết và cần phải bồi dưỡng thường xuyên liên tục, đồng thời là trách nhiệm không chỉ của riêng nhà trường.

Ở đây, vai trò giáo dục kỹ năng tại gia đình rất quan trọng. Cha mẹ có thể chia sẻ cho con cái các câu chuyện liên quan đến các tình huống thường gặp trong các chuyện đi dã ngoại. Cả những cách thức để giúp trẻ có thể xử lý những tình huống cơ bản khi gặp trong chuyến đi. Những kiến thức từ các câu chuyện sinh động của bố mẹ sẽ giúp trẻ dần hình thành lượng kiến thức và sẽ trở thành kỹ năng khi gặp trong thực tế.

27 học sinh đã được hỗ trợ trở về an toàn sau chuyến dã ngoại đầy sóng gió tại núi Khau Mồ, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.
27 học sinh đã được hỗ trợ trở về an toàn sau chuyến dã ngoại đầy sóng gió tại núi Khau Mồ, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.

Chú trọng khâu chuẩn bị

Chuyên gia kỹ năng sinh tồn Đinh Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng New world cho rằng: Để có một chuyến đi dã ngoại thành công, bổ ích và an toàn, nhất thiết nhà trường, các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh cần chú trọng khâu chuẩn bị.

“Tôi cho rằng, người giữ vai trò quan trọng nhất của một chuyến đi thuộc về người trưởng đoàn. Cụ thể, trường hợp của 27 học sinh Bắc Kạn, người trưởng đoàn phải được đào tạo hoặc tìm hiểu kỹ các kiến thức và kỹ năng đi rừng, sinh tồn trong rừng. Đơn giản như: Biết xác định hướng, biết sơ cứu khẩn cấp, biết phân công công việc cụ thể cho các phó đoàn đến các đội trưởng từng nhóm nhỏ. Có như vậy, mới có thể yên tâm phần nào cho các thành viên của chuyến đi.”, chuyên gia Đinh Văn Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia Đinh Văn Hưng cho rằng, địa điểm dã ngoại cần phải được khảo sát trước. Các thông tin cần thiết như: có suối, hồ, hoặc gần nhà dân hay trạm y tế hay không phải được xem xét cụ thể để huy động sử dụng khi có tình huống bất ngờ. Trong đoàn cần có người được phân công và được tập huấn chu đáo về công tác sơ cấp cứu khi có tình huống tai nạn thương tích cho các thành viên.

Trước khi đi, nhà trường cần chia sẻ trước với học sinh về địa điểm dã ngoại bằng hình ảnh cụ thể và đưa ra được quy định cũng như hành trình cho các em nắm rõ. Cùng với đó, cần xây dựng các tình huống tai nạn thương tích có thể xảy ra tại địa điểm dã ngoại và hướng xử lý để học sinh nắm rõ.

“Một trong những điều tối quan trọng để có một chuyến đi an toàn chính là chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị và hướng dẫn học sinh cách tìm sự trợ giúp bằng các trang thiết bị khi bị lạc. Khi gặp tình huống phát sinh ngoài dự kiến, các em cần bình tĩnh tìm phương án tháo gỡ, tránh tâm lý hoảng loạn khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.”, chuyên gia Đinh Văn Hưng khuyến cáo.

Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc các em đi dã ngoại là tự phát, không có giáo viên cùng đi lên đỉnh Khau Mồ. Thầy giáo đưa học sinh bị mệt xuống núi chỉ là người mang nước lên khi được các em nhờ giúp đỡ.

Trước đó, sáng 22/11, nhóm 29 học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT Chuyên Bắc Kạn tổ chức đi dã ngoại tại núi Khau Mồ, phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.

Sau khi leo lên đến đỉnh núi, do 2 học sinh có dấu hiệu mệt mỏi nên gọi điện nhờ thầy Nguyễn Xuân Thái - giáo viên Vật lý, Bí thư đoàn trường đưa về trước, 27 học sinh còn ở lại trên núi. Đến chiều muộn, do sương mù, trời tối, các em bị lạc trong rừng, không tìm được đường về.

Nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng, chia làm nhiều nhóm tìm kiếm tại khu vực núi Khau Mồ (phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn). Đến 21h cùng ngày, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tiếp cận được 27 học sinh, kiểm tra sức khỏe, lên phương án di chuyển xuống núi an toàn.

Được biết, do khi xuống núi, các em không đi theo đường lên lúc đầu mà đi theo lối tắt. Tuy nhiên trời nhanh tối, lại có sương mù nên các em mất phương hướng, dẫn đến bị lạc. Khi lực lượng PCCC&CNCH xác định và tiếp cận được vị trí của 27 học sinh, các em đã ở gần hướng thủy điện Nặm Cắt (cách chân núi Khau Mồ chừng 7km).

Một chuyến đi thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào khâu chuẩn bị có chu đáo, cẩn thận hay không. Nhà trường và các thầy cô cần lưu ý lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong chuyến đi. Nhất thiết phải cảnh báo các nguy cơ để học sinh nắm rõ và lưu ý thực hiện. Có như vậy dã ngoại mới có ý nghĩa và không trở thành mối lo của các bậc phụ huynh học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nguy cơ từ 'quà vặt miễn phí'

GD&TĐ - Trước các cổng trường, nhất là các trường tiểu học và trung học cơ sở, luôn có những người bán quà vặt.