(GD&TĐ) - Xấp xỉ 90% số đại biểu Quốc hội đồng ý với Luật Đất đai (sửa đổi) được chính thức thông qua vào sáng ngày 29/11/2013. Cuối cùng thì sau 3 kỳ họp Quốc hội với những tranh luận sôi nổi, gay cấn xoay quanh 2 khía cạnh chính là thu hồi và đền bù đất, vào giờ chót, đã có sự điều chỉnh, tạo sự đồng thuận cao của xã hội.
Điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi ) lần này thu hút sự quan tâm, được đánh giá là đổi mới tích cực, đó là quy định khung pháp lý về đất đai đảm bảo tính chất công khai, minh bạch, coi trọng dân sinh trong quản lý, sử dụng đất cũng như trong thu hồi, đền bù đất; sự tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đã từng phát biểu nhấn mạnh: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt; là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất là động lực phát triển của xã hội”.
Nghị quyết của Đảng về đất đai đã được ban hành từ năm 2003, nhưng trong 10 năm qua vẫn chưa đi vào cuộc sống đúng nghĩa, trong thực tế vẫn còn nảy sinh khá nhiều bất cập.
Trên 70% đơn thư khiếu nại hằng năm liên quan đến vấn đề đất đai (riêng trong năm 2012, có 1.500 lượt khiếu nại) là sự minh chứng cho chính sách ở tầm vĩ mô, thậm chí là pháp luật về đất đai chưa phù hợp, trong đó việc thu hồi đất bất hợp lý, giá đất bồi thường là vấn đề mang tính cốt lõi.
Có lẽ ý nghĩa lớn nhất của đất đai từ muôn đời nay chính là không gian sinh tồn thiêng liêng của từng cá nhân và cả cộng đồng. Đa số với người Việt Nam, “tấc đất tấc vàng” vì đó là đất của ông cha để lại.
Đặc biệt đối với người nông dân, mảnh ruộng đối với họ không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng giá trị tình cảm, tâm linh.
Đối với đất vườn nhà, đất thổ cư thì giá trị tinh thần lại cao hơn nhiều. Nó không chỉ có giá trị sản xuất ra của cải trước mắt mà còn có giá trị chủ động “tích cốc phòng cơ”.
Trong kháng chiến dân ta có câu khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”. Họ sẵn sàng hy sinh để giữ đất, giữ quê hương.
Trong thời bình họ cũng có thể tiếp tục hy sinh một phần vườn, đất cho các công trình an ninh, quốc phòng, giao thông và những công trình phúc lợi xã hội khác. Nhưng nông dân khó chấp nhận việc giao đất cho các nhà đầu tư không tốn một giọt mồ hôi để giành lại đất trong kháng chiến với cái giá bồi thường thấp, để rồi bằng nhiều cách các nhà đầu tư đó kinh doanh siêu lợi nhuận trên mảnh đất ấy.
Trong thời buổi gay go nhất, ác liệt nhất của các cuộc kháng chiến Đảng ta đều thấy rõ mối quan hệ chính trị của lực lượng cách mạng đối với đất. Vì nông dân là lực lượng chủ lực. Trong kháng chiến ta đã thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.
Đây không phải là khẩu hiệu chiến thuật mà là mục đích của Đảng ta. Và đất là vấn đề hết sức phức tạp, nông dân không thể mất đất bằng những quyết định hành chính chưa được nghiên cứu thấu đáo cả về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Trong thực tế thì nhiều nơi, nhiều trường hợp việc thực hiện chính sách giải toả, bồi thường còn khoảng cách xa so với tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Chính vì những lẽ đó, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại Quốc hội vừa qua đã giải tỏa được bao nhiêu bức xúc của người dân, mở ra cánh cửa hi vọng cho họ.
Một khi việc thu hồi đất mang ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích của cộng đồng, của quốc gia chứ không phải lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào khác thì ắt sẽ tạo sự đồng lòng, hợp lực.
Một khi chính sách đền bù đất công khai, minh bạch, thỏa đáng thì không có lý do gì để người dân phải bức xúc đến mức có những phản ứng đáng tiếc như đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên Luật có thực sự đi vào cuộc sống hay không, đó vẫn là điều mong đợi hơn cả của mọi tầng lớp xã hội…
Hồng Thúy