>>Giá thép và nhiều vật liệu khác sẽ tăng trong tháng 4
Sản xuất thép đang phải chịu sự tăng giá của nhiều yếu tố đầu vào...(Ảnh minh hoạ, internet) |
Giá thép đang tăng
Theo nhận định của Hiệp hội Thép và Tổng công ty Thép Việt Nam, giá điện tăng 6,8% chỉ làm tăng 0,4- 0,5% chi phí đầu vào của ngành thép, tức tăng 50- 100 nghìn đồng/tấn thép thành phẩm nhưng đến nay giá thép trong nước đã tăng chóng mặt. Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố tăng giá điện từ 1/3, ngày 3/3, nhiều nhà máy thép đã đồng loạt thông báo tăng thêm 300 nghìn đ/tấn so với giá tại thời điểm trước đó là 11,5 triệu đ/tấn. Ba lần điều chỉnh tiếp theo giá thép tiếp tục tăng thêm tương ứng 300 nghìn, 400 nghìn và 500 nghìn đ/tấn. Như vậy, tính đến thời điểm này, giá bán tại các nhà máy thép đã tăng khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đ/tấn.
Ngày 2-4, hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam đều đồng loạt tăng giá bán với mức tăng gần như tương ứng, khoảng 500.000 đồng/tấn cho các hợp đồng giao tại nhà máy. Hiện giá thép cuộn của Tổng công ty Thép VN (VNSteel) trụ sở phía Nam (chưa tính 10% VAT) giữ mức 13,77 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 13,87 triệu đồng/tấn; Pomina khoảng 14,14 triệu đồng/tấn (thép cây), chừng 13,9 triệu đồng/tấn(thép cuộn)...
Với lần điều chỉnh đầu tiên trong tháng 4, các doanh nghiệp sản xuất thép đã tăng giá ít nhất năm lần tính từ đầu năm đến nay với tổng mức tăng sau các lần điều chỉnh ước trên 2,4 triệu đồng/tấn. Thị trường bán lẻ cũng đã đẩy giá bán lên trên 15,4 triệu đồng/tấn ngay sau khi mức giá mới của các doanh nghiệp sản xuất được công bố.
Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- lý giải: Các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng, lãi suất vay ngân hàng, tỷ giá USD… tăng chỉ ảnh hưởng một phần vào giá thành thép xây dựng. Giá thép tăng mạnh như vừa qua chủ yếu là do giá phôi nhập khẩu tăng cao. Có thông tin cho biết, hơn một tháng qua, các hãng thép lớn đã ký với các nhà cung cấp quặng lớn trên thế giới tăng giá quặng thép lên 30- 40% so với giá cũ. Thông tin này đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong nước. Ông Nghi cho biết thêm, mặc dù hiện nay sản lượng phôi thép trong nước đã đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước nhưng 40% phôi còn lại và đến 80% lượng phế liệu thép vẫn phải nhập khẩu. vì thế ngành thép còn phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới.
Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia (chiếm 75% trữ lượng quặng thế giới) đã tuyên bố sẽ tăng giá quặng từ 40 - 50% (từ hơn 80 USD lên 140 - 150 USD/tấn) so với năm 2009. Đồng thời, giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%, giá gang luyện thép cũng tăng cao. Như vậy, giá nhập khẩu phôi tháng 3 tăng 70-80USD/tấn so với tháng 2 và tăng 115 - 130USD/tấn so với tháng 12/2009. Giá thép phế nhập khẩu cũng tăng hơn 70% (tăng từ 60 - 80 USD/tấn so với tháng 2).
Thép đang bị đầu cơ, tăng giá?
Người tiêu dùng đang phải hứng chịu giá thép ảo...? (Ảnh minh hoạ, internet) |
Giá thép đang tăng đột biến, nhưng có dấu hiệu không bình thường ở hiện tượng này. Đầu tiên có thể thấy giá thép các đại lý bán ra thị trường cao hơn rất nhiều so với giá của nhà sản xuất. Các đại lý đã "té nước theo mưa", tăng giá bán thép cho người tiêu dùng từ 800 nghìn cho đến gần 1 triệu đ/tấn so với giá xuất xưởng. Điển hình như Thép Việt (Pomina), giá bán do nhà máy công bố là chừng 13,9 triệu đồng/tấn(thép cuộn)...trong khi giá bán lẻ ngoài thị trường là 14,6 triệu đ/tấn, chênh 900 nghìn đ/tấn… Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, thép trong nước đang bị "làm giá", đẩy giá lên quá cao.
Biểu hiện tiếp theo là diễn biến của thị trường thép đang có dấu hiệu "đầu cơ, găm hàng" khiến lượng thép trên thị trường ngày càng khan. Lượng thép sản xuất tháng 3 ước đạt 400.000 tấn, tăng 121.400 tấn so với tháng trước; lượng tiêu thụ ước đạt 450.000 tấn, tăng 147.476 tấn so với tháng trước, tăng 51% so với cùng kỳ 2009. Trong khi tồn kho thép thành phẩm ở mức mỏng 200.000 tấn. Và mặc dù tiêu thụ thép rất tốt nhưng hiện nay có hiện tượng một số doanh nghiệp và đại lý ghìm giữ lượng bán ra, thậm chí không bán vì lo ngại giá thép còn cao.
Thép là một thị trường nhạy cảm, chịu nhiều áp lực giá của các ngành công nghiệp khác có sử dụng thép làm nguyên liệu chính của đầu vào; do vậy, mặc dù giá điện, than và giá quặng thế giới có tăng cao nhưng thiết nghĩ các nhà quản lý và các doanh nghiệp nhà nước trong ngành là những pháp nhân giúp chính phủ bình ổn giá phải bằng nhiều biện pháp để bình ổn, kiềm chế giá thép. Không để thiếu thép, không đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, không để giá thép tăng đột biến, gây "sốc" cho thị trường.
Bá Hải