(GD&TĐ) - Từ lâu khi nhắc đến bữa cơm sinh viên người ta thường nghĩ ngay đến hai chữ “đạm bạc”, thì nay hai chữ đó càng có chiều hướng tệ hơn do ảnh hưởng của đợt tăng giá của nhiều mặt hàng vừa qua.
Chúng tôi ghé vào một dãy trọ gồm 10 phòng trên đường Đặng Văn Ngữ (Thành phố Huế) thì gặp ngay Trang vừa mới đi chợ về.
Vừa bước vào cổng, Trang đã than: “Trời ơi! Thời này đi chợ cái gì cũng đắt quá. Bữa trước một bó mồng tơi chỉ 2.000 đồng thì nay đã tăng thành 4.000 đồng. Giá thịt lợn mới hôm trước là 70 nghìn đồng/kg thì hai hôm sau đã tăng hơn 85 nghìn đồng/kg, thậm chí một củ cải nhỏ có giá 10.000 đồng. Không mua được gì em chỉ mua ít rau khoai và cải”.
Thấy Trang than thở, Phương (sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Huế) cũng ló đầu ra góp lời : “Tuần trước, em mua chai dầu ăn Vạn Thọ 1 lít là 21.000 đồng thì nay nghe đứa bạn nói đã tăng lên 36.000 đồng. Thêm nữa, bình ga mini bữa trước đổi chỉ 5.000 đồng/bình thì sáng nay mới đổi đã thành 7.000 đồng/bình”.
Tạm biệt hai cô bạn gốc Hà Tĩnh, trong đầu chúng tôi vẫn còn đọng lại câu nói đầy thông cảm của Phương: “Có lẽ em phải gọi điện ra nhà xin tăng thêm tiền ăn hàng tháng thôi, giá cả kiểu này thì làm sao sống nổi”.
Bữa cơm sinh viên ngày càng đạm bạc (Ảnh MH) |
Tiếp đến, chúng tôi đi đến một dãy trọ ở đường An Dương Vương – Thành phố Huế. Đúng vào bữa cơm trưa nên chúng tôi được tận mắt chứng kiến mâm cơm của hai cô bạn Diễm và Lanh. Bữa cơm chỉ có 1 khuôn đậu hũ hấp và đĩa rau muống luộc. Khi được hỏi: Ăn như thế này thì lấy sức đâu mà học hành, thì Lanh – cô sinh viên năm cuối trường ĐHKT Huế nói: “Phải chịu thôi chị ơi! Thời này cái gì cũng đắt đỏ. Mua 1 khuôn đậu hũ về mà em cũng không giám rán lên như bữa trước chỉ bỏ vào nồi cơm hấp cho đỡ tốn dầu ăn. Em đang học năm cuối cũng không giám đi làm thêm sợ ảnh hưởng tới việc học”.
Còn đối với Diễm, cuộc sống của tân sinh viên lần đầu tiên xa nhà với giá cả đắt đỏ đôi khi làm cho cô nàng phát hoảng. “Ngày nào đến lớp, em cũng nghe mấy đứa trong lớp nói về chuyện giá cả. Có đứa ăn rau mà cũng không giám luộc, đợi cơm cạn rồi bỏ vào hấp sợ tốn dầu, tốn ga chị ạ!” - Diễm nói.
Ngoài việc ăn uống tiết kiệm, nhiều bạn sinh viên còn tìm cách tập hợp lại nhiều người, nhiều phòng cùng dãy trọ cùng nấu ăn chung. Tâm (ĐHSP Huế) chia sẻ: “Chỗ trọ em ở chỉ có 4 phòng nên tuần trước bọn em đã thỏa thuận sẽ “góp gạo thổi cơm chung”. Các phòng thay phiên nhau đi chợ, nấu ăn. Ăn nhiều người cũng vui lại tiết kiệm được tiền đi chợ so với ăn một mình”.
Giá cả tăng đột biến không chỉ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các bạn sinh viên mà còn ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Do đó, các bạn sinh viên cần có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, nhất là trong việc tổ chức bữa ăn để có một sức khoẻ tốt, vững bước lên giảng đường.
Hồ Thị Mai Ka