Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 15/11 được thực hiện gồm 2 lộ trình.
Thứ nhất, từ ngày 15/11 mức giá khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Thứ hai, từ ngày 1/3/2016 mức giá gồm cả tiền lương.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam chiều 26/10, trong cả lộ trình, tiền ngày giường bệnh sẽ tăng ít nhất 2 lần, nhiều nhất 5-7 lần.
Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, mức giá tối đa tại bệnh viện hạng đặc biệt hiện 335.000 đồng, từ giữa tháng 11 năm nay sẽ tăng lên 354.000 đồng, sang năm 2016 sẽ tăng vọt lên gần 680.000 đồng.
Tại các bệnh viện hạng 4 - hạng thấp nhất hiện nay và chưa phân hạng, giá giường điều trị nội trú cũng từ 55.000 lên 66.000 đồng và sau đó là 165.000 đồng cho một ngày, cao gấp gần 3 lần so với hiện tại.
Giá khám bệnh cũng tăng 2-4 lần tùy hạng bệnh viện, lên mức 30.000-39.000 đồng một lượt khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa - hiện dao động 7.000-20.000 đồng. Đây là giá cơ quan bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện.
Tương tự, giá 1.800 dịch vụ y tế cơ bản được áp đồng giá trên tất cả các bệnh viện thay đổi tùy theo từng nhóm. Mức giá được xây dựng trên nguyên tắc lấy mức giá tối đa được quy định trước đó cộng thêm lương theo ngạch bậc tính theo mức lương cơ sở; các loại phụ cấp đặc thù của ngành y tế và các khoản đóng góp theo quy định…
Các bệnh viện trung ương hầu hết đều áp dụng khung giá tối đa, nên người bệnh sẽ không thấy sự thay đổi nhiều, tăng ít thì vài chục nghìn, nhiều nhất 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên những bệnh viện đang áp dụng giá dưới khung tối đa thì sẽ tăng đáng kể. Theo thông tư 04, có 5 tỉnh phê duyệt mức thu dưới 70% khung giá, 34 tỉnh phê duyệt mức thu từ 70% đến 80% và 24 tỉnh phê duyệt mức thu trên 80%.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện thì nay được kết cấu vào giá dịch vụ y tế.
Việc điều chỉnh này là đòi hỏi tất yếu, khách quan nhằm hướng tới sự đổi mới căn bản về cơ chế tài chính và là cơ sở căn bản để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ông Sơn cho biết.
Với mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật thống nhất, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.
Đồng thời, việc chi trả từ tiền túi người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được bảo hiểm y tế chi trả
30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế trong năm 2015 sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá này. Tuy nhiên theo lộ trình, năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ bảo hiểm y tế. Vì thế, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi, người dân nên tích cực tham gia bảo hiểm y tế.
Trước đó từ tháng 11/2014, Liên Bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở khám chữa bệnh của 6 tỉnh và 2 thành phố lớn, đại diện cho các vùng miền của cả nước về các nội dung như nhân lực, thời gian thực hiện của một dịch vụ kỹ thuật, số lượt khám bệnh bình quân ngày, hệ số lương bình quân...
Căn cứ kết quả khảo sát, quy định của quy trình chuyên môn và đề xuất của các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng giá, ban soạn thảo đã tính toán và đề xuất chi phí tiền lương, phụ cấp kết cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.