Nỗi ám ảnh của chàng rể nghèo

GD&TĐ - Tôi và anh yêu nhau được 7 năm và trải qua rất nhiều lần cãi vã, chia tay rồi lại yêu… Mãi đến khi bước sang năm thứ 8 yêu nhau, chúng tôi mới chính thức đi đến hôn nhân chỉ vì tôi là con một, gia đình neo người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thêm nữa, họ còn bày tỏ mong muốn chúng tôi sau khi cưới có thể về ở cùng để họ cậy nhờ lúc ốm đau hay trái gió trở trời. 

Anh thì chúa ghét cảnh ở rể, tôi khóc lóc, năn nỉ, thậm chí tình cảm có với nhau ngót nghét 8 năm cũng chẳng khiến anh chịu nhắm mắt đưa chân. Cưới nhau xong, cảm giác 2 gia đình không môn đăng hộ đối vẫn đeo bám anh vào tận trong giấc ngủ.

Anh chỉ là một viên chức nhỏ, lương tháng chẳng đủ chi xài cho cuộc sống cá nhân của anh thì lấy đâu ra lo cho vợ, cho con. Nhưng vì tính anh sĩ diện cao, có nghèo cũng không chịu nhận sự giúp đỡ từ bố mẹ vợ nên cuộc sống của chúng tôi có rất nhiều khó khăn, ức chế. Anh nhất định đòi thuê nhà ở riêng chứ không chịu ở rể. 

Tôi có chút vàng là của hồi môn, chủ yếu là bên ngoại nhà tôi cho chứ bố mẹ chồng, họ hàng ở quê đều làm nông cũng chẳng ai cho được gì. Nhờ số tiền đó mà chúng tôi mua sắm được khá đầy đủ vật dụng gia đình, đặt cọc trả tiền thuê nhà.

Lúc đầu anh muốn thuê luôn 1 phòng ở khu trọ cũ của anh, đó là khu nhà trọ sinh viên, không có bếp, phòng chật hẹp. Phải nói rất nhiều anh mới chịu thuê chỗ khác, một phòng trọ 25m, có gác, có khu bếp nhỏ… vợ chồng tôi yên tâm ở đó đến khi sinh con.

Tôi ốm nghén, sức khỏe yếu nên phải đi bác sỹ, thuốc thang nhiều. Tôi không sinh thường được mà phải mổ đẻ, vậy là còn lại bao nhiêu tiền cưới tôi cũng tiêu hết. Mỗi tháng ngoài lương của tôi, anh đưa về được vài triệu nhưng những tháng nhiều đám cưới, đám giỗ ở quê là anh cũng mượn lại số tiền đó. 

Chi tiêu gia đình tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Cuộc sống tự bươn chải không đơn giản như tôi nghĩ, vì sợ chồng giận nên tôi cũng không dám nhận giúp đỡ từ bố mẹ. Tôi vẫn phải luôn nói khéo với bố mẹ là con đủ tiền xài, chồng con lo được... Khi chỉ có 2 người thì chi tiêu tằn tiện cũng đủ qua ngày, nhưng từ khi sinh con tôi mới thấy cuộc sống này muôn vàn khó khăn.

Anh chưa bao giờ chịu hé răng về những khó khăn của mình, thậm chí khi ở trước mặt bố mẹ tôi, anh luôn thể hiện rằng mình đang rất ổn. Một lần chúng tôi về thăm bố mẹ, đúng dịp ông bạn cũ của bố tôi đến chơi, do bố tôi không ở nhà nên anh lịch sự ra ngồi tiếp.

Đang trò chuyện khá rôm rả và vui vẻ, tôi từ bếp bưng nước ra mời khách thì thấy anh sa sầm mặt xin phép lên phòng. Không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng linh tính mách bảo có chuyện không lành, tôi cũng nén lòng tiếp khách cho đến khi họ ra về rồi vội lên phòng tìm anh.

Hóa ra, ông bạn cũ của bố tôi đã vô tình đụng đến “vết thương” đang âm ỉ trong anh bấy lâu. Trong lúc trà dư tửu hậu, ông ấy kể về chuyện vợ chồng con gái ông cũng đang ăn nhờ ở đậu nhà ông với ý chê bai anh con rể mình. Rằng “anh là sướng nhất rồi, chuột sa chĩnh nếp, làm rể nhà này là quá sướng, về sau bao nhiêu của nả, ông bà sẽ để lại cho vợ chồng tôi hết, cơ ngơi có sẵn chỉ lo làm ăn chứ lương ba cọc ba đồng thì đến đời nào mới mua được nhà…”. Nghe khách nói vậy, mặt anh nóng ran mà cơn giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt.

Thực ra lời ông khách nói chỉ như cơn gió làm thổi bùng ngọn lửa bấy lâu nay luôn cháy âm ỉ trong lòng anh. Lần ấy anh đã thực sự to tiếng với tôi: “Không biết bố em nói gì với người ta không mà ông ta lại nói như thế với anh. Anh giống như một con chó bấy lâu nay luồn cúi trong nhà em. Còn bây giờ thì anh không chịu được nữa…”.

Sau lần ấy, anh càng ít khi về thăm bố mẹ tôi, lần nào tôi rủ anh đều bảo: “2 mẹ con về là được rồi, anh đang bận”. Tôi không muốn làm to chuyện nên đành nín nhịn, lòng tự nhủ không biết cái tính tự ái trong anh đến khi nào mới hết.

Gần như mỗi năm anh chỉ chịu về nhà vợ vào dịp Tết. Ngày mùng 2 Tết năm đó, tôi và anh đưa con về chúc Tết gia đình. Trong bữa cơm trưa, bỗng nhiên nhà tôi lại có khách, và đó lại là một đồng nghiệp cũ của bố tôi đến thăm.

Trong khi mời bác ấy ngồi xuống ăn cơm cùng, bố tôi đã nói: “Dâu rể trong họ nhà tôi, đứa nào cũng năng động, phải công nhận bọn trẻ bây giờ giỏi kiếm tiền. Tôi cũng đang động viên các cháu, nếu có máu kinh doanh thì cứ phát huy, kẻo sau này nhiều tuổi như chúng mình, chả dám làm gì cả ông ạ".

Không ngờ câu nói của bố tôi khiến anh đỏ bừng mặt, buông đũa. Tôi để ý sau lúc đó, anh không ăn cũng không nói gì cả và chỉ giục tôi về sớm để đi chúc Tết nhà khác. Tôi biết anh tự ái, khi ra về tôi đã nói rằng: “Chắc bố chỉ buột miệng nói thôi, anh đừng nghĩ ngợi. Quan trọng là em luôn trân trọng và ủng hộ anh đúng không?”.

Nhưng sự xoa dịu của tôi chẳng có chút tác dụng nào cả, sự việc đó khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Kể từ đó, mấy ngày Tết những năm sau, anh thường cáo ốm, cáo bận, không qua chúc Tết bố mẹ vợ mà chỉ để tôi đưa con về. Khi tôi nài nỉ thì anh cũng nói thẳng: “Đi chúc Tết để bị bố vợ sỉ vả là thằng kém cỏi à? Anh thà ở nhà còn hơn".

Không muốn tình hình căng thẳng hơn, tôi có nhờ mẹ góp ý với bố thì bố tôi vẫn bảo thủ, ông nói rằng: “Tôi nói câu đấy sai à? Nó phải tự nhận thức về bản thân mình chứ!”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.