Lợi và hại của game

GD&TĐ - Với sự phát triển của công nghệ, trẻ em càng có nhiều cơ hội trong các hoạt động giải trí, trong đó trò chơi điện tử thường có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với trẻ em. 

Game sẽ phát huy mặt tích cực nếu người chơi biết cách tiết chế.
Game sẽ phát huy mặt tích cực nếu người chơi biết cách tiết chế.

Hiện nay, vô số những phương tiện thông tin đại chúng cố gắng chứng minh việc chơi game làm hại thế nào đến con người. Trải dài từ việc khiến giới trẻ lẩn tránh mối quan hệ xã hội cho đến sự tiêm nhiễm vào đầu óc những suy nghĩ bạo lực không thể kiểm soát.

Lợi

Game càng khó chơi thì càng hấp dẫn và hầu hết game thủ đều muốn vậy. Chính vì thế mà các nhà sản xuất cũng dần chuyển sang xu hướng tạo các những trò chơi với hệ thống nhiệm vụ vô cùng "khó nhằn". Điều này đồng nghĩa với việc các game thủ cũng cần phải thực hiện nhiệm vụ nhiều lần, phối hợp với những chiến lược và kế hoạch khác nhau tới khi nào thành công thì thôi. Và đây chính là lợi ích tạo ra sự kiên trì nơi người chơi.

Đối với các trò chơi điện tử luôn đưa ra các thử thách từ dễ như ăn cháo đến khó cùng cực, yêu cầu người chơi phải tư duy bằng cả bộ óc nhạy bén của mình. Và từ đó vạch ra những chiến lược và kế hoạch hợp lý, vượt mọi khó khăn của trò chơi. Trong thực tế điều này cũng sẽ hỗ trợ người chơi trong công việc, nâng cao kỹ năng tư duy, hoạch định các chiến lược đúng đắn và tạo ra thành công.

Các nghiên cứu mới đây cho hay, khi chơi game, nhất là những trò chơi nhập vai có các pha hành động cường độ cao có thể cải thiện khả năng phản xạ của người chơi. Việc người chơi phải xử lý những tình huống đòi hỏi sự chính xác cũng như nhanh nhạy khi tương tác giữa người chơi và game còn giúp cho sự kết hợp giữa mắt và bàn tay linh hoạt hơn. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên người chơi khi chơi các môn thể thao ngoài trời hay xử lý những trường hợp cần phản xạ cực nhanh trong cuộc sống thực tế hàng ngày.

Hại

Hiện nay, tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt tại những thành phố lớn, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe này là do trẻ chơi điện tử quá nhiều khiến trẻ thường ngồi lì một chỗ, rất ít vận động, hơn nữa chơi game làm trẻ hưng phấn làm trẻ ăn, uống những thức ăn có nhiều đường không được người lớn giám sát.

Khi trẻ chơi trò chơi điện tử, trẻ lặp đi lặp lại động tác ấn ngón tay vào bàn phím hoặc nút điều khiển, việc làm này sẽ gây nguy cơ tổn thương gân duỗi ngón cái. Trò chơi khác nhau có những phương tiện điều khiển khác nhau như bàn phím, chuột, cần điều khiển… Bên cạnh đó, trò chơi điện tử có sức hút kỳ lạ đối với trẻ em, chơi game quá nhiều giờ, trẻ phải ngồi lâu một chỗ và lười vận động khiến cho xương của trẻ khó phát triển một cách toàn diện.

Trẻ tập trung chú ý chơi trò chơi điện tử quá lâu sẽ gây mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều. Ngoài ra những yếu tố như khoảng cách từ mắt trẻ tới vật dụng thực hiện trò chơi không đảm bảo theo qui định, hoặc lượng ánh sáng không đủ… tất cả đều có thể gây tổn thương cho đôi mắt của trẻ, làm cho trẻ có cảm giác nhìn mờ, nheo mắt, nhức đầu, thậm chí có thể làm trẻ bị cận thị, loạn thị…

Phụ huynh nên làm gì?

Con nghiện game đang là một nỗi lo cho rất nhiều bố mẹ.
Con nghiện game đang là một nỗi lo cho rất nhiều bố mẹ.

Con nghiện game đang là một nỗi lo cho rất nhiều bố mẹ. Trước thực trạng đó, nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra bực tức và có cách hành xử bạo lực khiến trẻ ngày càng xa lánh với người thân nhưng vẫn không thể bỏ được game. Vậy bố mẹ cần phải có cách hành xử như thế nào khi con nghiện game?

Ông bà ta ngày xưa đã có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”, đây là việc quan trọng mà tất cả các bậc phụ huynh cần phải làm. Không chỉ dạy con về kiến thức mà còn phải uốn nắn con trong việc sử dụng các thiết bị điện tử: điện thoại, ipad, laptop...

Hiện trên các trang mạng xã hội chia sẻ rất nhiều hình ảnh, clip các ông bố, bà mẹ bắt gặp con trong quán game nên đánh đập con tới tấp. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Trước tiên, hành động đó sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ giữa chốn đông người và cũng từ đó mà trẻ xa lánh bố mẹ, người thân. Hành động đó không khiến trẻ bỏ được game mà thậm chí còn dẫn đến hậu quả nặng nề hơn rất nhiều. Vì vậy, thay vì dùng bạo lực với con, các bố mẹ nên cân nhắc biện pháp hành xử đúng đắn hơn.

Trẻ nghiện game cũng là do trẻ đang thiếu những không gian vui chơi giải trí lành mạnh. Thay vì suốt ngày ủ con trong nhà, “nâng như trứng” không để con phải động tay chân vào việc nhà thì bố mẹ nên tạo “công ăn việc làm” cho con, dành thời gian đưa con đi chơi, thư giãn. Hãy cố gắng tách biệt con với những thiết bị điện tử càng nhiều càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ