Cha mẹ làm trọng tài cho con nếu nói khó cũng không phải khó, nếu nói dễ thì cũng không phải dễ nhưng nếu tinh ý, đồng cảm, dành nhiều thời gian cho con thì sẽ làm tốt việc này.
Vợ chồng tôi có 02 đứa con, mỗi đứa cách nhau hai tuổi nên chúng thường xuyên quấn quýt và chơi cùng nhau. Vợ chồng tôi luôn quán triệt các cháu là không được đánh nhau, nếu ai gây chuyện thì phải báo với cha mẹ để phân xử. Khi vui chơi, nếu chúng đồng thuận thì rất tình cảm, nhường nhịn, giúp đỡ… lẫn nhau. Nhưng khi phát sinh mâu thuẫn, xung đột thì chúng bắt đầu nhờ cha mẹ phân xử.
Khi cha mẹ làm trọng tài cho con thì phải khách quan, không thiên vị, phải kịp thời phân tích và bảo vệ cái đúng; trách mắng và dạy bảo cái sai của con để các cháu nhận thức được hành vi của mình.
Có lần hai anh em dành nhau một chiếc máy tính bảng để chơi game, đứa nào cũng muốn chơi trước, thế là chúng nhờ ba phân xử. Tôi bảo: “Có hai anh em nhưng chỉ có một cái máy tính bảng nếu các con không thỏa thuận được đứa nào chơi trước, đứa nào chơi sau thì ba sẽ tịch thu, khỏi chơi luôn”. Thế là hai anh em biết ý, không muốn ba tịch thu nên đã tự thỏa thuận là em chơi trước nữa tiếng sau đó thì đến anh. Vậy là khỏi phải tranh giành, qua đó anh em sẽ biết nhường nhịn, thỏa thuận lẫn nhau trên cơ sở công bằng về quyền lợi của các bên.
Hoặc có lần em mách với ba là anh hai nói tục. Nhưng khi hỏi thì anh hai lại chối, cho rằng mình không nói tục và bảo là em nói láo. Sự việc không có ai làm chứng, truy vấn thì rất khó. Tôi nói: “Thôi được rồi, sự việc hôm nay ba sẽ ghi sổ để đó, gộp vài ba chuyện lại rồi ba sẽ tính luôn một thể”. Hay lần khác, anh hai mách rằng bị em véo tay, rướm máu. Lúc này, tôi phân tích rằng hành vi của em là sai, lần sau còn tái phạm thì ba sẽ cho “ăn roi”….
Việc làm trọng tài cho con có ý nghĩa rất quan trọng, vừa để giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, vừa giúp các con gắn kết tình yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, vừa để các con hiểu rõ những hành vi xử sự đúng đắn…Qua đó, sẽ giúp ích rất nhiều khi các em hòa nhập với môi trường xã hội, hạn chế xảy ra những mâu thuẩn phát sinh trong cuộc sống.
Nếu cha mẹ không chịu khó làm trọng tài giúp con, việc gì cũng để con tự giải quyết thì các cháu sẽ cảm thấy tủi thân, cô đơn, không coi cha mẹ là chỗ dựa, che chở…dẫn đến các em phải tự nghĩ cách xử lý mọi tình huống phát sinh, nếu không định hướng đúng đắn sẽ dẫn đến lệch chuẩn về hành vi là không thể tránh khỏi.
Để làm tốt vai trò là trọng tài cho các con, cha mẹ cần phải tìm hiểu những kiến thức về tâm lý, xã hội, khoa học và tự nhiên….để phân xử khi các con tranh luận về một hiện tượng, sự vật tự nhiên hoặc một bài toán nào đó…
Khi làm trọng tài với nhưng vụ việc xô xát, đánh nhau…của các con thì cha mẹ phải thật khách quan, công bằng, không nên nóng nảy, tránh tình trạng áp đặt, quy chụp…dễ dẫn đến oan sai, sẽ làm cho con mất lòng tin đối với cha mẹ.