Khi phụ huynh kỳ vọng vượt quá khả năng của con

GD&TĐ - Trong cuộc sống hiện nay, chỉ vì muốn con mình học giỏi, tương lai sau này được tươi sáng, có nghề nghiệp ổn định, mà có không ít bậc làm cha, làm mẹ đã can thiệp vào việc học hành của con cái mình và sẵn sàng áp đặt con cái một cách vô tội vạ.

Khi phụ huynh kỳ vọng vượt quá khả năng của con

Điển hình như việc bắt trẻ đi học thêm và chọn nghề cho con chẳng hạn. Chính điều này đã vô tình tạo nên áp lực đối với trẻ.

Với mong muốn con em của mình phải đạt kết quả cao trong các kỳ thi, phải học giỏi, phải hơn bạn bè, cho nên nhiều phụ huynh đã tìm đủ mọi cách để ép buộc trẻ phải đi học thêm. Nếu như trước đây, chuyện cho con đi học thêm chỉ xuất hiện ở những gia đình khá giả, thì ngày nay, những gia đình nghèo cũng tìm đủ mọi cách để cho con cái được đi học thêm. Về vấn đề này, từ thực tế cho thấy nhiều phụ huynh có cùng quan niệm là: Hễ cho trẻ đi học thêm thì các em sẽ học giỏi. Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ công sức, tiền của để ép buộc con mình đi học thêm cho bằng được. Trong khi đó, không cần biết năng lực học của trẻ như thế nào, sức khỏe của các em ra sao và suy nghĩ của trẻ như thế nào?!

Việc phụ huynh buộc trẻ đi học thêm sẽ có hai mặt. Mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực là giúp trẻ có thêm điều kiện trau dồi và nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của bản thân các em, hỗ trợ tích cực vào việc học tập của trẻ ở trường.

Còn ngược lại, việc đi học thêm sẽ xảy ra nhiều vấn đề đối với trẻ: Thứ nhất, đối với những trẻ nắm bắt được kiến thức thì sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của trẻ. Một khi, các em được học trước chương trình sẽ ảnh hưởng đến việc học ở trường. Khi vào lớp học, những em học trước sẽ tỏ ra vẻ ta đây và luôn ỷ lại vì mình đã biết, không chú ý đến việc học, dần dần tạo thành thói quen không tốt trong học tập.

Thứ hai, đối với những em không tiếp thu được kiến thức (vì trình độ nhận thức có giới hạn) thì dần dần sẽ tạo cho trẻ sự nhàm chán, trẻ không quan tâm đến việc học nữa, xem việc học như thể là áp lực đối với bản thân. Nếu phụ huynh không biết được sức học, cũng như suy nghĩ của con trẻ như thế nào mà quyết định ép trẻ đi học thêm, thì khiến trẻ dễ rơi vào trường hợp bị động. Từ đó, việc học trở thành một gánh nặng đối với trẻ. Trong khi đó, ở độ tuổi của trẻ chưa đủ khả năng để hiểu được chuyện gì nên làm và không nên làm. Do đó, dẫn đến việc các em nghĩ quẩn và hành động cảm tính là chuyện có thể xảy ra.

Bên cạnh việc buộc trẻ đi học thêm, việc chọn nghề cho con cũng được không ít ông bố, bà mẹ quan tâm. Thực tế, khi con học gần xong lớp 12 thì nhiều cha mẹ cứ giành phần chọn nghề thay cho con của mình, buộc con mình phải đăng ký vào ngành nghề theo ý của mình. Họ phớt lờ đi tất cả từ việc tìm hiểu sở trường của con mình là giỏi về lĩnh vực gì, ngành nghề nào phù hợp với con mình, rồi năng lực học của con ra sao… Họ chọn nghề cho con theo suy nghĩ của mình là nghề đó hiện phải là nghề đang “hot”, ra trường sẽ dễ tìm việc làm; thậm chí một số phụ huynh còn buộc con mình chọn nghề theo kiểu “cha truyền con nối”…

Như chúng ta biết, nếu các em chọn một nghề mà không phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích của mình thì làm sao tương lai cái nghề ấy được phát huy hiệu quả?! Có chăng các em chỉ chọn để học cho có, cho vui lòng và vừa ý của cha mẹ mà thôi!

Một vấn đề nữa cũng gây áp lực không kém đối với trẻ là việc một số phụ huynh có suy nghĩ mang việc học của con em mình đi so sánh với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Chúng ta nên nhớ, trong xã hội thì kiến thức vốn là mênh mông, còn khả năng nhận thức của mỗi người thì lại có giới hạn. Hơn nữa, trình độ nhận thức, năng lực và sở trường của mỗi đứa trẻ đều khác nhau, không có đứa trẻ nào giống nhau. Do đó, chính những đòi hỏi cũng như sự kỳ vọng của phụ huynh vượt quá khả năng của con em mình, sẽ gây áp lực đối với các em là điều không tránh khỏi.

Thiết nghĩ, cha mẹ tỏ vẻ quan tâm, chăm sóc, giáo dục và kỳ vọng ở con mình là điều cần thiết. Nhưng sự kỳ vọng đó phải được dựa trên cơ sở từ sự đánh giá đúng năng lực thực tiễn của con mình. Từ đó, sẽ giúp cho các bậc làm cha mẹ có được hướng trong việc giáo dục trẻ, không có những ảo tưởng để rồi thất vọng về con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.