(GD&TĐ) – "Quá trình biến đổi của mô hình gia đình diễn ra theo chiều hướng ngày càng hiện đại và chiều hướng này đang làm tăng vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế đặc thù trong đời sống xã hội". Đó là một trong những nội dung báo cáo về chính sách dân số, lao động và gia đình của Bộ VH-TT&DL.
|
Gia đình ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội (Ảnh: MH) |
Báo cáo nêu rõ, sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, gia đình Việt Nam đã có sự biến đổi trên tất cả các phương diện: từ chức năng đến cấu trúc, từ quan hệ đến lối sống, từ hoạt động kinh tế, tiêu dùng tới đời sống tinh thần… Quá trình biến đổi này diễn ra theo chiều hướng ngày càng hiện đại và chiều hướng này đang làm tăng vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế đặc thù trong đời sống xã hội.
Chính sách xây dựng quy mô gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con) đã góp phần làm giảm quy mô gia đình Việt Nam, số thế hệ ít hơn cùng với xu hướng giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong các khu vực ngành, nghề khác đặt ra những vấn đề cần quan tâm về kinh tế và mức sống của gia đình.
Việc thu nhỏ quy mô gia đình được đánh giá là có tác động tích cực đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi nhận được nhiều sự chăm sóc hơn.
Theo kết quả Điều tra Gia đình do Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tiến hành năm 2006 cho thấy, các gia đình càng ít người thì cha mẹ có thời gian và dành nhiều sự quan tâm lắng nghe, quan tâm chia sẻ những vấn đề thường gặp của con, như bạn bè, học tập.
Tuy nhiên, việc trẻ em nhận được nhiều sự quan tâm hơn cũng khiến cho một bộ phận các em trở nên ích kỷ, không biết quan tâm tới người khác, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi mà không biết tới trách nhiệm của mình. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ (hơn 20%) các bậc cha mẹ không biết về thời gian học tập ở nhà và kết quả học tập của con cái ở độ tuổi 15-17. Đối với nhóm trẻ < 15="" tuổi,="" tỷ="" lệ="" người="" bố="" chỉ="" dành="" thời="" gian="" dưới="" 1="" giờ="" để="" chăm="" sóc="" con="" là="">
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình đồng nghĩa với việc người cao tuổi dần dần không còn sống chung với thế hệ con cháu. Chức năng chăm sóc người cao tuổi của các gia đình thay đổi và dần có sự chuyển giao việc thực hiện chức năng này cho cộng đồng, xã hội dưới các hình thức Trung tâm chăm sóc người già, Trại dưỡng lão. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, loại hình Trung tâm này chưa phổ biến, thêm nữa, chất lượng chăm sóc của chúng cũng còn nhiều vấn đề bất cập khi đối tượng đến Trung tâm thường là người cao tuổi không còn khả năng tự chăm sóc, già yếu bệnh tật còn đội ngũ cán bộ, nhân viên lại thiếu về số lượng và yếu về kỹ năng, kiến thức.
Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đang được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách gia đình có liên quan tới chức năng quản lý nhà nước về gia đình, các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền bình đẳng và chống bạo lực trong gia đình; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung gia đình văn hóa; tổ chức và hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ thông tin về gia đình; chỉ đạo, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình truyền thống Việt Nam.
Các chính sách về gia đình đều hướng tới đối tượng đích là các thành viên trong gia đình, không phân biệt độ tuổi, giới tính và chú trọng tới nhóm thanh thiếu niên - lực lượng lao động chính trong tương lai. Các hoạt động này hướng tới cung cấp các kiến thức, kỹ năng nhằm giúp cho lực lượng này có được vốn kinh nghiệm để tự tin, gia nhập vào đời sống xã hội.
Lộc Hà