Khởi đầu năm mới 2024, gia đình họa sĩ Dương Ngọc Thăng - Nguyễn Thị Quỳnh và con trai Dương Ngọc Tuệ đem đến cho giới mộ điệu nghệ thuật hàng trăm tác phẩm trong triển lãm “Sắc màu”.
Cả nhà cùng vẽ
Ngày 3/1, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) đã mở cửa triển lãm chủ đề “Sắc màu” của vợ chồng hoạ sĩ Dương Ngọc Thăng - Nguyễn Thị Quỳnh và con trai Dương Ngọc Tuệ (12 tuổi).
137 bức tranh được ví như 137 đóa hoa đầy màu sắc rực rỡ đón chào năm mới 2024 - thời khắc được đánh giá với nhiều biến chuyển của hội họa nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Triển lãm “Sắc màu” mang tới người xem 137 tác phẩm hội họa, với nhiều thể loại như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh miền núi. Trong số này có hơn 10 bức sơn dầu của cậu con trai đầu mới 12 tuổi - Dương Ngọc Tuệ.
Nguyễn Thị Quỳnh và Dương Ngọc Thăng là hai nghệ sĩ gắn bó từ những năm học hội họa lớp K48 (2004 - 2009) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai là mẫu điển hình của “dân nghệ Yết Kiêu”, lúc nào cũng ngây ngất với hình màu, đắm đuối trong những chuyến đi thực tế và thi thoảng trình làng những tác phẩm khiến bạn học khâm phục sự táo bạo.
Trước đó, họ đã qua hệ trung cấp, Nguyễn Thị Quỳnh học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), Dương Ngọc Thăng học Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (nay là Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang).
Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Quỳnh lớn lên ở Hà Giang, còn Dương Ngọc Thăng ở Bắc Giang, có lẽ vậy nên tranh phong cảnh miền núi chiếm số lượng lớn trong sáng tác của họ. Tới giờ, khi gia đình đã có bốn người, mỗi dịp nghỉ hè hay về thăm quê ngoại, việc cả nhà cùng trực họa nhà sàn, ruộng ngô, lùm tre, rặng núi… là điều dễ hiểu bởi đó là máu thịt và tình yêu của họ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông: “Thăng và Quỳnh ngày đó khiến tôi nhớ tới cặp đôi (nhạc sĩ - ca sĩ) Lê Uyên & Phương, những người dường như không thể làm bất kỳ điều gì khác và không ai, khó khăn gì có thể ngăn cản họ luôn hết mình với hoài bão dâng hiến cho nghệ thuật. Hình ảnh Thăng - Quỳnh song ca bài “Tình ca Tây Bắc” trong đêm văn nghệ ở trường là hình ảnh đẹp nhất tôi nhớ về họ. Một bài hát cùng phần trình diễn gắn bó suốt với họ cả trong đời sống và nghệ thuật hội họa”.
Trong số gần 100 tranh phong cảnh của gia đình hoạ sĩ, có hơn 10 bức sơn dầu của cậu con trai Dương Ngọc Tuệ. Dù mới chỉ 12 tuổi nhưng Tuệ vẽ già dặn ở cả góc nhìn và kỹ thuật. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông cho rằng không ngạc nhiên khi biết cháu luôn vẽ cùng bố mẹ như một sinh hoạt tất yếu của gia đình.
“Triển lãm lấy tên “Sắc màu” mà tôi rất muốn gọi là “Tình ca Tây Bắc” của gia đình Nguyễn Thị Quỳnh - Dương Ngọc Thăng và Dương Ngọc Tuệ không phải một trình diễn những tìm tòi sáng tạo hội họa mới mẻ, nó giản dị như cuộc sống và sinh hoạt nghệ thuật riêng tư còn kín tiếng của họ.
Mặc dù thế, sự chân thành, ấm cúng và tình yêu hội họa bền chặt của Thăng - Quỳnh là điều tôi cảm nhận được”, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho hay.
Họa sĩ Dương Ngọc Thăng. |
Tín hiệu sáng của hội họa năm mới
Nhận xét về triển lãm “Sắc màu”, họa sĩ Đỗ Dũng nói rằng, tranh Thăng vẽ không nhanh, không xô bồ theo thời cuộc, cứ lững thững vừa vẽ, vừa chơi như vốn dĩ cuộc đời là vậy. Thăng gặp gì vẽ đấy không nặng về tư tưởng, từ tĩnh vật, phong cảnh, phụ nữ... tất cả đều đều như muốn níu giữ lại một cái gì đó hơn cả sự duy mỹ với thời gian.
Trước khi diễn ra triển lãm gia đình, Dương Ngọc Thăng vừa có tranh trưng bày chung với các thành viên nhóm “Đan tay” trong tháng 12/2023 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) với các tác phẩm kể về một Hà Nội thật đẹp và thanh bình, cũng là để công chúng chiêm nghiệm về cuộc sống nơi phố phường Thủ đô.
Hoạ sĩ thể hiện rõ những suy tư khúc triết về nhân sinh quan của mình, điển hình qua những bức tranh về nhà phố. Sự cũ kĩ, sự mai một của đời sống tốt đẹp, giống như chỉ còn vang bóng. Đâu đó trong những câu chuyện kể của tác giả, là sự hoài niệm sâu xa có chút men ngà, trà đượm.
Nguyễn Thị Quỳnh ưa sự chỉn chu trong cuộc sống cũng như nghệ thuật, mặc dù bận rộn việc gia đình, song cô không từ bỏ đam mê nghệ thuật. Tranh của Quỳnh hướng đến sự hoàn thiện cho một cảm xúc.
Trong mỗi bức tranh dù lớn hay nhỏ đều bộc lộ cái tâm chất và khí chất cá nhân. Ngọc Tuệ sớm bộc lộ năng khiếu, khi sống trong môi trường thuần túy nghệ thuật, các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của mẹ Quỳnh, từ bố cục, tạo hình, màu sắc, chất cảm rất bài bản.
Tranh phong cảnh của cậu bé 12 tuổi - Dương Ngọc Tuệ. |
Có thể nói, “Sắc màu” là triển lãm nghệ thuật đầu tiên của năm 2024 - hứa hẹn một năm sôi động của mỹ thuật Việt. Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng, tương lai mỹ thuật năm 2024 có mấy điểm đáng lưu ý, sắp lộ diện. Đầu tiên, kể từ khi Bảo tàng nghệ thuật Quang San - bảo tàng tư nhân đi vào hoạt động tạo được cảm hứng để những mô hình tương tự sẽ sớm ra mắt.
Thứ hai, đó là tính kế thừa/thừa kế trong các bộ sưu tập lớn. Trước đây chuyện “cha làm thầy, con đốt sách” khá phổ biến, bây giờ thì “con viết sách” nhiều hơn. Các nhà sưu tập lớn không chỉ có đam mê, mà còn có kiến thức.
Thứ ba, chính thời gian Covid-19 đã chứng minh cho thấy thị trường nghệ thuật ít chịu tác động trực tiếp từ những biến cố khách quan, miễn có tác phẩm đẹp/ độc/ lạ là có bùng nổ giá. Người Việt đang có sự tự chủ trong hầu hết các trụ cột của thị trường mỹ thuật, ngay cả việc chiếm ưu thế trong giới sưu tập.
“Nếu thế kỷ 20, hơn 90% tranh Việt do người nước ngoài buôn bán, sưu tập, thì hơn 10 năm trở lại đây, gió đã xoay chiều khi người Việt đang dần làm chủ các cuộc chơi. Các phiên đấu giá quốc tế đã hướng trực tiếp đến các nhà sưu tập Việt Nam, bằng nhiều kết nối khác nhau. Những bức tranh triệu đô được hồi hương trong vài năm qua là một ví dụ sinh động cho địa vị sưu tập của người Việt Nam, cũng là trụ cột thứ 2 của hệ thống thị trường mỹ thuật”, nhà nghiên cứu Lý Đợi.