Bốn họa sĩ 'Chụm' trong một triển lãm

GD&TĐ - Triển lãm 'Chụm' giới thiệu tới công chúng gần 40 tác phẩm, phần lớn có chủ đề tranh tĩnh vật, phong cảnh.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định về tác phẩm của bốn họa sĩ trong triển lãm 'Chụm'.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định về tác phẩm của bốn họa sĩ trong triển lãm 'Chụm'.

Triển lãm “Chụm” giới thiệu tới công chúng gần 40 tác phẩm, phần lớn có chủ đề tranh tĩnh vật, phong cảnh - những thể loại quen thuộc nhưng tiếp cận dưới góc quan sát, tạo hình riêng biệt.

Bốn họa sĩ: Phạm Văn Trọng, Phạm Xuân Trung, Lê Đức Tùng và Chu Văn với những cá tính, quan điểm nghệ thuật, phong cách riêng biệt với những lối đi riêng đã quyết định cùng chụm lại, tạo nên một triển lãm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đa phong cách trong “Chụm”

“Hội họa của Phạm Văn Trọng chịu ảnh hưởng từ trường phái ấn tượng, không kỹ ở chi tiết mà nhấn mạnh màu sắc và ánh sáng. Phạm Xuân Trung giới thiệu những con thuyền neo bến, không có bóng người nhưng cũng không u hoài rêu phong.

Lê Đức Tùng đem đến những bức vẽ khỏa thân, một thử thách với sơn mài khi hướng tới vẻ đẹp tả thực. Chu Văn có thế mạnh ở bút pháp mảng lớn, nét tinh, hòa sắc thiên gam lạnh trên nền ghi xám trung tính - một thẩm mỹ hiện đại mà gần gũi họa phái cổ phương Đông” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông.

Diễn ra từ ngày 20/6 và kết thúc vào ngày 25/6 - triển lãm chỉ vỏn vẹn 5 ngày, thời gian quá ngắn để công chúng có thể chiêm ngưỡng hết gần 40 bức tranh đa phong cách, chất liệu. Bởi vậy ngay từ ngày khai mạc, giới mộ điệu mỹ thuật đã kéo đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để thưởng lãm “Chụm”.

Chọn một cái tên rất lạ làm chủ đề triển lãm, có lẽ bốn họa sĩ lấy cảm hứng từ câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, để ngoài phô bày những tác phẩm đẹp còn đề cao sự đoàn kết, chung tay góp công sức vì nền nghệ thuật.

Tuy nhiên, dù chung nhau một triển lãm nhưng ở “Chụm” người xem sẽ thấy sự riêng biệt, đa phong cách. Trong đó, một họa sĩ sử dụng chất liệu sơn mài (Lê Đức Tùng), ba họa sĩ còn lại thể hiện chất liệu sơn dầu, nhưng mỗi người một vẻ không thể lẫn vào đâu.

Có người xem sau khi thưởng ngắm những bức tranh trong “Chụm” đã cảm nhận rằng, cái hay ở chỗ các họa sĩ đã lựa chọn những bức tranh đặc trưng cho trường phái mình theo đuổi. Họ đều là những họa sĩ có tên tuổi trong giới và đi theo con đường nghệ thuật riêng.

Không ai có thể so sánh giữa người này với người khác vì mỗi người đều có phong cách riêng, trường phái hội họa riêng biệt, đối tượng khán giả cũng khác nhau dù có chung chủ đề là các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, con người...

Dù là những chủ đề gần gũi quen thuộc nhưng lại được thể hiện bởi kỹ thuật, màu sắc, cá tính riêng khiến người xem cảm nhận sự mênh mông trừu tượng cũng là nét đẹp mà hội họa đem lại. Trong thực tế, triển lãm nhóm nếu không cẩn trọng lựa chọn tác phẩm, thì ngoài việc “lạc đề” sẽ rất dễ sa vào cái tôi riêng hoặc cái ta trộn lẫn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định rằng, Phạm Văn Trọng ưa thích phong cảnh thiên nhiên góc nhìn rộng, không gian lớn, cảm xúc rõ ràng bằng các vệt bút nhanh, đa hướng, không kỹ ở chi tiết mà nhấn mạnh ấn tượng màu sắc và ánh sáng.

Phạm Xuân Trung cương nghị, rõ ràng, mạch lạc, rất kỹ lưỡng các chi tiết trong một tổng thể đậm chất đời sống, một phong cách hiện thực riêng - hiện thực của đồng cảm, thấu hiểu.

Lê Đức Tùng từng có triển lãm cá nhân về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2021, một triển lãm thể hiện rõ ưu thế chất liệu sang trọng cổ điển. Lần này, vẫn với sơn mài nhưng lại là một thử nghiệm khác. Còn Chu Văn vẽ tĩnh vật hoa, phong cảnh như “chơi” với hình và nền.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Xuân Trung.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Xuân Trung.

Mỗi người một vẻ đẹp riêng

Họa sĩ Lê Đức Tùng đã có rất nhiều cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước. Năm 2021 anh bày hơn 40 bức tranh sơn mài trong triển lãm “Mùa hi vọng”. Những tác phẩm của anh mang một góc nhìn đa chiều cả về giá trị văn hóa lẫn nét đẹp sẵn có của thiên nhiên, con người.

Với phong cách hiện thực pha tính biểu hiện cùng với sự sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu sơn mài, Lê Đức Tùng tạo nên những bức tranh giàu yếu tố hội họa. Các tác phẩm phản ánh tính ưu việt của chất liệu sơn mài, bộc lộ được quan niệm cá nhân trước thời đại.

Họa sĩ Phạm Văn Trọng đem tới các bức tranh phong cảnh với không gian rộng lớn. Người xem cảm thấy không có gì rõ ràng mà giống như nhìn cảnh vật thiên nhiên rộng lớn qua một lớp sương mù. Người xem có thể khám phá, có thể tự đoán trong lớp sương ấy có gì.

Phạm Văn Trọng từng là giáo viên dạy mỹ thuật tại một trường học tại huyện Thanh Hà (Hải Dương). Tranh của anh thường có màu sắc sặc sỡ mà hài hòa, kể cả những bức nhiều gam màu nóng nhưng vẫn không chói mắt mà ngược lại, chúng được phối màu một cách khéo léo tài hoa, tạo ra sự thơ mộng đẹp mắt. Anh từng có tranh được chọn triển lãm ở Singapore và Italy.

Năm 2018, triển lãm cá nhân “Nhân diện” của họa sĩ Phạm Văn Trọng đã thu hút đông đảo giới mộ điệu. 30 bức tranh trong triển lãm ấy đã đưa người xem đến những thực tại con người trong xã hội bằng hai cách thể hiện và khám phá khác nhau.

'Chụm' đem đến những phong cách sáng tạo ấn tượng.

'Chụm' đem đến những phong cách sáng tạo ấn tượng.

Dù chọn cho mình một lối đi khó khi dòng tranh anh thể hiện đòi hỏi thụ cảm nghiệt ngã nhưng phong cách hiện đại, đẹp và sắc sảo, lối vẽ có ảnh hưởng dân gian, cấu trúc bất ngờ luôn đem đến cho người xem thụ cảm mới.

Họa sĩ Phạm Xuân Trung đem đến loạt tranh về những con thuyền được vẽ vô cùng tỉ mỉ. Theo đuổi lối vẽ hiện thực, Phạm Xuân Trung có gam màu vàng sậm, vắng bóng con người, chúng như những sinh thể mệt mỏi lam lũ nhuộm trong sắc nâu đỏ hoen gỉ, mục rữa, quên lãng và nằm trơ giữa không gian rộng lớn, hoang hoải.

Họa sĩ Chu Văn với phong cách vẽ tối giản, các bức tranh với gam màu lạnh đen - xám - trắng đem lại cảm giác hiện đại. Nghệ thuật vẽ như không vẽ, dùng rất ít màu sắc, dùng rất ít thời gian, dùng rất ít nội dung, để truyền tải thông điệp.

Mỗi người một phong cách, một ý niệm nhưng chụm lại ở “Chụm” là đam mê với nghệ thuật và tình yêu với cuộc sống. Có thể họ chưa là đại diện cho nghệ thuật, nhưng với phong cách và sự kiên trì theo đuổi phong cách đã phần nào chứng minh những chuyển biến trong việc thực hành nghệ thuật ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.