Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chủ trì phiên họp |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tình hình năm học 2018-2019 và chương trình công tác năm học 2019-2020 đối với lĩnh vực GD&ĐT; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà báo cáo thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp: tình hình nhiệm vụ năm 2019 và chương trình dự kiến năm 2020 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trẻ em.
Nhiều trường ĐH có tên trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp |
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019, chương trình công tác năm học 2019-2020 đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, trong đó trọng tâm là việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở bậc học phổ thông được nâng lên. Chương trình GDPT mới được ban hành và việc triển khai chương trình được tích cực thực hiện. Chất lượng giáo dục ĐH ngày càng nâng cao, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở giáo dục ĐH. Năm học 2018-2019, nhiều trường đại học của Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới.
Toàn cảnh phiên họp |
Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, đổi mới quản lý và nâng cao hiêu quả giáo dục thường xuyên.
“Đặc biệt, tập trung tăng cường đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, đảm bảo an toàn trường học. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” -Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại phiên họp |
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và dự kiến chương trình công tác năm 2020 lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt, đồng bộ, hiệu quả, có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo; chưa có cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương.
Việc đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là đuối nước thương tâm; số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn ở mức cao, có tính chất ngày càng phức tạp.
Năm 2020, ngành Lao động, Thương binh và xã hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, các dự án đầu tư lớn, gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp sử dụng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh phát biểu góp ý tại phiên họp. |
Các đại biểu tham dự phiên họp đánh giá cao phần chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng của hai bộ, đồng thời ghi nhận nhiều nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian qua.
Các đại biểu tham dự phiên họp, nêu ý kiến, góp ý về các vấn đề liên quan: công tác chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất triển khai chương trình GDPT mới, phân luồng hướng nghiệp học sinh, dân chủ trong trường học, tháo gỡ khó khăn biên chế giáo viên, việc thừa thiếu giáo viên tin học và tiếng Anh, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng chống đuối nước cho trẻ em, phân cấp trong GD-ĐT và giáo dục nghề nghiệp...
Phát biểu kết luận phiên họp, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đánh giá cao báo cáo và phần trao đổi của hai Bộ tại phiên họp. Đồng thời cho rằng hai bộ làm được rất nhiều việc, giải quyết được nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý trong thời gian qua.
Ông Phan Thanh Bình cũng lưu ý, Bộ LĐ,TB&XH cần đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em; Đồng thời lưu ý hai bộ trong việc triển khai thực hiện các bộ luật liên quan đến GD, giáo dục nghề nghiệp; việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19...