Tham gia Phiên họp có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu còn băn khoăn, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Ban soạn thảo đã rà soát thống nhất 11 vấn đề quan trọng để xin ý kiến nhân dân và thực hiện theo đúng quy trình, với 4 hình thức thông dụng. Việc chọn các nhóm mẫu được thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và chất lượng. Kết quả đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến sâu sắc của nhân dân và cử tri cả nước.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc dồn 3 điều 20, 21, 22 của dự thảo Luật, Bộ trưởng trao đổi: 3 điều này là 3 đối tượng khác nhau và mức độ khác nhau. Do đó diễn đạt như dự thảo Luật sẽ mạch lạc và phù hợp hơn.
Về xử phạt trong GD, theo Bộ trưởng yêu thương, trách phạt phải gắn bó với nhau. Nếu chỉ có yêu thương mà không có trách phạt chưa chắc đã tốt và hiệu quả GD không được cao. Tuy nhiên, cần có những hình phạt tích cực, có tính GD, chứ không phải xúc phạm hay xâm hại.
Về chính sách đầu tư và học phí, Bộ trưởng cho biết: trong điều kiện hiện nay, trước mắt ưu tiên những vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có liên quan đến chính sách học phí. Trước hết đề xuất chính sách miễn học phí áp dụng đối với học sinh tiểu học công lập và mầm non 5 tuổi ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu rằng, chính sách cử tuyển là cần thiết; quan trọng là phải đúng, trúng đối tượng và bảo đảm chất lượng. Bộ cũng đang rà soát để sắp xếp một số cơ sở dự bị đại học nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Phiên họp |
Bộ trưởng cho biết, chúng ta khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức cá nhân có điều kiện viết sách trên cơ sở khung chương trình. Điều quan trọng là, dù tổ chức hay cá nhân viết thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia. Sách do Bộ đứng ra chủ trì cũng như sách của tổ chức, cá nhân đều bình đẳng như nhau và không có chuyện mỗi sách một kiểu.
Theo Bộ trưởng, trước mắt nên để cấp địa phương lựa chọn SGK, tức là sở GD&DT sẽ thành lập hội đồng có sự tham gia của những người có kinh nghiệm, am hiểu về GD PT để lựa chọn SGK. Qua đó, đảm bảo được tính đa dạng và nhất quán, đảm bảo tính khả thi khi kiểm soát.
Trao đổi về vấn đề phân luồng, Bộ trưởng cho hay: dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có điểm mới mà tới đây sẽ có tác động tốt đến phân luồng. Theo đó, các em vừa được học kiến thức văn hóa, vừa được học nghề trong một cơ sở GD. Đây là phương thức tổ chức rất tốt.
Ngoài ra, các trường đào tạo, các ngành đào tạo đều phải công bố chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra là căn cứ để công nhận sinh viên tốt nghiệp. Trong quá trình tổ chức đào tạo, cố gắng để sinh tốt nghiệp sẽ không phải đào tạo thêm hoặc đào tạo lại. Do đó, những kỹ năng cơ bản, sinh viên cần được tích lũy trong quá trình học tập.
Về tín dụng sư phạm, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những nội dung được nghiên cứu kỹ. Qua đó khắc phục được tình trạng sử dụng chính sách miễn học phí không hiệu quả đối với sinh viên sư phạm. Đối với HSSV theo học sư phạm, được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí; sau khi ra trường nếu công tác trong ngành GD theo quy định thì không phải hoàn trả.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ