Chưa thể ghép phổi cho bệnh nhân 91
Ngày 10/5, Hội đồng điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bộ Y tế), các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng đã hội chẩn cấp quốc gia, đánh giá các yếu tố liên quan đến việc ghép phổi điều trị ca mắc Covid-19 - bệnh nhân 91.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân 91 vẫn trong trình trạng diễn biến rất nặng, hai phổi đông đặc, hầu như không hồi phục. Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi. Tuy nhiên, hiện tình trạng này xuất hiện ở cả hai bên phổi. Sau nhiều ngày được điều trị, bệnh nhân vẫn tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Xét nghiệm mẫu phết mũi họng, dịch rửa phế quản, nước bọt, mẫu máu, phân... của bệnh nhân ngày 10/5 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngày 9/5, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với Covid-19. Trước đó, bệnh nhân nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại. Ngày 6/5, mẫu phết họng của trường hợp này cho kết quả dương tính sau 5 lần liên tiếp âm tính.
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 18/3. Sau đó, kết quả được Viện Pasteur TPHCM khẳng định vào ngày 20/3. Quá trình điều trị từ ngày nhập viện của bệnh nhân này được cho là tương đối phức tạp. Nam phi công người Anh sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền.
Mới đây, Bộ Y tế đã giao Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia làm đầu mối, phối hợp với Bệnh viện 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhằm đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân 91. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người bệnh này chưa thể ghép phổi ngay do tình trạng nhiễm trùng phổi nặng.
Tại nước ta hiện có 3 nơi thực hiện được kỹ thuật ghép phổi là Bệnh viện Quân y 103 - ghép phổi từ người cho còn sống. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Việt Đức - ghép phổi từ người hiến đã chết não.
Nguy cơ thất bại cao
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân đội 108, cho biết, chủ yếu những trường hợp được chỉ định thay phổi là người có phổi không còn chức năng hô hấp, ví dụ như COPD nặng (phổi tắc nghẽn mạn tính).
PGS.TS Trần Trọng Kiểm - nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Quân đội 108 cho hay: “Đối với những bệnh nhân Covid-19, tổn thương trên phổi của họ rất lớn. Ngoài ra, virus cũng tấn công và phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, nguy cơ thất bại khi thực hiện phẫu thuật ghép phổi đối với bệnh nhân Covid-19 là rất cao. Ghép phổi là một phẫu thuật vô cùng lớn và nặng nề. Trong các loại phẫu thuật hiện nay, ghép phổi là khó nhất so với ghép tim, gan, thận”.
Theo PGS.TS Trần Trọng Kiểm, ghép phổi là việc thực hiện phẫu thuật trên một cơ quan không hoàn toàn vô trùng, bởi: “Khi không khí vào phổi thì không thể vô trùng được”. Do vậy, nguy cơ cao sẽ gây tổn thương và viêm phế nang, tiểu phế quản.
Bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc hồi phục sau ghép phổi
Mới đây, một nam bệnh nhân Covid-19 (54 tuổi) tại Bệnh viện Union tại Vũ Hán vừa trải qua ca ghép thành công cùng lúc hai phổi. Trước đó, người này được điều trị ECMO trong 73 ngày. Sau đó, ông được đưa vào Khu Chăm sóc Tích cực và nhiều lần có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, virus đã khiến bệnh nhân bị xơ phổi, suy hô hấp và phải gắn máy thở, điều trị bằng ECMO. Ngày 20/4, các bác sĩ tiếp nhận một cặp phổi của người hiến đã qua đời phù hợp với bệnh nhân 54 tuổi này.
Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 được tiến hành tại Bệnh viện Nhân Dân của Đại học Vũ Hán. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân không cần dùng ECMO. Ngày 24/4, bệnh nhân tỉnh táo và có thể cử động tay chân, nhưng vẫn phải sử dụng máy thở bởi các cơ chưa đủ khỏe để hỗ trợ cho phổi mới.
Ca ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng 3 do các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, Giang Tô thực hiện. Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, được chẩn đoán mắc Covid-19 vào ngày 26/1. Hai lá phổi của người này đều suy yếu nghiêm trọng và không thể phục hồi sau khi được điều trị Covid-19.