Gen Z thích nghi với làn sóng cắt giảm công việc

GD&TĐ - Trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp đã giảm lương cũng như cắt giảm nhân sự.

Sinh viên ra trường chật vật tìm việc dưới làn sóng cắt giảm việc làm.
Sinh viên ra trường chật vật tìm việc dưới làn sóng cắt giảm việc làm.

Nhu cầu lao động giảm mạnh, trong khi nguồn cung ứng ngày càng tăng thêm, dẫn đến nhiều sinh viên mới ra trường phải chật vật mới có việc làm.

Làn sóng cắt giảm lao động

Báo cáo được Navigos khảo sát 4.000 người lao động và 555 doanh nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam trải đều các lĩnh vực ngành nghề cho thấy việc cắt giảm lao động đang gia tăng. Trong 311 doanh nghiệp có phương án cắt giảm lao động mạnh tay, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp chứng khoán. 100% doanh nghiệp ngành này cắt giảm 25 - 50% nhân sự.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn cắt giảm từ 50 - 75% nhân sự. Trong đó, 5% số công ty ngành dịch vụ tư vấn cắt giảm trên 75% nhân sự. Tuy nhiên, có đến 59% trong số 555 doanh nghiệp trả lời sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong một năm tới. 15% có nhu cầu tuyển dụng 25 - 50% nhân sự và 18% không có nhu cầu tuyển dụng.

Rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự số lượng lớn trong vòng một năm tới. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng từ 50 - 75% nhân sự và tuyển dụng thêm trên 75% nhân sự (chỉ chiếm hơn 1% số đơn vị được khảo sát).

Báo cáo cũng chỉ ra các phòng ban mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng thời gian tới có: Kinh doanh, bán hàng (62%); sản xuất (26%) và truyền thông, tiếp thị (20%). Ngoài ra, các phòng ban dịch vụ khách hàng, nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin cũng được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Phòng ban kỹ thuật, hành chính tổng hợp hạn chế tuyển dụng thêm.

Người lao động có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn. Lần lượt tiếp theo là yếu tố có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, khả năng ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi.

Bà Nguyễn Vân My, cán bộ tuyển dụng của Leding Been (một đơn vị tư vấn và tuyển dụng nhân sự) cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, thông qua việc nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng người cho các vị trí mới, họ chỉ tuyển người khi cần thay thế hoặc bổ sung nhân sự cho các vị trí đã có sẵn. Tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động tạo thêm áp lực không chỉ cho những người mới ra trường, mà còn cả với những người đã có kinh nghiệm trong công việc.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng các vị trí mà ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm và tạo ra hiệu quả trực tiếp trong công việc. Có khoảng 80% các vị trí Leding Been đang hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng đều yêu cầu năng lực từ cấp chuyên viên cao cấp trở lên.

Trong thời điểm hiện tại, những vị trí nào không tạo ra kết quả sẽ bị cắt giảm không phụ thuộc vào ngành nghề hay lĩnh vực nào. Khi tài chính của doanh nghiệp bị thu hẹp, hoạt động tuyển dụng cần được siết chặt về ngân sách, tinh giản bộ máy, cắt giảm những chi phí không cần thiết.

“Tỷ lệ cạnh tranh cao giữa các ứng viên với nhau và giữa các ứng viên mới ra trường hoặc ít kinh nghiệm với các bạn đã có kinh nghiệm. Từ những thực tế nêu trên, người lao động thuộc thế hệ trẻ như Gen Z cần trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng kịp thời để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hiện nay của doanh nghiệp”, bà My nhìn nhận.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Gen Z thích nghi với biến động thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các đơn vị sản xuất công nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng cũng đang tạo ra tác động, đẩy những lao động thất nghiệp của ngành này chuyển dịch sang khu vực dịch vụ, tuy nhiên, họ phải chấp nhận làm công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.

Lê Thuỳ Chi, vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng được một năm vẫn đang thử sức với nhiều vai trò mới của người làm tự do. Chi cho biết, chị đi thực tập ở công ty và được giữ lại sau đó. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, những nhân sự ít kinh nghiệm bị cắt giảm giờ làm. Nhận thấy tình hình khó khăn, Thuỳ Chi quyết định nghỉ việc, học thêm nhiều kỹ năng để chuyển hướng kinh doanh trực tuyến (online).

Với số vốn ít ỏi ban đầu, Lê Thùy Chi nhập hàng số lượng ít rồi đăng bán trên nhiều kênh để khảo sát thị hiếu khách hàng. Sau khi có lượng đơn ổn định từ 5 - 15 đơn hàng/tuần, Chi nhập thêm mẫu mã phụ kiện thời trang bán vào ban ngày. Đêm, Chi làm ngoài giờ tại cửa hàng tiện lợi gần nhà, kiếm thêm khoảng 100.000 - 120.000 đồng/ca. Cuối tuần cô gái này đăng ký làm nhân viên phục vụ tiệc cưới tại nhà hàng.

Tương tự, bạn Nguyễn Duy Minh, 24 tuổi, là lập trình viên, ngoài giờ làm hành chính, Minh làm thêm 2 - 3 công việc như: Gia sư, nhận dự án bên ngoài để lo toan thêm chi tiêu của gia đình. Minh kể, đã thất nghiệp khoảng 4 tháng, trước khi tìm được công việc đúng chuyên ngành tại nơi làm hiện tại vì công ty cũ cắt giảm nhân viên có ít năm kinh nghiệm.

“Dù lương cơ bản hiện tại giảm khoảng 15% so với thời điểm trước, nhưng tôi chấp nhận mức hiện tại để giữ tay nghề, ngoài ra chủ động làm thêm việc khác theo mùa để phòng hờ bị mất thu nhập giữa thành phố lớn chi phí đắt đỏ”, Minh chia sẻ.

Từ phía nhà tuyển dụng cũng đưa ra lời khuyên trong thời điểm hiện tại, lao động trẻ nên tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, cho mình một lộ trình và mục tiêu (tham khảo một số công cụ hỗ trợ thấu hiểu bản thân, tìm kiếm người dẫn đường có chuyên môn trong lĩnh vực theo đuổi để nhận tư vấn, tham gia các sự kiện về hướng nghiệp…).

Đồng thời, người trẻ cũng nên xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trải nghiệm công việc thực tế tại các doanh nghiệp, hoặc tham gia vào các hoạt động bổ trợ cho ngành học của mình như hoạt động đoàn trường, hoạt động câu lạc bộ. Ngoài ra, người trẻ nên chủ động trong chuyện tìm kiếm việc làm, chủ động chuẩn bị các loại hồ sơ xin việc, tìm kiếm tin tức tuyển dụng qua các nguồn uy tín, chuẩn bị tâm thế phỏng vấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ