Gen Z với xu hướng 'làm việc từ xa'

GD&TĐ - Xu hướng “làm việc từ xa” hay làm việc tại nhà, làm việc khi ở bất kỳ đâu không còn quá xa lạ với những người trẻ.

Giới trẻ ngày càng chuộng hình thức làm việc từ xa. Ảnh minh họa INT.
Giới trẻ ngày càng chuộng hình thức làm việc từ xa. Ảnh minh họa INT.

Bắt đầu nở rộ từ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 giãn cách xã hội, làm việc từ xa dần trở thành một xu thế Gen Z đang hướng đến và đây cũng là mô hình hiệu quả và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng.

Xu thế

Thế hệ Z (Gen Z) là thuật ngữ được biết đến rộng rãi để định danh nhóm đối tượng sinh ra trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 (khoảng từ năm 1995 đến năm 2012).

Một trong những đặc trưng của Gen Z là tính thích ứng cao và không ngại dịch chuyển. Do đó, thế hệ Gen Z sẵn sàng làm việc trong nhiều điều kiện môi trường để đáp ứng hiệu quả của công việc. Theo dự báo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Gen Z sẽ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động nước này vào năm 2030. Đáng chú ý là phần lớn đều không muốn làm việc toàn thời gian tại văn phòng.

Tại Việt Nam, với một số nghề nghiệp mới như developer (kỹ sư phần mềm), nghiên cứu và phân tích thị trường, freelancer (làm việc tự do)..., nhiều người trẻ dần lựa chọn làm từ xa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng thế hệ Z (Gen Z) trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Decision Lab - công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến và đo lường truyền thông kỹ thuật số và Dreamplex, đơn vị cung cấp một giải pháp văn phòng trọn gói đã thực hiện một nghiên cứu mở rộng để tìm kiếm câu trả lời về những điều mà Gen Z mong muốn. Kết quả báo cáo cho thấy 69,8% số nhân viên thuộc thế hệ Gen Z tại Việt Nam mong muốn được làm việc kết hợp, giữa làm việc từ xa và tới văn phòng. Chỉ có 9% Gen Z ở Việt Nam hiện nay muốn làm cả tuần tại văn phòng.

“Chúng ta thấy rằng thế hệ Gen Z là thế hệ thích làm việc từ xa, làm việc ở nhà không phải đến văn phòng. Nếu làm như vậy thì thế hệ trẻ có thể cùng lúc làm 2 – 3 công việc, đó là chuyện bình thường, không giống như trước đây nữa. Vì thế, chúng ta cũng nhìn thấy được một vấn đề cam kết của công việc sẽ thấp hơn khi so sánh với các thế hệ trước.

Ngoài ra, hiện thị trường rất bất định. Trong khoảng 5 hoặc 10 năm có thể có hàng ngàn công việc mới ra đời cùng với đó cũng có cả ngàn công việc mất đi. Vì Gen Z sống ở trong hoàn cảnh như vậy, họ cũng luôn luôn phải thích ứng” – PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Một khảo sát được Tổ chức Nguồn nhân lực tại Việt Nam (PwC Việt Nam) công bố ghi nhận ý kiến từ 461 đại diện Gen Z, các kết quả cho thấy, Gen Z đón nhận các phương thức làm việc linh hoạt một cách tích cực và có thể là lực lượng lao động từ xa hiệu quả nhất. 80% Gen Z dự đoán làm việc từ xa sẽ trở thành thông lệ mới và 57% Gen Z tham gia lao động cho biết họ cảm thấy hiệu quả khi làm việc tại nhà. Đây là tỷ lệ cao nhất ghi nhận trong các nhóm thuộc độ tuổi lao động.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Nhiều thách thức

Phần lớn người trẻ đã quen và chuộng hình thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc này có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của họ, khiến họ phải đối mặt nhiều thách thức như cô đơn và thiếu kết nối.

Một khảo sát được thực hiện vào mùa Thu năm 2020 bởi hai Giáo sư Santor Nishizaki và James DellaNeve, 69% Gen Z muốn làm việc từ xa ít nhất một nửa thời gian. Hai vị Giáo sư này đang viết cuốn sách về Gen Z và lực lượng lao động trong tương lai. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng, gần một nửa số người được hỏi thừa nhận đã rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi làm việc từ xa.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người lao động trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp, do bỏ lỡ công việc tại văn phòng, hay do nhảy việc nhiều.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng: Để làm việc ở bất kỳ nơi nào cũng cần phải có thời gian đủ dài để học được các kỹ năng, nắm được cái gọi là điều cần thiết trong công việc đấy để chúng ta đủ trưởng thành. Nhưng thời gian làm ngắn quá chưa rèn được kĩ năng gì, các bạn đã nhảy việc rồi thì sẽ giống như việc chúng ta “đứng núi này trông núi nọ”. Chúng ta cần giúp cho thế hệ Gen Z hiểu được xu thế nghề nghiệp, hay có một tầm nhìn về tương lai nghề nghiệp trong từng lĩnh vực một.

“Tiếp đến là cần ý thức được đâu là những năng lực cần thiết của công dân thế kỷ 21 giúp các bạn có thể thích ứng một cách linh hoạt với môi trường công việc mà có thể thay đổi đó là năng lực liên quan đến ngoại ngữ, công nghệ… để chúng ta làm việc một cách linh hoạt, làm việc từ xa, làm việc qua các hệ thống quản lý trên mạng.

Và chúng ta cũng cần có năng lực quản lý về sức khỏe cũng như sức khỏe tinh thần để các bạn có thể làm việc trong môi trường càng ngày càng áp lực hơn. Sẽ cần phải rèn luyện để có được một kỹ năng có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp. Và biết chấp nhận những sự khác biệt để có thể làm việc với các bạn bè các nước trên thế giới khi chúng ta đang ngồi ở Việt Nam” – chuyên gia Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.

Ông Quách Thành Châu, lãnh đạo nguồn nhân lực tại PwC Việt Nam, cho rằng, trong thế giới đột phá ngày nay, không có công việc nào đứng ngoài những thay đổi trong tương lai. Lời khuyên của ông dành cho Gen Z là nên bắt đầu nhìn nhận bản thân mình như một sự tổng hòa các năng lực và kỹ năng, thay vì chỉ gắn mình trong một nghề nghiệp hay vai trò nhất định.

Theo ông Châu, các tổ chức sẽ cần áp dụng một tư duy khác để thu hút và giữ nhân tài Gen Z tại Việt Nam, những người sẽ sớm trở thành động lực phát triển cho lực lượng lao động cũng như nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.