(GD&TĐ) - Hôm nay 4/3, tại TP Buôn Ma Thuột, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ GD- ĐT, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình phát triển giáo dục- đào tạo Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội, đại diện các vụ, cục thuộc Bộ GD-ĐT; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên, Sở GD- ĐT và các trường ĐH, CĐ trong vùng.
Quy mô giáo dục chuyển mình mạnh mẽ
Đó là đánh giá chung của các đại biểu tham gia hội nghị. Quy mô giáo dục vùng Tây Nguyên không chỉ được thể hiện bằng sự gia tăng mạnh mẽ trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên, quy mô học sinh các cấp mà còn ở tỉ lệ huy động trẻ ra lớp và tỉ lệ nghỉ bỏ học được kéo giảm mạnh.
Theo báo cáo, nếu như tỉ lệ huy động trẻ MN 5 tuổi của các tỉnh Tây Nguyên năm 2007 chỉ là trên 75% thì đến năm 2011 đã đạt 98%. Tỉ lệ học sinh TH đi học đúng độ tuổi của toàn vùng đạt 94,2%. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng dần đều với 83,8% năm 2010 so với 60% vào năm 2007. Số lượng trường cũng không ngừng tăng mạnh với 1.124 trường MN (tăng 31%) so với 5 năm trước, 3.000 phòng học được xây mới.
Mạng lưới trường TH và THCS cũng phát triển rộng khắp với 1.503 trường tiểu học (tăng 17% so với năm 2005), 1.023 trường THCS (tăng 15%) so với năm 2005. Đặc biệt, là bậc học THPT với sự phát triển hết sức mạnh mẽ khi có tới 234 trường (tăng 39%) so với số lượng trường vào năm 2005.
Hệ thống trường nghề, TCCN và CĐ- ĐH cũng không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh toàn vùng. Trong đó, thành tựu ấn tượng nhất, mang lại hiệu quả tích cực nhất trong công tác xóa mù, kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học chính là những chính sách ưu đãi dành cho giáo dục dân tộc.
Trong 5 năm qua, các chính sách ưu đãi cho học sinh là con em đồng bào dân tộc không ngừng được đẩy mạnh, hệ thống trường dân tộc nội trú vùng Tây Nguyên cũng được tập trung đầu tư hết sức bài bản, đáp ứng yêu cầu tăng tỉ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
Tính đến thời điểm này, toàn vùng có 54 trường PTDTNT với 5 trường thuộc tỉnh và 49 trường thuộc cấp huyện, tăng trưởng khá nhiều so với 5 năm trước. Công tác chuẩn bị tiếng Việt và dạy tiếng cho trẻ em là người đồng báo dân tộc được đặc biệt chú ý triển khai tại các tỉnh Gia Lai, Kon tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng với những bộ giáo trình bằng tiếng dân tộc như Việt- J rai, Việt- Bahnar, Việt- Ê đê, Việt- Ca dong, Việt- H rê, Việt- kor.
Tính đến nay toàn vùng đã có gần 200 trường thực hiện dạy tiếng bản địa cho người dân tộc, chính yếu tố đó đã tác động tích cực đến tỉ lệ học sinh đến trường, tỉ lệ nghỉ bỏ học giảm mạnh khi tỉ lệ từ 1,58 vào năm 2007 của toàn vùng được kéo giảm xuống còn 0,96 vào năm 2010.
Đội ngũ GV cũng không ngừng lớn mạnh ở mọi cấp học khi từ chỗ thiếu GV gay gắt ở một số địa bàn. Tuy nhiên, sau chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư TW về xây dựng đội ngũ nhà giáo, sự chuyển biến trong cơ cấu nhân sự của vùng thay đổi rõ rệt.
Tính đến nay ngành MN có tới 14.246 GV (tăng 27,4%) so với năm 2005. Bậc TH là 34.930 GV (tăng 6,1%) so với năm 2005, số GV đạt chuẩn là 99,13%. Bậc THCS là 28.172 người (tăng 19,5%) Đặc biệt, số GV THPT lên tới 12.716 người (tăng 56%) so với năm 2005. Trong đó, số GV đạt và vượt chuẩn là 98,5%.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho rằng: Những thành tựu đạt được không chỉ đến từ những cố gắng vượt bậc của các tỉnh Tây Nguyên, sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, mà nó còn đến từ chính những bước đi và định hướng phát triển giáo dục đúng đắn của toàn vùng. Sự đúng đắn ấy được thể hiện qua bài toán phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ GV một cách bền vững của các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo, với 4.540 phòng học ( vượt 1.114 phòng- 32,5%) được xây mới, nâng cấp và sửa chữa trong giai đoạn 2002-2006 ngốn của Ngân sách TW và địa phương 514 tỉ đồng, đã dẹp bỏ hoàn toàn học học 3 ca, phòng học tạm của toàn vùng. Cộng với 3.533 phòng học (84,5% kế hoạch) và 1.936 nhà công vụ cho GV (chiếm 89,7% kế hoạch) giai đoạn 2008-2012 đã thật sự thay đổi bộ mặt giáo dục vùng Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành tựu giáo dục mà các tỉnh Tây Nguyên đạt được trong 5 năm qua thật sự là một “đòn bẩy” để vùng giáo dục Tây Nguyên tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần phải xác định rõ thế mạnh của từng tỉnh, tập trung sức lực xây dựng nguồn nhân lực chất lượng trong 5 năm tới để sự phát triển thật sự mang tính đột phá cao. Trong đó, bài toán quy hoạch và phát triển đội ngũ GV, các chính sách đãi ngộ, công tác kiện toàn mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp quy mô giáo dục vùng Tây Nguyên tăng trưởng một cách bền vững.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế trong công tác phát triển đội ngũ GV, tính chênh lệch trong công tác đào tạo giữa các vùng miền vẫn còn khá cao, chất lượng giáo dục vì thế vẫn chưa thật sự bền vững.
Trong giai đoạn 2006-2010, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên thật sự đã có bước chuyển mình, nhưng theo nhận xét của nhiều đại biểu sự chuyển biến ấy vẫn còn rất chậm và chưa đồng đều. Học sinh bỏ học đã được kéo giảm, thành quả phổ cập giáo dục đã được khẳng định nhưng có nguy cơ không duy trì bền vững vì tỉ lệ tái mù chữ vẫn cao.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng mũi nhọn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống trường chuyên, trường điểm phát triển chưa rõ nét. Đội ngũ GV vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, một số bộ phận GV là người dân tộc được đào tạo cấp tốc theo hình thức 9+1 năm, 9+6 tháng dạy TH còn khá nhiều. Vì thế, năng lực sư phạm rất hạn chế, dẫn đến việc xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy không thật sự hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Ông Trương Anh, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng: Thách thức lớn nhất trong phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên chính là nhận thức của các cấp cơ sở vẫn còn rất hạn chế, công tác quản lý giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng Tây Nguyên, dẫn đến sự chỉ đạo còn thiếu linh hoạt và mang nặng tính hành chính. Học sinh là đồng bào dân tộc vẫn chưa thật sự có ý thức học tập, khó khăn trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông trong học tập và sinh hoạt. Trong đó, cơ sở vật chất yếu kém tại các xã vùng sâu, vùng xa cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển giáo dục vùng.
Ông Đào Hoàng Nghĩa Đào, hiệu trưởng trường PTDTNT Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk thì cho rằng “bài toán” khó khăn mà các tỉnh vùng Tây Nguyên cần tập trung tháo gỡ nhằm đưa giáo dục vùng phát triển bền vững chính là công tác phát triển hệ thống trường DTNT một cách rộng khắp, có chiến lược và kế hoạch xây dựng công tác bồi dưỡng, bổ sung nguồn cán bộ quản lý, GV một cách chủ động hơn. Ngoài việc thực hiện những chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn thì các trường cần phải tạo điều kiện cho các em học sinh ý thức tự học, tự tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới. Trong đó, phải đảm bảo 3 yếu tố quan trọng là đảm bảo cho các em được học, được ở và được ăn một cách đầy đủ trong quá trình học chữ.
Tham gia ý kiến, ông Nguyễn Sỹ Thư, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum thì cho rằng cần phải khắc phục hiện tượng “hổng” kiến thức của học sinh dân tộc khi nhiều học sinh dân tộc không thể tiếp cận với khung chương trình chung cho toàn quốc như hiện nay. Đồng thời cần phải tăng kinh phí hoạt động dạy học 2 buổi/ ngày cho các xã vùng sâu, vùng xa, các trường PTDTNT để các đơn vị gáo dục có điều kiện phổ cập, bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thay mặt Bộ GD-ĐT tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết sẽ có hướng xử lý những kiến nghị một cách hài hòa.
Đánh giá về thành tựu của giáo dục Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010, Bộ trưởng thật sự ấn tượng trước những chuyển biến hết sức sâu sắc không chỉ ở quy mô phát triển giáo dục vùng trong công tác phát triển giáo dục đào tạo, công tác dạy nghề, mà còn ở sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân, của các cấp ủy đảng.
Bộ trưởng cho rằng đây chính là thành công lớn nhất của cả hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên và của Chính phủ khi đã chuyển được mục tiêu và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thành nhận thức của người dân. Điều đó thể hiện sự phát triển thật sự về chất lượng giáo dục chứ không đơn thuần là ở quy mô và số lượng.
Theo Bộ trưởng, với đặc thù khó khăn của vùng miền, để đạt được những thành tựu như trên trong giai đoạn 2006-2010 là điều không dễ dàng và rất đáng trân trọng. Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các cấp ủy Đảng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc phối hợp để triển khai các nhiệm vụ phát triển giáo dục một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng CP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại HN |
Phát biểu chỉ đạo kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Những thành tựu mà giáo dục vùng Tây Nguyên đạt được là hết sức đáng trân trọng, đặc biệt là công tác kéo giảm tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học trong 5 năm qua. Dù xuất phát điểm là rất thấp, nhưng với sự chỉ đạo của Chính Phủ, sự chủ động và quyết tâm của các cấp ủy ngành…đã làm nên thành công của giáo dục Tây Nguyên trong giai đoạn 2006-2010.
Phó Thủ tướng đề nghị, với những thành công đã đạt được, trong tương lai ngoài công tác giáo dục tri thức cho học sinh, các Sở ngành cần chuyển dần hướng sang việc giáo dục năng lực công dân cho học sinh để các em được học tập và phát triển toàn diện, ý thức rõ việc học tập của mình là để làm gì, phục vụ gì cho đất nước.
Công tác phát triển giáo dục và dạy nghề cần phải được xác định rõ mục tiêu, để có hướng đầu tư rõ ràng, tránh sự dàn trải nhằm mang lại hiệu quả hướng nghiệp, đào tạo dạy nghề được tốt hơn.
Anh Tú