Vừa trở về từ Đà Nẵng để nhận giải thưởng Lý Tự Trọng, trên gương mặt cô nữ sinh chuyên văn vẫn còn nguyên niềm tự hào, hứng khởi.
“Chuyến đi này, em không chỉ là vinh dự được nhận giải thưởng danh giá của Đoàn, mà còn được gặp gỡ rất nhiều bạn bè, anh chị Đoàn viên ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi câu chuyện của mọi người thực sự là bài học lý thú cho em trong công tác Đoàn và cả trong cuộc sống”, Nguyệt hào hứng kể.
Là con thứ 2 trong gia đình, Nguyệt tự nhỏ đã bộc lộ năng khiếu và đam mê về môn Văn. Năm lớp 8, Nguyệt là thủ khoa văn của toàn huyện Thạch Hà, đến năm lớp 9 em giành giải 3 cấp tỉnh cũng môn học yêu thích này.
Song hành với công việc học, Nguyệt cũng nhem nhóm trong mình “máu” tham gia các hoạt động xã hội. Nguyệt luôn là gương mặt góp mặt trong các phong trào đội, văn nghệ của nhà trường. Cũng trong năm lớp 9, Nguyệt vinh dự nhận giải thưởng Gương mặt chiến sĩ thi đua Điện Biên tại thủ đô.
Lớp 10, Nguyệt thi đậu vào lớp chuyên Văn trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Với bảng thành tích tham gia nhiều hoạt động phong trào, Nguyệt được bầu là bí thư chi đoàn lớp.
Không phụ sự tín nhiệm của các bạn và giáo viên trong lớp, suốt 3 năm học, Nguyệt đã cùng ban cán sự đã đưa phong trào hoạt động đoàn của lớp thành “át chủ bài” của nhà trường. Nguyệt còn là hạt nhân của các câu lạc bộ Văn học, CLB tiếng Anh …. Trong các dịp lễ Tết, em cùng các bạn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa trong cộng đồng như tổ chức Tết trung thu cho các em ở làng trẻ SOS; gói bánh chưng Tết Nguyên đán tặng các hoàn cảnh khó khăn…
Không chỉ đi đầu trong hoạt động Đoàn, Nguyệt còn luôn nằm trong top đầu của lớp về thành tích học tập. Năm lớp 10, Nguyệt từng đạt giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn; giải Nhất hội thi bí thư chi đoàn giỏi cấp trường năm 2016; giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử lớp 12 năm học 2016-2017; liên tục 12 năm liền là học sinh xuất sắc.
Cô bí thư mê hát dân ca
Đặc biệt ở cô bí thư đoàn 17 tuổi này còn có niềm đam mê với thể loại nghệ thuật dân gian như ca trù, điệu ví câu hò… Chia sẻ về sở thích này, Nguyệt cho biết:”Em ảnh hưởng niềm đam mê này từ mẹ em. Thường ngày, ở nhà mẹ em hay hát dân ca em cảm thấy rất hay và ý nghĩa. Không biết từ khi nào, các điệu ví câu hò đã ăn vào trong máu”.
Năm lớp 12, Nguyệt cùng cô chủ nhiệm và các bạn đã đưa thể loại này vào dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình với tên gọi “Góp phần gìn giữ và phát huy di sản ca trù trong giới trẻ học đường hiện nay”.
Để thực hiện dự án, Nguyệt cùng bạn và cô giáo hướng dẫn đã đến nhiều địa điểm trong tỉnh là chiếc nôi của thể loại này để tìm hiểu. Qua nhiều vòng loại, đề tài này đã được nhận giải Nhất cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia.
Với mục đích đưa ca trù đến gần hơn với giới trẻ học đường, góp một phần nhỏ vào việc thay đổi thị hiếu âm nhạc lớp trẻ, các giải pháp đều được nhóm hiện thực hóa bằng các sản phẩm cụ thể như lập trình phần mềm học hát ca trù trên điện thoại di động, tổ chức CLB Ca trù, lập nhóm ca trù trên facebook, viết và in sách “Tinh hoa hát nói, tác giả và tác phẩm”...
Với những thành tích của mình, Lê Thị Nguyệt đã trở thành gương mặt trẻ nhất cả nước nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2017.
Chia sẻ về giải thưởng của mình, Nguyệt hào hứng: “Em rất tự hào khi là gương mặt trẻ tuổi nhất được nhận giải thưởng lần này. Em nghĩ thế hệ trẻ nào cũng vậy ngoài học tập thì kỹ năng sống là hành trang rất cần thiết.
Em cảm thấy mình may mắn khi được các bạn tín nhiệm bầu làm bí thư, đó là một trong những cơ sở cho em được tham gia nhiều hoạt động, gặp gỡ nhiều bạn bè tạo cho em môi trường giao lưu, rèn luyện kỹ năng sống của mình.
Từ một học sinh trường huyện nhút nhát tại môi trường học mới, giờ em đã có thể tự tin trò chuyện hay diễn thuyết trước đám đông. Đó là những gì mà hoạt động Đoàn đã “tặng” cho em”.