Gặp người nghệ sĩ mang câu quan họ rong ruổi phương Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc gìn giữ và phát triển quan họ trên đất Kinh Bắc đã khó nên để lan tỏa làn điệu dân ca này trên đất phương Nam còn khó hơn gấp bội.

Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ 2 từ phải sang) cùng NSƯT Kiều Hưng (thứ tư từ phải sang) và các thành viên trong Lễ kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ Mười Nhớ. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ 2 từ phải sang) cùng NSƯT Kiều Hưng (thứ tư từ phải sang) và các thành viên trong Lễ kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ Mười Nhớ. Ảnh: NVCC.

Thế mà, từ hơn 30 năm trước, nghệ sĩ Quý Thăng đã mang câu quan họ rong ruổi khắp các tỉnh phía Nam để giờ đây loại hình dân ca truyền thống này đã có chỗ đứng và là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các chương trình văn nghệ tại nơi đây.

Lòng say mê và nhiệt thành

Vợ chồng nghệ sĩ Quý Thăng và Thu Hà. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng nghệ sĩ Quý Thăng và Thu Hà. Ảnh: NVCC.

Ai gặp nghệ sĩ Quý Thăng cũng nhận ra nét vô tư, gần gũi, chân tình của ông. Khi ông cất giọng quan họ, người nghe cảm thấy vô cùng quyến luyến, thiết tha. Yêu, say đắm quan họ nửa thế kỷ nên từng làn điệu đã ngấm vào máu thịt để rồi tính cách và con người ông cũng trở nên hết sức dễ mến, bởi đã là người quan họ thì luôn “trọng chữ tình”.

Ở nghệ sĩ Quý Thăng luôn ăm ắp tình người, ăm ắp những dự định dành cho quan họ để loại hình này có chỗ đứng xứng đáng trong lòng khán giả cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Ông cứ nghĩ, cứ hát, cứ đắm say như thể sinh ra là dành cho quan họ vậy!

Lý do gì khiến ông vào Nam sinh sống? Nhiều người gặp ông thường tò mò về điều này. Và rồi ông lại thủ thỉ rằng: “Tôi quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1984, tôi trúng tuyển vào hệ đại học chuyên ngành Thanh nhạc dân tộc, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (nay là Viện Âm nhạc Việt Nam). Nghe lời khuyên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tôi chuyển vào học ở Phân viện 2 tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự hướng dẫn của những nhạc sĩ, nghệ sĩ tài năng, như: Tô Vũ, Lê Thương, Mai Khanh, Kiều Hưng... Cuộc đời tôi có một ngã rẽ quan trọng như vậy đó”.

Vậy nhưng, cũng phải nói thêm rằng, trước khi học đại học, Quý Thăng đã đạt được không ít thành công. Ông đã cùng lứa nghệ sĩ như Xuân Trường, Quý Tráng, Thúy Cải, Thanh Hiếu… thường xuyên cộng tác với chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó thực sự là “thế hệ vàng” của dân ca quan họ, làm nên một thời “quan họ đài” vang tiếng gần xa.

Là người trực tiếp thu và cho phát sóng những chương trình dân ca quan họ mà nghệ sĩ Quý Thăng hát thời ấy, nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận định: “Với chất giọng “vang, rền, nền, nảy”, Quý Thăng đã thực sự làm mê đắm thính giả. Những bài hát mà ông song ca cùng Thanh Hiếu có lẽ giờ đây khó có ai vượt qua được.

Ở ông có lòng say mê, sự nhiệt huyết và đầy sự trách nhiệm với quê hương, với dân ca quan họ. Bên cạnh công việc ca hát, Quý Thăng còn tỏ ra vô cùng tài năng trong việc đặt lời mới cho quan họ cũng như sáng tác các ca khúc mới.

Những bài hát đặt lời mới của ông thật duyên dáng, giữ được nét tinh tế của quan họ nhưng vẫn phù hợp với hơi thở thời đại. Phải yêu và hiểu quan họ thật nhiều thì người nghệ sĩ mới có thể soạn lời và sáng tác ca khúc mới được, vì nếu dễ dãi, hiểu một cách hời hợt thì chắc chắn sẽ phản tác dụng và nghiễm nhiên sẽ làm “hỏng” quan họ”.

Làm việc chưa ai dám làm

Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ 3 từ phải sang, hàng sau) và các thành viên Câu lạc bộ Mười Nhớ trong một chương trình biểu diễn.

Nghệ sĩ Quý Thăng (thứ 3 từ phải sang, hàng sau) và các thành viên Câu lạc bộ Mười Nhớ trong một chương trình biểu diễn.

Nghệ sĩ Quý Thăng - Thu Hà (giữa) và các thành viên Câu lạc bộ Mười Nhớ trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Quý Thăng - Thu Hà (giữa) và các thành viên Câu lạc bộ Mười Nhớ trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: NVCC.

39 năm sống ở TP Hồ Chí Minh là thời gian đủ dài để nghệ sĩ Quý Thăng có thể coi mảnh đất này là quê hương thứ 2. Nhưng với ông, dù ở quê hương thứ 2 thì “quê hương thứ nhất” vẫn thật nặng sâu, và dù có ở nơi đô thị sôi động này thì hình ảnh về con đò, bến nước, cây đa; hình ảnh của những liền anh, liền chị mớ ba, mớ bảy cứ khắc khoải trong ông mãi không thôi.

Bởi thế mà không ai trả công, không ai đứng ra bảo lãnh mà năm 1988 ông đã lập Câu lạc bộ mang tên một làn điệu của dân ca quan họ, đó là Mười Nhớ. Mười Nhớ, cái tên thân thương, gần gũi này cũng là gửi gắm những tâm tình của ông với quê hương. “Một nhớ”, “hai nhớ” đã là rất nhớ nhung rồi, đây ông còn “mười nhớ” về vùng Kinh Bắc thân thương...

Những thế hệ học trò qua bàn tay dìu dắt của ông và sau này là người vợ - liền chị Thu Hà - đến nay đều nắm được những kỹ thuật cơ bản trong hát quan họ, đã hát thành thạo nhiều bài hát quan họ và đang lan đi muôn nẻo để giới thiệu, quảng bá quan họ trên đất phương Nam.

Nhớ về ngày đầu, ông lại ngậm ngùi: “Ngày đó, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, tôi cũng tính đi hát những ca khúc mới để kiếm tiền. Nhưng rồi càng hát càng nhớ về quan họ, day dứt với quan họ vì thế tôi quyết tâm thành lập Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ cho những người con đất Bắc, nhất là ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang.

Để giữ gìn nguyên gốc quan họ, nhiều lần tôi đã lặn lội về quê để tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu quan họ cổ. Lớp học quan họ với đầy đủ thành phần, lứa tuổi, địa vị xã hội. Họ đến với lớp học vì tình yêu và trách nhiệm với quan họ và quê hương”.

Nghệ sĩ Quý Thăng giảng dạy hoàn toàn miễn phí, bởi ông nghĩ họ cũng nghèo như mình thì lấy đâu ra tiền mà đóng học phí. Có những người sau khi học từ lớp của ông, hiện nay đã có thể kiếm được tiền qua những chương trình nghệ thuật lớn nhỏ.

Là người thầy, ông rất hạnh phúc vì điều đó, bởi với ông những gì mà Mười Nhớ làm được đã vượt rất xa với những ý nghĩ ban đầu của mình. Câu lạc bộ Mười Nhớ đã đường hoàng biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn được truyền hình trực tiếp.

Đặc biệt, từ sự lan tỏa của Mười Nhớ, hiện nay đã có hàng chục câu lạc bộ đàn và hát quan họ được thành lập ở TP Hồ Chí Minh cũng như ở các tỉnh lân cận, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng...

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Phan Hách từng bộc bạch: “Nghệ sĩ quan họ ở đất Kinh Bắc thì rất nhiều nhưng Quý Thăng đã làm một việc không ai dám làm, đó là thành lập và phát triển Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ.

Ở ông có ý chí quyết tâm rất lớn và biết bao dự định để quan họ phát triển, như xây nhà thờ thủy tổ, lập nhà chứa quan họ trên đất phương Nam. Nếu làm được những công việc này thì quan họ ngày càng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Còn NSƯT Quý Tráng (Hai Tráng), nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, khẳng định: “Là người luôn theo sát và là cố vấn cho Mười Nhớ từ nhiều năm nay, tôi thấy Mười Nhớ đã thực sự có bước phát triển. Có được thành công ấy người có công đầu tiên là nghệ sĩ Quý Thăng.

Phải nói rằng, việc lập câu lạc bộ với nhiều lứa tuổi, thành phần đã phức tạp, đây lại lập câu lạc bộ quan họ giữa đất phương Nam - nơi vốn dĩ không có “đất” cho quan họ, thì càng khó khăn gấp bội. Với tấm lòng cao cả, tình yêu quê hương tha thiết, trách nhiệm với dân ca quan họ lớn lao, Quý Thăng đã làm quan họ rạng rỡ trên đất phương Nam.

Là những người đồng hương, cùng nghề và cùng thế hệ, tôi thực sự cảm phục tấm lòng của Quý Thăng với quan họ. Còn với Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ, nhiều năm nay xứng đáng là “cánh tay nối dài” của dân ca quan họ Bắc Ninh trên đất phương Nam, là “anh cả” của các câu lạc bộ quan họ phía Nam”.

Mười Nhớ sinh nhật tuổi 25

Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Mười Nhớ. Ảnh: NVCC.

Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Mười Nhớ. Ảnh: NVCC.

Những ngày đầu tháng 4 này, nghệ sĩ Quý Thăng đang tất bật chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm thành lập Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ (dự kiến tổ chức vào ngày 16/4/2023). 1/4 thế kỷ với biết bao ân tình, biết bao suy ngẫm và tình cảm, cá nhân ông muốn làm một lễ kỷ niệm thực sự trang trọng, gần gũi, ấm tình quê hương với các tiết mục văn nghệ hấp dẫn.

Theo nghệ sĩ Quý Thăng, trong chương trình lễ kỷ niệm, các liền anh, liền chị của câu lạc bộ sẽ hát các bài hát “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Lúng liếng”, “Lý cây đa” theo lời cổ nhưng theo phong cách mới.

Ngoài ra, chương trình còn thể hiện một số ca khúc, như: “Tìm trong chiều hội Lim” của nhạc sĩ Nguyễn Trung, “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (thơ Nguyễn Phan Hách) và đặc biệt là “Sài Gòn gửi Thăng Long” - một bài hát đặt lời mới quan họ của nghệ sĩ Quý Thăng.

Cùng với đó, ông cũng dành “đất diễn” cho các câu lạc bộ quan họ trong khu vực phía Nam.

Từ nay đến hôm kỷ niệm không còn dài, nghệ sĩ Quý Thăng đã nhận được sự ủng hộ của đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và tình cảm cá nhân của một số nghệ sĩ, như: NSND Trần Hiếu, NSƯT Quý Tráng, NSND Vương Duy Biên, NSND Quốc Trượng, NSND Thúy Hường… với dự kiến sẽ vào dự.

Đó thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao với Ban tổ chức và cá nhân nghệ sĩ Quý Thăng và đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật nhiều gian khó, nhọc nhằn của người nghệ sĩ gốc Thuận Thành này.

Vinh dự, hào hứng và tự hào… đó là những cảm xúc đan xen trong nghệ sĩ Quý Thăng lúc này nhưng chắc chắn ông sẽ còn nhận được sự hỗ trợ, động viên, quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức hơn nữa và số năm hoạt động của Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ sẽ tiếp tục nối dài theo năm tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.