Người 'khoác áo mới' cho quan họ

GD&TĐ -Nhạc sĩ Lê Minh là tác giả của những ca khúc rất được yêu thích, như: “Khách đến chơi nhà”, “Con nhện tìm duyên”, “Về Hội Lim”… Từ lâu, ông đã được người yêu nhạc đặt cho biệt danh người “khoác áo mới” cho quan họ.

Người 'khoác áo mới' cho quan họ

Ở tuổi 75, ông vẫn miệt mài dạy học và sáng tác. Ông vừa ra mắt album “Cung bậc của núi rừng” gồm 9 ca khúc về các miền biên cương của Tổ quốc.

Gửi lại ân tình với miền quan họ

Nhạc sĩ Lê Minh thả hồn theo những nốt nhạc.

Nhạc sĩ Lê Minh thả hồn theo những nốt nhạc.

Tôi biết đến nhạc sĩ Lê Minh từ nhiều năm trước khi ông lên tiếng mạnh mẽ về việc một tỉnh nọ đã sử dụng ca khúc “Khách đến chơi nhà” của ông trong một chương trình nghệ thuật lớn mà lại ghi là “dân ca quan họ”.

Tất nhiên, đó là việc làm đáng trách của địa phương này khi không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của bài hát nhưng đứng trên một phương diện khác thì có thể thấy bài hát của ông đã vận dụng, triển khai trên chất liệu dân ca quan họ quá tài tình, nhuần nhuyễn. Thế rồi, sau những lần “trà dư tửu hậu”, tôi dần quen thân với ông hơn và thêm hiểu về con người, âm nhạc của ông.

Trong chiến tranh, Lê Minh là lính thông tin. Ông từng sống và chiến đấu ở nhiều vùng miền núi, ăn ở, sinh hoạt với đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, ông có kiến thức khá dày dặn về âm nhạc của các vùng miền, cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em.

Âm nhạc của Lê Minh được đánh giá là nhẹ nhàng, dung dị, không cầu kỳ về khúc thức, không phô trương tính biểu đạt. Những giai điệu thấm đẫm hồn quê cứ ùa vào lòng người nghe một cách tự nhiên, không áp đặt và miễn cưỡng.

Năm 2000, nhân dịp về làm việc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh, Hiệu trưởng khi ấy là Nguyễn Văn Thêu đã gợi ý ông nên viết một bài về quan họ. Vốn là người dành tình yêu lớn cho quan họ và quê hương Kinh Bắc nên trên quãng đường trở về Hà Nội, ông đã “bật” ra được ý nhạc dựa vào lời thơ của bài thơ “Ra ngõ mà trông” của Đỗ Việt Dũng.

Bài hát ca ngợi người Kinh Bắc mến khách khi mà ai đó sang chơi họ sẽ vừa rót nước vừa hát cho khách nghe, tượng trưng như “rót lời hát xuống chén trà mời nhau, để anh say một miếng trầu”. Cái hay của bài hát là vẫn với những phong tục truyền thống ấy nhưng tác giả đã cho người nghe một bài ca vừa da diết, trữ tình, vừa rộn ràng, tươi trẻ. Dẫu vẫn biết miếng trầu là cay, chén trà là chát, song đó chỉ là cái cớ cho mai trúc sánh bầy, loan phượng thành đôi.

Xung quanh bài hát “Khách đến chơi nhà” còn có những lời tranh luận mà hơn 20 năm qua không có hồi kết. Đó là ngay khi bài hát ra đời, các nhạc sĩ ở Bắc Ninh đã tư vấn cho Lê Minh nên thay từ “dỗi hơi” bằng từ “bỗng dưng” vì từ cũ hơi thô.

Thậm chí, trong buổi sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội, một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc mang âm hưởng dân ca cho rằng từ “dỗi hơi” làm “hỏng” bài hát. Thế nhưng, ông kiên quyết bảo vệ ca từ bài hát bằng lý lẽ của riêng mình. Bởi, ông cho rằng, nếu người Bắc Ninh không hiếu khách, không nền nã, không hát hay, không sang trọng và lịch sự thì có ai “dỗi hơi” mà đến chơi.

Theo ông, quan họ có những chỗ dịu dàng, mềm mại nhưng cũng có những chỗ mạnh mẽ, quyết liệt như trong câu “Có yêu nhau thì lấy quách nhau đi” (Thân lươn bao quản lấm đầu). Vì vậy, ông tin là trong trường hợp này mình đúng.

Sau sự thành công của bài hát đầu tay về miền quan họ, năm 2006, ông đã sáng tác bài hát thứ hai mang tên “Con nhện tìm duyên” rất được yêu thích. Chia sẻ về sự ra đời của bài hát, ông kể, trong dịp Hội Lim, nghệ sĩ Thanh Quý (hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) đã có lời mời các nhạc sĩ ở Hà Nội.

Hôm ấy, Lê Minh, Đoàn Bổng và nhiều nhạc sĩ về nhưng điện cho Thanh Quý mãi không được, trong khi trời đang mưa rất to mà chỉ mỗi một áo mưa nên mọi người chung nhau đội lên đầu đi tìm Thanh Quý. Thế rồi, có những nghệ sĩ nhận ra Lê Minh đã mời vào lán trại chơi rồi hát “Khách đến chơi nhà”.

Lúc ấy, có một nghệ sĩ hỏi Lê Minh: “Năm nay nhạc sĩ có định viết bài gì dành tặng quê hương quan họ?”. Lê Minh ậm ừ nhưng cũng không dám nhận lời bởi sáng tác âm nhạc đâu phải muốn là được.

Chiều tối, các nhạc sĩ ra về, đến dốc Lim thì gặp Thanh Quý. Chị nắm chặt tay Lê Minh và năn nỉ mọi người ở lại nhưng không được. Lúc này, chị nói: “Các thầy không ở lại được thì thôi cầm lòng vậy, thôi đành lòng vậy”. Câu nói ấy khiến Lê Minh xúc động khi nghĩ về lối sống tình nghĩa của người quan họ.

Trên đường về, ông đã nảy ra ý thơ: “Nhớ em tôi về Hội Lim/ Bâng khuâng đội áo đi tìm trong mưa/ Lạc vào câu hát xa xưa/ Thương thân con nhện giăng tơ quặn lòng…”. Sáng hôm sau, khi đọc được bài thơ, Thanh Quý đã rất xúc động nói: “Em thương con nhện quá!” và đề nghị tác giả phổ nhạc.

Tuy nhiên, khi phổ, ông đã thay từ “quặn lòng” thành “đi tìm” cho nhẹ nhàng, êm ái và hợp với giai điệu. Bài hát đã có sự liên tưởng giữa hình ảnh con nhện giăng tơ với những người nghệ sĩ quan họ cả đời giăng bắt những duyên thầm vào đời sống mỗi ngày. Họ đi tìm cái hay nhất, đẹp nhất dâng cho đời nhưng về đời sống riêng tư thì họ chật vật, khó khăn, thậm chí khổ đau.

Thăng hoa với cung bậc của núi rừng

Mới đây, ông cho ra mắt công chúng album “Cung bậc của núi rừng” với tình cảm tha thiết, mặn nồng. Album với 9 ca khúc trong đó ca khúc “Bản vắng” (thơ Mai Liễu) đã được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Mai Liễu là nhà thơ người Tày ở Tuyên Quang nên trong thơ luôn “nhuộm màu” núi rừng, ẩn chứa tâm hồn, vẻ đẹp của người vùng cao. Vốn là bạn thân nhiều năm, nhưng có thể nói, đây là bài thơ đầu tiên mà Lê Minh phổ thơ Mai Liễu, bởi theo lý giải của nhạc sĩ thì thơ Mai Liễu quá hay, mà đã hay thì “cứ để thơ mà đọc”.

Quả thực, khi giai điệu của ca khúc này vang lên, người ta mới thấy cái tài của người nhạc sĩ. “Bản vắng” dường như là một cách chơi chữ. Không gian hiện lên không hề vắng vẻ, trái lại rất rộn ràng, vui tươi, ở đó có những người dân lao động cần cù, chịu thương, chịu khó giã gạo bên dòng suối khi màn đêm buông xuống.

Một hình ảnh đẹp, lãng mạn, đầy hình ảnh và thanh âm núi rừng: “Cụp xòa, cụp xòa/ Dòng suối dòng trăng/ Cối gạo qua đêm trắng bong cụp xòa cụp xòa/ Bản vắng bản vắng, có người con gái đêm đêm mải ngồi thêu áo, thêu khăn, chỉ xanh chỉ hồng xâu vào nhịp chày giã gạo/ Xâu vào từng hạt trăng tan...”.

Tác phẩm “Tiếng khèn mùa ban nở” của nhạc sĩ Lê Minh, phổ thơ Nguyên Như là bài hát có giai điệu bắt tai. Đối với người nghe, có lẽ, đây là ca khúc dễ thích và dễ hát theo. Giai điệu hợp với trạng huống của nội dung câu chuyện trong thơ, cho nên hai luồng cảm xúc từ nhạc sĩ và người viết lời đồng điệu.

Theo nhà thơ dân tộc Thái - Nguyên Như, bài thơ lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một người thầy mà anh kính trọng. Thầy đã qua một đời vợ, sau những năm tháng cô đơn thì duyên đến khi một lần ông lên Quản Bạ (Hà Giang) dạy cho cán bộ, giáo viên. Ở đây, ông cảm mến cô học trò kém mình 20 tuổi và nên duyên chồng vợ. Giờ đây, sau hơn 20 năm họ đã có hai cậu con trai.

Cùng với đó là ca khúc “Chái Cáy con đường xưa” (thơ Nguyễn Bá Thắng) viết về địa danh Chái Cáy (Tuyên Quang), nơi in dấu hình bóng kỷ niệm của nhà thơ những năm còn là thanh niên. Ca khúc “Đá lạnh” là câu chuyện tình của nhà thơ quê ở Bắc Giang mãi không lấy được vợ nên đã phiêu bạt lên vùng núi Si Ma Cai rồi cuối cùng, tình yêu đã đến trong sự bất ngờ.

Qua bài hát “Đá lạnh”, nhạc sĩ đã khẳng định, nếu con người không có tình yêu thì cũng như hòn đá lạnh lẽo. Tình yêu chính là động lực để người trong cuộc vượt lên những khó khăn, bươn chải của cuộc sống. Rồi bài hát “Giữa Điện Biên em hát câu quan họ” (thơ Giáp Đình Chiến) là cảm xúc của tác giả thơ trong lần cùng Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh lên biểu diễn tại Điện Biên mà ở đó, nhạc sĩ đã rất tài tình hòa quyện âm nhạc của Tây Bắc với âm hưởng dân ca quan họ đằm thắm, mượt mà tạo nên những giai điệu gần gũi, ấm áp, tràn đầy xúc cảm. Ngoài ra, trong album còn có sự xuất hiện của một số ca khúc, như: “Ngây thơ suối bản Mông”, “Cát Cát hát”, “Khúc hát người Sơn Động”, “Chợ nhớ”.

Đắm say với những khúc ru tình

Nhạc sĩ Lê Minh (giữa) hướng dẫn ca sĩ tập ca khúc mới.

Nhạc sĩ Lê Minh (giữa) hướng dẫn ca sĩ tập ca khúc mới.

Ngoài hai chủ đề nói trên, nhạc sĩ Lê Minh cũng đắm say với những khúc ru tình. Nói đến mảng ca khúc này đầu tiên phải nhắc đến ca khúc “Lời ru” bởi ca từ và giai điệu của nó đã “đánh trúng” vào nỗi lòng của người Việt.

Ai trong chúng ta lúc vừa mới lọt lòng lại không được nghe người bà, người mẹ ru ngủ bằng những bài ca trữ tình. Lời ru đã đưa con chìm sâu vào trong giấc ngủ và mãi đến khi lớn khôn nó vẫn cứ ám ảnh, khắc khoải con người ta về một thời thơ ấu đã qua.

Và bằng chất liệu âm nhạc của mình, ông đã “khoác” lên bài thơ “Lời ru” của thi sĩ Hoàng Hạnh một “bức tranh quê” với những hình ảnh hết sức thân thuộc, gần gũi làm nao lòng người nghe: “Ngậm lời ru, ru mẹ ngày xưa/ Bà đưa mẹ đến giấc trưa say nồng/ Để nay mẹ bế mẹ bồng/ Mẹ ru con cả tiếng lòng thương yêu/ Lời ru bay bổng cánh diều/ Thân cò lặn lội mây chiều sang sông/ Lời ru ai đó ngóng trông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò…”.

Ở tuổi 75, nhạc sĩ Lê Minh vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông coi việc sáng tác và giảng dạy là công việc mang lại niềm vui, sức khỏe và sự minh mẫn khi tuổi già đang đến gần.

Vẻ bên ngoài ông chân chất, gần gũi, dễ gần nhưng với âm nhạc thì ông là người “khó tính”, nghiêm khắc, khắt khe. Bởi thế mà nhiều lứa học sinh đến với ông đã thành danh, là sinh viên của các trường âm nhạc trên địa bàn Thủ đô, là nhạc sĩ có nhiều triển vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ