Mẹ con người hát quan họ

GD&TĐ - Ở xứ Kinh Bắc nhắc đến những nghệ sĩ hát quan họ thế hệ đầu thì không thể không nhắc đến NSND Thúy Cải bởi người ta nhìn thấy ở bà có nét duyên quan họ không chỉ qua giọng hát, mà còn qua điệu cười, ánh mắt, dáng đi và qua cả tính cách, lối sống nghĩa tình.

Nghệ sĩ Ngọc Lương (giữa) biểu diễn một sáng tác mới.
Nghệ sĩ Ngọc Lương (giữa) biểu diễn một sáng tác mới.

Và cũng thật mừng, người con gái của bà mặc dù không theo nghiệp hát quan họ nhưng đang là nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng với những ca khúc sáng tác trên chất liệu quan họ. Chị là nhạc sĩ Ngọc Lương, hiện là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh.

Nỗ lực để bám trụ với nghề

Những năm lăn lộn với nghề báo, tôi được về mảnh đất Bắc Ninh nhiều lần. Mỗi lần về quê hương quan họ, tôi lại thêm yêu, thêm nhớ da diết về đất và con người nơi đây.

Nơi này không chỉ có “đặc sản” quan họ, có các công trình văn hóa truyền thống lâu đời, mà còn có đậm sâu tình người như lời ca “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” trong bài hát “Ngẫu hứng giao duyên” vẫn vang lên trong đời sống thường ngày của người dân.

Trong những người tôi gặp ấy thì NSND Thúy Cải là một giọng hát quan họ nổi tiếng. Còn nhớ năm ấy, trong căn nhà mới xây khang trang, rộng rãi tại quê nhà ở dưới chân núi Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), bà tiếp tôi thân mật, chân tình, gần gũi như người thân lâu ngày gặp lại.

Vẫn với khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, ánh mắt ấy, nghệ sĩ Thúy Cải không khác nhiều trong trí nhớ của tôi thuở thiếu thời thường nghe và xem bà hát trên truyền hình. Trông bà trẻ hơn so với tuổi 70 của mình.

Bên ấm nước trà xanh dịu mát, nữ nghệ sĩ dốc bầu tâm sự về hành trình đến với quan họ. Sinh ra ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, ngay từ năm lên 6 tuổi, Thúy Cải đã được mẹ, vốn là người làng Ném Đoài, một trong những làng quan họ cổ, dạy hát những bài quan họ giọng vặt như: Khách đến chơi nhà, Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Ba sáu thứ chim, Lý Thiên Thai...

Hơn nữa, lại được sống trong một không gian làng quê đậm đà bản sắc với những câu hát quan họ khiến cô bé Cải ngày càng yêu mến và mong muốn được gắn cuộc đời mình với quan họ.

Tuy có năng khiếu về hát quan họ nhưng để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp với cô bé Thúy Cải khi ấy là cả một thử thách không hề nhỏ. Rời xa vòng tay của gia đình khi mới 16 tuổi, Thúy Cải là người thứ 9 được tuyển vào Đội Ca hát quan họ.

Nói là ca hát quan họ nhưng nhiệm vụ chính là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu dân ca quan họ. Ngoài học hát những bài quan họ cổ do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi truyền dạy, diễn viên và nhạc công được học các môn lý luận cơ bản tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc.

Ban đầu biết bao khó khăn, thiếu thốn nhưng với suy nghĩ tất cả vì sự phát triển của quan họ, thầy trò đã cố gắng, nỗ lực với một năm vừa học tập vừa xây dựng tổ chức đơn vị, Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc chính thức hình thành.

Làm gì để xứng với miền quê văn hiến

NSND Thúy Cải.

NSND Thúy Cải.

Trong lúc tôi và bà say sưa với câu chuyện thì chốc lát lại có một người đàn ông đi qua đi lại. Đó là chồng bà, người đàn ông lặng lẽ, âm thầm trong cuộc đời của nghệ sĩ nổi tiếng.

Công việc của ông cũng lặng lẽ, âm thầm như thế khi phụ trách âm thanh, ánh sáng trong Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, nơi bà làm Trưởng đoàn suốt nhiều năm. Nhưng cũng phải nói rằng đây là công việc rất quan trọng trong tiết mục trên sân khấu và ông cũng là người rất quan trọng trong cuộc đời của nghệ sĩ Thúy Cải.

Đôi mắt nhìn xa xăm nhưng ánh lên niềm tự hào, bà bảo: “Nếu không có ông ấy ở đằng sau làm hậu phương, trông nom con cái, vun vén công việc của hai bên bốn họ thì đã không có một Thúy Cải vang danh xa gần hôm nay”.

Nghe đến đây tôi càng thêm trân trọng, quý mến ông vì tôi hiểu làm chồng của một người vợ nổi tiếng quả thực không dễ chút nào...

Dẫn tôi đi trên con đường làng quanh co, đậm cảnh sắc nông thôn Bắc Bộ, nghệ sĩ Thúy Cải bảo, nghỉ hưu rồi về quê là thích nhất. Nơi đây có họ hàng, làng xóm và những người thân thiết đã gắn bó suốt nhiều năm qua.

Con người mà, đến lúc “chùn chân, mỏi gối” phải tìm về nguồn cội, đó như một lẽ thường tình của đại đa số người Việt. Thực ra nói là “ở ẩn”, là “an nhàn tuổi già” cũng đúng mà cũng chưa đúng vì hiện nay nghệ sĩ Thúy Cải vẫn tham gia vun trồng cho những “mầm non quan họ” quê nhà tại chùa Phật Tích vào mỗi Chủ nhật hằng tuần.

Bởi bà quan niệm rằng, theo thời gian và tuổi tác thì lớp nghệ sĩ quan họ sẽ già đi và nhiệm vụ cấp bách là phải đào tạo ra đội ngũ kế cận có đủ tâm huyết và tình yêu nghề.

Phát biểu cảm tưởng trong dịp Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập và đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Bắc Ninh (ngày 27/9/2019), bà vẫn không quên đau đáu: “Các bạn trẻ hãy vì nghệ thuật mà lao động, sáng tạo để xứng đáng với những giá trị văn hóa quan họ mà người xưa để lại, xứng với miền quê văn hiến mà mình đã sinh ra. Nay thế hệ đi trước đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” muốn vương vấn với quan họ mà “lực bất tòng tâm”.

Tương lai trên con đường gìn giữ và phát triển dân ca quan họ nhờ cậy cả vào thế hệ hôm nay. Những mong các bạn hãy đem loại hình nghệ thuật hát dân ca quan họ Bắc Ninh hòa vào cuộc sống bằng tâm huyết thực sự và tài năng sáng tạo của thời đại mới…”.

Nói lên tiếng nói của giới văn nghệ sĩ

Có thể nhiều người không biết ngoài là một nghệ sĩ quan họ, một lãnh đạo Đoàn Dân ca quan họ, nghệ sĩ Thúy Cải còn là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992 - 1997). Với tư cách là đại diện tiếng nói của cử tri tỉnh Hà Bắc khi ấy, bà đã có những phát biểu, tranh luận về đường hướng phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà cũng như sớm tìm lối đi cho dân ca quan họ được lan tỏa.

Ngày ấy, bà cùng nghệ sĩ Huyền Phin (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) là những nghệ sĩ hiếm hoi được bầu làm đại biểu nhân dân. Hai bà còn là những nhân tố tích cực khuấy động phong trào văn nghệ vào những buổi tối sau giờ thảo luận căng thẳng trên nghị trường.

Nghệ sĩ Thúy Cải nhớ lại: “Khi ấy Chủ tịch Quốc hội là đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là đồng chí Vũ Mão. Các bác đều là những người yêu thích dân ca và sôi nổi, nhiệt tình trong phong trào văn nghệ.

Trong 5 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi đã được học hỏi nhiều điều từ các bác lãnh đạo cũng như đại biểu tỉnh bạn để có cái nhìn sâu sắc, xuyên suốt về ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà”.

Là một nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng là một chính khách trên nghị trường Quốc hội nên nghệ sĩ Thúy Cải luôn hiểu trách nhiệm của mình trong việc nói lên tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, để văn hóa nghệ thuật có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa và đặc biệt là để nhân dân hiểu đúng về văn hóa nghệ thuật.

Bà đã từng nhiều lần phát biểu trên báo chí rằng: “Người quan họ gọi việc khán giả tặng tiền cho mình là “thưởng”. Tôi đi hát nhiều năm tôi biết, thưởng cho liền anh, liền chị có từ lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa chứ không phải bây giờ mới có.

Đó là tình cảm mà nhân dân dành cho nghệ sĩ quan họ. Người nông dân họ chân chất vậy, mình phải nhận chứ, càng nhỏ càng phải nhận vì không nhận họ buồn. Quan họ không ai ngửa nón để xin tiền”.

Như mạch nguồn chảy xiết

Là người đào tạo, bồi dưỡng, dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ quan họ, NSND Thúy Cải cũng không quên truyền tình yêu và niềm say mê nghệ thuật cho chính những người thân trong gia đình mình, trong đó có cô con gái cả Ngọc Lương.

Nhạc sĩ Ngọc Lương là một trong những hội viên trẻ nhất của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh. “Ái nữ” của nghệ sĩ Thúy Cải từng tốt nghiệp chuyên ngành đàn tam thập lục của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), có bằng Thạc sĩ quản lý văn hóa và hiện là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Hằng năm, Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, nơi nhạc sĩ Ngọc Lương là Trưởng phòng đã đứng ra tổ chức mở 4 - 5 lớp học hát dân ca quan họ tại cộng đồng cũng như hướng dẫn hoạt động trên 500 câu lạc bộ quan họ trên địa bàn tỉnh.

Dù không học sáng tác nhưng Ngọc Lương đã tìm tòi, sáng tạo để sáng tác nhiều ca khúc dạt dào âm hưởng quan họ nhưng lại bay bổng phong cách trẻ trung, hiện đại, như: “Về Kinh Bắc”, “Người ơi thương nhớ”, “Trẩy hội xuân”…

Trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2014 - 2019 tại Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2019 - 2024, đã khẳng định: “Nhạc sĩ Ngọc Lương có các ca khúc “Bắc Ninh thành phố bình minh”, “Bắc Ninh quê em đẹp lắm” và đặc biệt ca khúc “Ta tự hào có Bác” được Ban tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2020 trao giải Khuyến khích”.

Chia sẻ về công việc sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Lương cho biết: “Cũng như bao nhạc sĩ viết về Bắc Ninh, tình yêu với âm nhạc, quê hương đã thấm sâu vào con người tôi một cách tự nhiên và say đắm.

Vì vậy, những ca khúc được viết lên không chỉ là tâm tình của tôi về mảnh đất, con người Bắc Ninh, mà còn thể hiện cuộc sống đổi mới, phát triển nơi đây”.

Nhìn vào sự nối tiếp nhau để gìn giữ truyền thống nghệ thuật trong một gia đình của hai mẹ con nghệ sĩ Thúy Cải - Ngọc Lương càng khiến chúng ta tin rằng, âm nhạc dân tộc nói chung và dân ca quan họ nói riêng vẫn như mạch nguồn chảy xiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con giun 14cm được lấy ra từ mắt bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Giun 14cm sống trong mắt bệnh nhân

GD&TĐ - Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật thành công gắp một con giun dài 14cm dưới kết mạc mắt cho bệnh nhân.