Năm 2015 một sự việc đau lòng đã xảy ra với một gia đình ở Vũ Hán (Trung Quốc) khi cô con gái lớn 8 tuổi thả em trai 2 tháng tuổi từ tầng 8 khiến cậu bé tử vong. Các điều tra cho thấy, vài ngày trước, một người hàng xóm đón cô bé từ trường về và trên đường đi người này đã nói đùa: “Cháu “ra rìa” rồi vì bố mẹ đã có em trai”. Ngay lập tức, cô bé khóc nức nở. Người hàng xóm không ngờ câu nói đùa này chính là ngòi nổ gây họa.
Tại Việt Nam, chưa ghi nhận các trường hợp đáng tiếc như trên, tuy nhiên các phòng khám tâm lý tại các bệnh viện nhi lại thi thoảng tiếp nhận một số trường hợp trẻ biếng ăn, có dấu hiệu tự kỷ chỉ vì người lớn quá quan tâm đến em bé mới chào đời mà bỏ lơ mình.
Sự ganh tị được thể hiện như thế nào?
Sự ganh tị này thường xảy ra ở trẻ dưới 4 tuổi và nhất là khi các trẻ chỉ cách nhau 2 - 3 tuổi, vì ở lứa tuổi này trẻ còn tập trung ở bản thân và khó muốn cha mẹ chia sẻ tình cảm với tất cả các con.
Những trẻ lớn có thể có những hành vi hung hăng tỏ thái độ gây hấn đối với em bé, như đánh bé hoặc ném đồ vào bé. Trẻ hay so bì hoặc ít nói chuyện với anh chị em của mình, không bỏ qua bất cứ cơ hội mách tội, chỉ trích anh chị em khác với ba mẹ, tỏ ra vui thích, hả hê khi anh chị em bị phạt, thậm chí lén lút gây tổn thương thân thể cho anh chị em của mình…
Một số bé muốn trở lại thành em bé như nổi cơn thịnh nộ hoặc từ chối ngồi bô dù đã có thể tự đi vệ sinh trong bô. Số khác tự thu mình lại trong thế giới riêng, không tiếp xúc với ai, chán ăn hay bỏ nhà ra đi ở một số trẻ vị thành niên. Các phản ứng này hoàn toàn tự nhiên, là cách trẻ biểu lộ sự hụt hẫng và bối rối về vai trò và vị trí của trẻ trong gia đình. Trẻ cảm thấy mất an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Làm thế nào cha mẹ có thể phòng ngừa sự ganh tị giữa các con?
Nếu bạn đang có thai, hãy chuẩn bị cho trẻ về sự ra đời của em bé mới. Ví dụ cho con xem một quyển sách nói về chủ đề này, cùng con đi mua sắm đồ cho em bé.
Hãy cùng con nhìn lại những hình ảnh của con lúc còn bé, để con có thể nhớ là con cũng đã được cha mẹ quan tâm và chăm sóc từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Phụ huynh cố gắng dành thời gian cho đứa con lớn để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi và phải làm ra hành động gây hấn để được bạn chú ý. Thường xuyên nói với trẻ: “Bố mẹ xin lỗi nếu đã làm điều gì đó sai khiến con cảm thấy như vậy, nhưng sự thật bố mẹ thương yêu tất cả các con như nhau”.
Trước khi bạn có kế hoạch sinh thêm em bé thì ba mẹ cần có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như vai trò chuyển tiếp nếu gia đình có người chăm sóc khác, ví dụ như: mẹ là người chăm sóc chính cho trẻ và trước khi ba mẹ có dự định sinh thêm bé, mẹ cần bàn giao công việc chăm sóc trẻ cho ba/bà nội/bà ngoại để cho trẻ có thời gian làm quen và thích ứng với người chăm sóc mới.
Không nên thay đổi quá nhiều các việc thường quy của anh/chị khi có em bé ra đời, chẳng hạn như sắp xếp lại chỗ ngủ; nên làm điều đó hai tháng trước khi sinh em bé hoặc vài tháng sau khi em bé ra đời.
Bạn hãy cho phép đứa con lớn tham gia tích cực vào đời sống của em nhỏ, bằng cách nhờ nó trông chừng em, lấy bỉm, thay tã cho em hoặc đọc sách cho em nghe. Động viên anh chị em tự giải quyết những khác biệt của nhau khi chúng lớn lên.
Gia tăng sự tự tin cho trẻ: cha mẹ nên hiểu rằng trẻ tỏ ra ganh tị khi thấy mình ở thế yếu, thiếu tự tin vào khả năng, vị trí của mình trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ phải gia tăng sự tự tin của trẻ bằng cách nhận diện những điểm mạnh, hoặc điểm tốt để khen ngợi và giúp bé nhận ra bản thân mình cũng có nhiều ưu điểm. Cha mẹ nên tránh dùng những từ ngữ tiêu cực khi nói với trẻ như: “Con là đứa trẻ hư đốn”, “Con dốt thế”, “Con thật là ích kỷ”… Tất cả những câu nói này vừa làm tổn thương lòng tự trọng, giảm bớt sự tự tin của trẻ, vừa khiến bé trở nên ganh ghét với các anh chị em của mình.
Tạo môi trường an toàn cho con trẻ: áp dụng nguyên tắc ba không: không hù dọa, không quát mắng, không đánh đập trẻ: “Con không ngoan là ba/mẹ không yêu con nữa”, “Con mà đánh em là ba/mẹ bỏ con ra ngoài đường trời tối thui cho ông kẹ bắt”.
Đừng so sánh các con trước mặt trẻ (bạn nhận thấy những sự khác biệt giữa các con của bạn) nhưng cố gắng không bình phẩm, so sánh điều đó trước mặt chúng. Trẻ có thể nghĩ rằng trẻ không tốt hoặc không được yêu bằng em của nó khi bạn so sánh chúng. Cha mẹ không nên nói những câu như: “Tại sao con không học hành đàng hoàng như anh của con?”, “Tại sao chị của con ngoan ngoãn, mà con lại hư đốn như thế?”, “Tại sao em của con làm được mà con thì không?”… khiến trẻ gia tăng sự hằn học với anh chị em của mình.
Phụ huynh cố gắng không tham gia vào cuộc tranh luận của các con. Ví dụ chúng đang tranh cãi về các khối đồ chơi, bạn có thể chia đồ chơi ra để mỗi trẻ có một số khối để chơi.
Nếu các con yêu cầu cha mẹ can thiệp, bạn nên giải thích là các con gây ra mâu thuẫn thì các con có trách nhiệm giải quyết tranh cãi đó. Bạn đừng theo đứa con nào cả nhưng hãy đưa ra những hướng dẫn về những cách các con giải quyết các tranh cãi.
Dĩ nhiên bạn can thiệp khi trẻ có hành vi bạo lực. Các con cần biết bạn không chấp nhận hành vi bạo lực... Khen ngợi các con khi chúng giải quyết được sự tranh luận và thưởng cho hành vi tốt.
Bạn đừng thiên vị. Bạn hãy phân công một cách công bằng. Nếu bạn phải can thiệp, nên cố gắng nghe hết khía cạnh của câu chuyện để đưa ra quyết định. Sự công bằng này phải thể hiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ, mua quần áo mới thì phải mua đồng đều cho tất cả các con, nếu không thì phải giải thích một cách thuyết phục cho trẻ lý do tại sao trẻ này được mà trẻ kia thì không. Cha mẹ phải dành thời gian đồng đều cho tất cả trẻ; phải tỏ ra nghiêm khắc như nhau với những đứa con của mình…
Hãy cho phép đứa con lớn tham gia tích cực vào đời sống của em nhỏ
Tôn trọng sự riêng tư của con. Khi bạn cần dạy con, hãy làm điều đó với một mình trẻ ở một nơi yên tĩnh và riêng tư. Đừng làm cho trẻ bối rối khi bị la mắng trước mọi người. Điều đó sẽ làm cho đứa con khác trêu chọc khi thấy anh/chị bị bạn phạt.
Hãy dùng những buổi họp gia đình để biểu lộ suy nghĩ và cảm xúc, cũng như bàn về kế hoạch trong tuần. Luôn động viên khen thưởng những hành vi tốt. Mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình là những mối quan hệ sớm nhất. Bằng cách giúp các con bạn học cách tôn trọng và yêu thương nhau, bạn đang tặng cho chúng một món quà lớn - đó là việc giúp trẻ kết bạn lâu dài sau này.
Khi ứng xử với một trẻ lên ba, bạn hãy giúp trẻ tự giải quyết vấn đề thay vì luôn đáp ứng nhu cầu của trẻ. Ví dụ nếu anh/chị quấy rầy trong khi bạn đang cho em bé bú, bạn nói anh/chị đến chơi ở chỗ khác, để anh/chị thấy chúng có thể tự chơi mà không cần cha mẹ phải giúp đỡ như em mình.
Bạn đừng so sánh giữa các con như: “Mẹ muốn con ăn hết phần của con như em con vậy”. Điều đó làm cho trẻ lớn cảm thấy trẻ không tốt. Bạn có thể nói: “Con cố ăn thêm một chút nữa, rồi mới được xem tivi”.
Bạn đừng phạt trẻ khi trẻ có hành vi như giống như em mình (đái dầm, đòi đút ăn). Bạn hãy nhớ đây là cách trẻ phản ứng với các cảm xúc mà trẻ không hiểu, ví dụ như sự ganh tị.
Dạy trẻ yêu thương nhau: cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con cái rằng mình là một gia đình và các con là anh chị em ruột với nhau. Cha mẹ có thể là cầu nối để giải tỏa những hiểu lầm của trẻ với nhau. Cha mẹ nên yêu cầu các anh chị em của trẻ không chê bai, nhạo báng khi bé bị phạt, giải thích rõ là ai cũng có thể có lúc phạm sai lầm, phải thông cảm và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong những công việc chung của gia đình, cha mẹ có thể phân công trẻ cùng nhau làm việc để tăng cường sự hợp tác với nhau.
Đừng nghĩ rằng sự ganh tị giữa các con nghĩa là các con sẽ không có mối quan hệ tốt sau này - một khi trẻ vượt qua được sự ganh tị và được cha mẹ chia sẻ, thì không có lý do gì trẻ không học để sống chung với người em của trẻ.