Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp

Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp
 

(GD&TĐ) - Ngày còn là học sinh, tôi không nghĩ công việc của người giáo viên chủ nhiệm lại "gian nan" đến thế. Khi cũng là giáo viên, được làm công tác chủ nhiệm lớp tôi mới thấu hiểu được sự vất vả, tâm huyết và đầy nhiệt tình của cô giáo chủ nhiệm cũ của mình.

Và điều này cũng lí giải tại sao lại có rất nhiều cô, cậu học trò khi đã ra trường, trưởng thành ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn nhớ về thầy, cô đã dạy dỗ mình và đặc biệt là thầy cô giáo chủ nhiệm!

Điều này có thể nói lên được vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh trong tập thể lớp.Hay nói cách khác chủ nhiệm chính là linh hồn của tập thể lớp, vừa là nhà quản lí, vừa là nhà giáo dục trong một tập thể thu nhỏ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm đó là việc tổ chức giờ sinh hoạt lớp. Làm sao để gây được hứng thú cho học sinh, không làm cho giờ sinh hoạt bị căng thẳng hoặc nhàm chán, biết lôi cuốn học sinh vào những hoạt động tích cực trong giờ sinh hoạt lớp.

Vì sinh hoạt lớp là dạng hoạt động giáo dục tập thể, là một hình thức tổ chức tự quản cho học sinh và là một trong những biện pháp cơ bản góp phần xây dựng tập thể học sinh đoàn kết. Chính thông qua các giờ sinh hoạt lớp, các em học sinh có thể bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm và tự đánh giá, nhận xét nhau thẳng thắn, tích cực.

Các học sinh trong lớp được liên kết lại với nhau, giáo viên gắn bó với học sinh trong một cộng đồng thu nhỏ để giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực hàng ngày ở nhà trường, lớp học. Học sinh được mở rộng các mối liên hệ, tăng cường sự hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục xu hướng hẹp hòi, cục bộ, bè phái trong đời sống tập thể.

Đây cũng là dịp để học sinh làm quen với nhiều loại hình hoạt động khác nhau, giúp các em phát triển các kĩ năng cơ bản và cần thiết cho bản thân. Các em phải được vừa học vừa chơi, được thể hiện khả năng của mình... Thế nhưng, thực tế là nhiều học sinh thường không thích giờ sinh hoạt lớp. Tại sao vậy? Lý do là:

- Nội dung giờ sinh hoạt lớp khô cứng lặp đi lặp lại, không thực sự gắn với nhu cầu của học sinh. Các em không thực sự cảm nhận được vấn đề trong chủ đề là vấn đề của chính họ phải giải quyết mà là vấn đề của thầy, cô.

- Hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp đơn điệu, nhàm chán, không hứng thú với học sinh bởi các em không được cùng nhau tổ chức, tham gia vào giờ sinh hoạt lớp

- Giáo viên quá nghiêm khắc, không gần gũi, thân thiện, không đặt mình  vào vị trí của học sinh để hiểu các em.

Thâm nhập vào các diễn đàn của teen tôi đã rút ra được khung cảnh và diễn biến của một số giờ sinh hoạt lớp khiến các em "uể oải".

Ví dụ 1:

"Thầy chủ nhiệm lớp tớ nghiêm có tiếng, nên tiết sinh hoạt im phăng phắc, thầy chỉ định ai phát biểu, báo cáo tình hình gì mà thấy yêu cầu thì mới được nêu ý kiến, còn lại đừng ai nghĩ đến việc xung phong đứng lên thẳng thắn bày tỏ quan điểm riêng kiểu “Thưa thầy, em nghĩ khác cơ ạ”.

Có bạn thừa nhận nhiều lúc muốn “có nhời" thưa lại  với mấy kiểu áp đặt của thầy chủ nhiệm đối với những hoạt động của lớp lắm, nhưng rồi nghĩ “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” nên lại thôi ngay ý định".

Điều tệ nhất là trong lớp lại có khá nhiều “cánh én” khác nghĩ thầm trong đầu hệt như em ấy, và thế là cả một tập thể im ắng, không có lời phản biện nào đã khiến cho buổi sinh hoạt trở thành một chiều, vô cùng thụ động và chẳng có tác dụng gì nhiều với những vấn đề đáng lẽ  cả lớp phải cùng nhau nhiệt tình thảo luận.

Ví dụ 2:

“Với tớ và hội bạn ở lớp thì tiết sinh hoạt lại nhẹ nhõm lắm, vì không phải là tiết học môn gì cả, tha hồ xả hơi  và cả nhóm tranh thủ chép bài tập về nhà cho kịp các tiết sau. Cô giáo vừa hiền, ít nói và chả mấy khi tham gia tiết sinh hoạt, giao hết cho cán bộ lớp điều hành. Tụi cán bộ lớp cũng chả muốn chơi nổi làm gì vừa mất công mất sức vừa ngại bị phản ứng nên nói qua loa cho xong rồi cũng yên phận về chỗ”.

Ví dụ 3:

“Trong buổi sinh hoạt lớp cô giáo chủ nhiệm thường phê bình thẳng thắn những hiện tượng lệch lạc của học sinh. Cô chỉ đích danh từng em và từng khuyết điểm đã mắc phải và dặn dò phải cố gắng sửa chữa trong tuần tiếp theo. Một số học sinh nói nhỏ với bạn: Như thế này không phải sinh hoạt lớp mà là giờ "luận tội"...

Ví dụ 4:

“Tất nhiên chúng tớ bao giờ chả đoán được nội dung của tiết sinh hoạt. Cô giáo chủ nhiệm với mấy cán bộ lớp sẽ tổng kết lại tất cả một cách dài dòng những gì ghi trong sổ Nam Tào (Sổ ghi đầu bài ) tuần trước rồi phê bình kiểm điểm trước lớp. Cái mới duy nhất của mỗi tiết "phụ mà chính" này là “nín thở chờ xem tuần này anh nào nhà ta bị lên thớt và vận xui tới đâu với mấy hình phạt...”

Một thực tế hiện nay trong các buổi sinh hoạt lớp các thầy cô thưòng chê học trò nhiều hơn là khen ngợi (60 - 70%  là chê học sinh, đáng ra phải là ngược lại). Nếu giáo viên chủ nhiệm biết khen chê đúng mực sẽ khiến học trò hứng thú trong học tập.

Về nguyên tắc khen phải nhiều hơn chê để tạo tâm lí tích cực vì ai cũng thích khen. Nhưng tôi cũng xin lưu ý các đồng nghiệp  một vài điều. Khi chúng ta khen học sinh thì sự khen ngợi đó phải cụ thể, gọi đúng tên bản chất sự việc. Thái độ khen ngợi phải chân thật, gây được cảm xúc tích cực nơi người được khen.

Đối với những hành vi tích cực mới cần khen ngay khi nó vừa xuất hiện, nhất là với những em hay mắc khuyết điểm, những em học yếu, nhút nhát... vừa có một tiến bộ nào đó. Ngay cả khi ta phê bình học sinh cũng cần lưu ý là phê bình hành vi cụ thể chứ không khái quát hoá thành nhận định liên quan đến nhân cách. Tuyệt đối tránh lối phê bình chì chiết, nhắc đi nhắc lại những khuyết điểm cũ đã xảy ra từ lâu.

Tạo hứng thú cho HS, GV chủ nhiệm cần:

- Đa dạng hóa về nội dung và hình thức tố chức tiết sinh hoạt lớp.

- Nội dung tiết sinh hoạt tập thể hàng tuần phải cụ thể bổ ích, phải gắn với nhu cầu hứng thú của học sinh và phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp thu và trình độ hiểu biết của học sinh, huy động đến mức cao nhất trí tuệ và tình cảm tập thể của học sinh.

- Thu hút tối đa sự tham gia của mọi học sinh dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ cố vấn của giáo viên nhằm tăng cường vai trò tự quản của học sinh. Tạo môi trường chung để học sinh cùng trải nghiệm những xúc cảm tích cực, tăng cường giao lưu giữa các em, tạo ra môi trường lớp học mang bầu không khí tin tưởng, thân mật, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ và lắng nghe ý kến của nhau. Từ đó tình cảm gắn bó, chia sẻ giữa các em được hình thành và củng cố.

- Tăng cường những nội dung sinh hoạt có liên quan đến các công việc chung của lớp, phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh. Để học sinh được bàn bạc nỗ lực cố gắng và hợp tác với nhau để hoàn thành công việc đựoc giao.

- Đảm bảo giao lưu dưới hình thức đối thoại để học sinh cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn giúp học sinh tin tưởng và không ức chế về tâm lí. Khi các em mạnh dạn đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình, chúng ta nên sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến đó một cách tôn trọng.

Rõ ràng vai trò của giáo viên chủ nhiệm là không thể phủ nhận được.Vì giáo viên chủ nhiệm vừa là thành viên của tập thể sư phạm và hội đồng sư phạm, vừa là người thay mặt hiệu trưởng, hội đồng nhà trường và cha mẹ học sinh quản lí và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục toàn diện học sinh lớp mình phụ trách.

Là người tổng chỉ huy tổ chức, thực hiện chủ trương, các kế hoạch của nhà trường và  của  lớp học và phát huy năng lực của các thành viên. Càng tận tâm, nhiệt huyết với nghề thì người giáo viên chủ nhiệm càng biết cách uyển chuyển đặt mình vào vị trí các em, lắng nghe tích cực tiếng nói của học sinh để có những chia sẻ, uốn nắn, định hướng hiệu quả

Nguyễn Bích Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.