Văn học viết về chiến tranh: Hy vọng ở thế hệ nhà văn trẻ

GD&TĐ - Văn học về chiến tranh cách mạng và người lính là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn và bạn đọc nhiều thế hệ suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều người trăn trở liệu những cây bút trẻ hiện nay có giảm bớt đi sức hấp dẫn đối với độc giả hay không bởi họ không được trải nghiệm thực tế.

Văn học viết về chiến tranh: Hy vọng ở thế hệ nhà văn trẻ

Sức sống mạnh mẽ

Những năm gần đây, số lượng tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh ngày càng nhiều, không chỉ có các nhà văn đã và đang mặc áo lính mà nhiều người cũng viết về đề tài này. Điều đó khẳng định, sức sống của dòng văn học về chiến tranh cách mạng vẫn mạnh mẽ tuôn chảy từ các nhà văn đến độc giả cả nước.

Năm 2007 tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của nhà văn Trần Văn Tuấn viết về cuộc chiến ác liệt năm 1969 - 1970 ở vùng rừng miền Đông Nam Bộ nhận được giải thưởng văn chương ASEAN và được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Điều đó cho thấy dòng sáng tác văn học chiến tranh cách mạng vẫn rất được chú ý.

Năm 2008, hàng loạt tác phẩm ra đời, trong số đó nhiều tác phẩm nhận được sự chú ý của bạn đọc như: Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Bây giờ trời đã rạng đông của Lê Văn Duy… Các tác phẩm này đã nhìn một trong những sự kiện lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa dạng với bạn đọc.

Đặc biệt, sự kiện những quyển nhật ký chiến trường như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc (Mãi mãi tuổi 20), Chu Cẩm Phong… đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của dòng văn học chiến tranh cách mạng, thu hút bạn đọc với số lượng lớn độc giả.

Bên cạnh đó, những tác phẩm mới về đề tài chiến tranh như Thượng đức, Ngày rất dài, Khúc bi tráng cuối cùng… tạo nên sự mới lạ trong nội dung, ý tưởng về mảng đề tài này. Tuy nhiên, có một nỗi lo là thời gian qua đi, thế hệ trực tiếp tham gia chiến tranh dần không còn, ai sẽ là người kế thừa dòng văn học này?

Kỳ vọng thế hệ nhà văn trẻ

Chia sẻ về điều này, đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành phận sự của mình ghi lại những gì họ đã chứng kiến từ thực tế cuộc chiến. Đây là một đội ngũ đông đảo, họ viết về chính những trải nghiệm của bản thân, những chuyển biến của đất nước. Chiến tranh càng lùi xa, họ càng có thời gian (độ lùi) để nhìn lại cuộc chiến, chiêm nghiệm, suy nghĩ, xem lại những tác phẩm mình đã viết và viết về những tác phẩm mới”.

Văn học về đề tài này được các nhà văn viết lại sau chiến tranh không hừng hực hơi thở của cuộc chiến mà đi sâu vào thân phận, vào đời sống con người. Hiện, đã có một thế hệ nhà văn trẻ, viết rất sung sức, thành lực lượng chủ yếu trên văn đàn, sẽ tiếp tục viết về chiến tranh. Họ không tham gia chiến tranh nhưng cuộc chiến rất gần với họ. Nó hiện diện trong mỗi gia đình, làng xóm. Đó là nguồn cảm xúc để họ sáng tác. Họ có điều kiện nhìn nhận cuộc chiến tranh một cách tỉnh táo hơn với nhiều chiều kích khác nhau hơn thế hệ chúng tôi.

“Trong tương lai tôi tin sẽ có những nhà văn viết về cuộc chiến tranh nhưng sẽ khác chúng tôi viết, càng đi sâu tìm hiểu về chiến tranh họ càng nhìn nhận lại cuộc chiến một cách bình tĩnh, công bằng và sâu sắc hơn hơn thế hệ chúng tôi. Tôi tin họ sẽ có những tác phẩm về chiến tranh một cách toàn diện nhất và có những thành công nhất định” – nhà văn Khuất Quang Thụy chia sẻ.

PGS. TS, nhà nghiên cứu văn học Tôn Phương Lan cũng cho biết: “Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính vẫn là đề tài lớn nhất của văn học nước nhà. Đối với các nước đi qua chiến tranh đã lâu, họ vẫn viết về chiến tranh. Hiện nay, chúng ta thấy có nhiều nhà văn quan tâm đến mảng văn học sự kiện, tư liệu.

Đối với các nhà văn trẻ, nó sẽ giúp họ hiểu hơn về chiến tranh mà không cần phải đi thực tế. Cái quan trọng nhất, họ biết cách sục vào các kho tư liệu để làm chất liệu cho tiểu thuyết của mình. Thông qua tư liệu và tài liệu, qua tiếp xúc và qua cảm nhận thế hệ, họ sẽ viết sâu hơn để phù hợp với nhịp sống của thời hiện đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.