Nhà văn Trần Văn Thước - Người đứng giữa làng quê

GD&TĐ - Sinh năm 1954 tại Vũ Lăng - Tiền Hải - Thái Bình, 25 tuổi Trần Văn Thước bị tai nạn lao động.

Nhà văn Trần Văn Thước đọc lại những lá thư tay của bạn viết, bạn đọc. Ảnh: Anh Thư
Nhà văn Trần Văn Thước đọc lại những lá thư tay của bạn viết, bạn đọc. Ảnh: Anh Thư

Vượt qua ranh giới giữa sống và chết, ông trở về đời thường với đôi chân bại liệt, trở thành một nhà văn sở hữu nhiều giải thưởng văn chương uy tín, có sức lan tỏa tới cộng đồng.

Bao nhiêu năm nay, nhà văn kiên trì đứng viết. Giữ cho mình đứng thẳng cũng là thái độ sống và viết.

Buổi sáng định mệnh ngày 7/7/1979. 9 giờ sáng, tại nhà máy xe lửa Lương Sơn - Thái Nguyên. Trần Văn Thước khi đó ở tuổi 25 đang cùng đồng nghiệp dựng nhà ăn cho cơ quan. Một đầu vì kèo trượt rơi xuống, trúng vào lưng. Thế là ngã xuống, ngất đi. Vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán đứt tủy, chấn thương cột sống nặng, thêm cấp cứu sai tư thế.

Điều kiện y tế của những năm 70 - 80 thế kỷ trước có giới hạn. Trần Văn Thước được đưa từ bệnh viện ngành lên bệnh viện tỉnh, rồi bệnh viện tuyến Trung ương. Hơn năm năm trời ròng rã, với những đau đớn triền miên, nhiều lần cầm chắc cái chết. Người đàn ông vốn khỏe mạnh, sôi nổi, là trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành tàn phế, với tỉ lệ thương tật hơn 80%.

“Giá ngày ấy nó cụt hẳn đi còn sướng hơn”. Đó là câu nói cửa miệng của Trần Văn Thước, sau đó là tiếng cười giòn tan. Sáu năm sau ngày xảy ra tai nạn, ông cùng vợ con chuyển về quê. “Nhưng về quê làm gì để sống?”.

Câu hỏi của người vợ trẻ làm ông day dứt. Cha mẹ đã già, gia cảnh nghèo túng, đất Vũ Lăng thuần nông, thu nhập chính chỉ trông vào vài sào ruộng. Chồng đau yếu cần một chế độ chăm sóc thuốc thang riêng; vợ không nghề nghiệp, hai con nhỏ dại. Rồi cuộc sống sẽ ra sao?

Vậy nhưng ông vẫn quyết định trở về!

Khó có thể kể hết nhọc nhằn của những năm tháng ấy. Hai vợ chồng, hai đứa con thơ tá túc nhờ cha mẹ già trong căn nhà gianh ẩm thấp. Ngoài việc chăm sóc thuốc men cho chồng, người vợ trẻ vốn ít nói càng lặng lẽ hơn với mấy sào ruộng, nuôi thêm con gà con lợn và quẩy gánh hàng tất tả ngược xuôi.

Cô con gái đầu lòng sớm biết sớm khôn, ngoài giờ học cũng lui tới mấy khu tập thể nhà máy xí nghiệp gần đó bán hàng rong. Trần Văn Thước thì mở một cái quán nhỏ hướng ra đường làng. Cả nhà dựa vào nhau, động viên nhau vượt qua từng đêm đông lạnh, mùa mưa bão, và những cơn đau.

***

Tập truyện ngắn 'Nguồn sáng' của nhà văn Trần Văn Thước.

Tập truyện ngắn 'Nguồn sáng' của nhà văn Trần Văn Thước.

Giờ đây, sau rất nhiều nỗ lực, Trần Văn Thước hài lòng với những gì mà hai vợ chồng đã gây dựng. Một căn nhà nhỏ nằm ngay đầu làng với cửa chính và cửa sổ luôn mở rộng.

Ba người con học hết đại học, có nghề nghiệp ổn định, dựng vợ gả chồng, cháu nội ngoại đủ cả. Trần Văn Thước còn có thêm một gia tài riêng, một “cơ ngơi” riêng trong làng văn chương Việt.

Nhiều năm nay, người dân xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò đứng sau khung cửa bé tí, hai tay tì lên hòm đạn - kỉ vật của người em trai mang từ chiến trường về. Hòm đạn được đặt trên mặt tủ gỗ cũ kỹ.

Bên trái là cái tủ kính cũng bé xíu bày hàng tạp hóa, đằng sau lủng lẳng những bao những túi ni lông đựng bim bim, bỏng gạo, có cả bóng bay và các viên bi nhiều màu sắc. Trước mặt là con đường làng người đi người lại.

Chiếc bút trên tay ông chạy nhanh. Gương mặt ông như đắm chìm vào thế giới khác. Có ai đến hỏi mua hàng, ông ngừng lại, với tay sang bên phải, bên trái, phía trước, đằng sau để lấy đồ, rồi tính tiền, trả lại tiền thừa.

Cứ như thế. Vừa bán hàng vừa viết. Chỉ viết ban ngày chứ không bao giờ viết ban đêm. Trừ những hôm ốm sốt, những cơn co giật hành hạ đau đớn, thời gian còn lại, ông trân quý từng giọt.

Khi từ cửa tử trở về, người ta sẽ thấu hiểu tận cùng niềm biết ơn cuộc sống, biết nâng niu và gom góp niềm vui bình dị để chưng cất thành giọt lành hạnh phúc. Những năm tháng khó khăn, giấy, mực, bút đều khan hiếm.

Trần Văn Thước phải tằn tiện lắm. Thói quen ấy ông giữ đến bây giờ. Từng hàng chữ viết tay vẫn chạy đều tăm tắp, nét chữ rõ ràng ngay ngắn trên tập giấy một mặt, dù ông đã có máy tính xách tay - quà tặng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho hội viên khó khăn.

Từ khung cửa sổ nhỏ, từ chiếc bàn viết đặc biệt, hai tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn và bút ký, tiểu phẩm đã ra đời. Nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang và dư luận như bút ký “Xin hãy nghe” (in năm 1988 trên báo Văn nghệ).

Nhiều truyện ngắn được bạn đọc nhớ mãi, như “Tháng ba thương nhớ”, “Tráng sĩ gà”, “Trạm xá làng”, “Về một miền quê khắc khoải” với văn phong đẹp, sâu lắng.

Giải thưởng truyện ngắn, bút ký từ báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Cửa Việt, giải thưởng văn học Lê Quý Đôn… và nhiều cuộc thi khác xác lập chỗ đứng cho nhà văn Trần Văn Thước trên văn đàn.

Đó là một vị trí không ở mặt tiền, không vạm vỡ, không nổi bật, nhưng được xây nên bằng niềm đam mê cùng biết bao mồ hôi kiên trì khó nhọc. Một chỗ đứng được tạo dựng với bao vun vén yêu thương của gia đình và bạn bè, cả những cơn đau, những giọt nước mắt khóc thầm trong bóng tối của người đàn ông có vẻ ngoài hoạt bát, hồn nhiên, luôn muốn đem lại niềm vui cho người khác, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn không giấu được phút giây mặc cảm, tủi thân tủi phận.

Và nếu xét ở không gian hẹp hơn, trong mảng đề tài viết về nông thôn, về làng quê, thì Trần Văn Thước có chỗ đứng độc lập, vững chắc. Ông viết về nông thôn, về cái làng của chính ông, về những con người xung quanh ông trong một tâm thế văn hóa.

Một nông thôn với không ít nỗi niềm xót xa trắc ẩn, những thân phận bị xô đẩy, bị oan ức, song ở họ luôn nhân hậu, ấm áp, biết vượt lên và biết tha thứ.

Làng quê hôm nay đang phải chịu nhiều thử thách hơn, khi công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa tràn về. Không gian truyền thống bị phá vỡ. Những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp bị thử thách, bị rạn nứt, đổi thay. Thực tế ấy đặt ra đòi hỏi mới cho người cầm bút. Và Trần Văn Thước lại nỗ lực để bù đắp những điều còn khuyết thiếu trong trang viết của mình.

Bạn bè văn chương đến thăm gia đình nhà văn. Ảnh: Anh Thư

Bạn bè văn chương đến thăm gia đình nhà văn. Ảnh: Anh Thư

***

Có ai nghe thấy một tiếng vọng

Thì thả con thuyền

sang với tôi**

Tiếng vọng ấy Trần Văn Thước đã kín đáo gửi qua hàng ngàn trang bản thảo viết tay, đến được với bạn đọc cả nước qua cả trăm truyện ngắn in trên báo và tạp chí văn nghệ ở Trung ương và địa phương, đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhiều năm liền, những lá thư cũng đều đặn gửi đến làng Vũ Lăng. Mỗi lá thư bày tỏ một câu chuyện. Mỗi lá thư hé mở một thân phận. Bạn từ miền Nam ra, từ Nam Định tới, từ Hà Nội về, từ Hải Phòng sang. Trần Văn Thước nhận những tấm lòng ấy, và sẻ chia cùng những tấm lòng.

“Mình khổ từ bé. Bị thế này lại thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Mình may mắn có gia đình, bạn bè ở bên. Nhiều người bạn của mình, cũng bệnh tật như mình còn chẳng có ai giúp. Thương lắm”.

Cho đến tận bây giờ, khi điện thoại, mạng xã hội đã phủ sóng khắp nơi, thì những lá thư tay giấy đã ngả màu vẫn được Trần Văn Thước cất giữ cẩn thận như một tài sản quý giá.

Có người đã lâu không gặp, có người bặt tin, người đã rời cõi tạm, nhưng ông vẫn nhớ như in dáng hình, tên tuổi và hoàn cảnh riêng, cả những câu chuyện họ đã từng sẻ chia. Nỗi nhớ đôi khi đi cùng niềm day dứt. Một trong những niềm day dứt ấy có tên N.T. T biết đến ông qua bài viết trên báo Tiền phong và đã gửi thư làm quen.

Trong thư T giới thiệu mình quê ở Hải Phòng, đang chấp hành án tại một trại giam ở Phú Thọ. Dù không biết lý do vì sao T phải chịu án tù 19 năm, nhưng qua từng lá thư T viết, Trần Văn Thước cảm nhận ở người thanh niên ấy những nỗi niềm dằn vặt bởi tội lỗi đã gây ra.

Đặc biệt, T còn bày tỏ niềm say mê đối với văn chương, gửi hàng chục bài thơ nhờ ông thẩm định, góp ý. Những lá thư, những lời động viên của nhà văn Trần Văn Thước đã nhen lên trong lòng T khao khát được trở về cuộc sống thiện lương, khao khát được làm thơ viết văn, và xây dựng hạnh phúc đời thường.

Được sự đồng ý của nhà văn Trần Văn Thước, xin được trích ra đây một đoạn nằm trong những lá thư của người tù N.T gửi cho ông từ hơn mười năm trước: “Cháu cứ mong rằng các chú sẽ tiếp tục dìu dắt cháu. Bản thân cháu sẽ kiên trì học hỏi, tìm tòi và nghe theo sự chỉ bảo của các chú. Cháu hứa sẽ cố gắng, không ngừng cố gắng… Nhưng chú Thước ơi. Môi trường tù này, con người sống với nhau có tình ít lắm chú ạ. Đại đa số là bon chen, lừa lọc. Cháu sợ lắm. Cháu sợ rồi lâu dần cháu sẽ sống như đại đa số con người ở đây, đánh mất cái tâm và cái tình, mất cái nhân bản và nhân văn. Như vậy thì làm sao mà theo nghệ thuật được phải không chú. Làm sao sáng tác văn học được khi phần con lấn át phần người. Cháu sợ lâu dần cháu sẽ biến thành con người khác mất thôi…”.

“Các chú” trong thư của N.T là nhà văn Trần Văn Thước và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - người bạn văn chương đất Thái Bình cũng bị liệt hai chân từ nhỏ. “Mình đọc hàng chục bài thơ của T, thấy thơ T viết rất có hồn, nét chữ đẹp, rõ ràng. Mình chợt nghĩ nếu biên tập và in được cho T một chùm thơ thì tốt biết bao.

Biết đâu có thể động viên cậu ấy cải tạo tốt hơn, động viên cậu ấy giữ vững niềm tin vào cuộc sống. Biết đâu sau này T có thể trở thành một người sáng tác”. Ý nghĩ trở đi trở lại, và Trần Văn Thước đã chia sẻ điều ấy với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Đỗ Trọng Khơi viết một lá thư dài, kèm bản thảo của N.T, gửi theo đường bưu điện tới báo Công an nhân dân.

Từ đây, bài viết “Những bài thơ viết trong tù của một tội nhân” đã ra đời, với lời giới thiệu trân trọng của Ban Biên tập: “Những câu thơ buồn, chứa đựng nỗi nghẹn ngào của một người con trai lỡ đánh mất cuộc đời… Nhưng thẳm sâu trong nỗi đau đắng chát ấy, chúng tôi nhìn thấy một thứ ánh sáng khác của lương tri, một vẻ đẹp đau đớn của lòng khát khao phục thiện”.

Bài báo hiện vẫn được lưu trữ trên trang điện tử của báo Công an nhân dân, thời điểm được đưa lên là 12/4/2009.

Một thời gian sau, nhà văn Trần Văn Thước bặt tin của người bạn rất đặc biệt này. T có còn giữ niềm say mê trong trẻo với văn chương? T có cải tạo thật tốt để được ra tù trước thời hạn? Dù không biết hiện nay T đang ở đâu, làm gì, ông vẫn tin vào niềm khát khao chân thành của T, tin rằng chàng trai ấy đã trở về đời thường, sống một cuộc sống giản dị đầm ấm bên người thân.

Và những câu thơ T viết “Ban mai xanh đến nghẹn ngào/ Có tia nắng lạc rơi vào tim tôi/ Giọt sương lặng lẽ đơn côi/ Hay là nước mắt của người phương xa…” vẫn trở về day dứt trái tim ông.

***

Không gian đứng viết của nhà văn. Ảnh: Anh Thư

Không gian đứng viết của nhà văn. Ảnh: Anh Thư

Đã hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ buổi sáng kinh hoàng ấy, từng cơn đau vẫn đeo đẳng nhà văn Trần Văn Thước. Hai chân càng thêm teo nhỏ, hai khung sắt mà các bác sĩ ở bệnh viện phục hồi chức năng thiết kế riêng để lồng vào chân cho ông đã cũ, đã gãy mòn nhiều chỗ, nhưng Trần Văn Thước vẫn không thể đi thay hai khung sắt mới.

Ông sợ những chuyến đi. Bởi ngay cả khi còn ngồi được lâu trên xe lăn, thì việc di chuyển đã rất phiền hà, khó khăn. Chỉ cần một vết trầy nhỏ, cơ thể ông phải mất hàng năm trời để lành lại.

Huống chi bây giờ nếu có ngồi thì chỉ được mươi phút. Còn lại là nằm. Và đứng. Đứng để viết. Đứng ở một vị trí duy nhất, gần giường, hai tay tì lên bàn viết và mắt nhìn ra ngoài khung cửa sổ.

Con đường phía trước nhà đã được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Trần Văn Thước ngừng bút. Từ ngày về quê đến nay, ông chỉ mới ra ngõ được năm lần.

Một lần đi thăm người bạn ở làng bên bị ốm. Một lần tiễn chân con gái út. Một lần đưa cha, một lần đưa mẹ về nơi yên nghỉ, và một lần đi thăm mộ tổ. Làng quê đã nhiều thay đổi mà một người gắn bó máu thịt như ông cũng không thể thấu hết.

Ông ao ước được thêm một lần ra thăm mộ phần cha mẹ. Ước mơ bình dị thế, đơn giản thế, và trong veo, như dáng hình giọt nước mắt tuổi xế chiều.

----------------

(**) Hai câu thơ trong bài “Tiếng vọng” của nhà thơ Trần Lê Văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.