Thời cổ đại, tổ tiên của chúng ta chưa biết tới Hải vương tinh-Neptune. Mãi tới năm 1846 các nhà khoa học mới phát hiện ra hành tinh này. Các đám mây khí xanh thẫm của hành tinh mới đã tạo cho các nhà thiên văn đầu tiên tìm ra nó ấn tượng về những vùng biển và đại dương bao la. Vì vậy, họ đã đặt cho nó cái tên của Neptune, vị thần La Mã cai quản biển cả, tiếp tục truyền thống đặt tên hành tinh theo tên các vị thần trong thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Không hề đơn giản nếu bạn muốn tận mắt ngắm nhìn sao Hải Vương. Thiên thể này nằm cách Trái Đất khoảng 4,41 tỉ km và rất mờ, do đó không thể nhìn bằng mắt thường. Phải trang bị một ống nhòm, chọn một đêm tối trời và không có mây, những người yêu thiên văn mới có thể nhìn thấy một đốm sáng nhỏ. Nếu muốn nhìn sắc xanh của hành tinh này, bạn sẽ phải có một chiếc kính thiên văn cỡ nhỏ.
Vì ở cách rất xa Mặt Trời (gấp khoảng 30 lần quãng đường Trái Đất – Mặt Trời) nên sao Hải Vương cực kỳ lạnh giá. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt của nó là -218 độ C. Tuy nhiên, hành tinh này vẫn đang tỏa ra một lượng nhiệt nhỏ và người ta cho rằng đó là nguyên nhân của những trận gió cực mạnh với vận tốc lên tới 2.000km/h.
Trên bề mặt sao Hải Vương cũng có một cơn lốc khổng lồ xảy ra thường xuyên được biết tới với tên gọi Đốm đen lớn. Người ta dự đoán rằng ở sao Hải Vương cũng có bốn mùa và mỗi mùa kéo dài khoảng 40 năm.
Các nhà khoa học cho rằng sao Hải Vương vẫn có thể tỏa nhiệt vì trong quá khứ nó đã từng nuốt chửng cả một hành tinh. Họ đặt giả thuyết rằng trước khi sao Hải Vương và cả sao Thiên Vương đều ở gần Mặt Trời hơn nhưng chúng đã dần di chuyển ra xa.
Trên quãng đường đó, sao Hải Vương đã hút một hành tinh lớn gấp Trái Đất khoảng 2 lần và nhiệt lượng hiện tại chính là tàn dư của vụ va chạm đó. Vệ tinh Triton (tên chiếc đinh ba của thần biển cả) cũng bị “bắt cóc” và đổi chủ.
Lúc này vẫn có một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các nhà khoa học: Năng lượng để Hải vương tinh điều khiển những cơn cuồng phong bắt nguồn từ đâu trong hệ Mặt Trời. Bởi về khoảng cách, ngôi sao này còn xa hơn so với khoảng cách từ mặt trời đến Diêm Vương tinh, và nhiệt lượng đo được từ bên trong hành tinh tương đối yếu.