Hung thần của vũ trụ

GD&TĐ - Hố đen là một trong bí ẩn lớn nhất của vũ trụ mà cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời. Nhưng từ lâu nó đã được coi là quái vật với khả năng nuốt chửng mọi vật chất trên đường di chuyển.

Hung thần của vũ trụ

Hố đen có mật độ vật chất đậm đặc đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi lực hấp dẫn của nó. Hố đen có kích cỡ trung bình là loại phổ biến nhất. Chúng hình thành khi một ngôi sao khổng lồ chết đi hoặc sau vụ nổ siêu tân tinh. Phần lõi còn lại của ngôi sao bị sụp đổ bởi lực hấp dẫn của chính nó. Vật chất tích tụ lại ở một điểm kỳ dị với mật độ cực lớn. Những hố đen như vậy nặng hơn Mặt Trời khoảng 10 lần.

Nếu bạn bay đến gần một hố đen, lực hấp dẫn khổng lồ của nó sẽ làm thời gian chậm lại và không gian bị bẻ cong, theo Mother Nature Network. Khi hố đen kéo bạn lại gần hơn, bạn sẽ tiến vào một đĩa vật chất hình xoắn ốc bao gồm các ngôi sao, khí, bụi, hành tinh, đang chuyển động hướng về phía chân trời sự kiện. Trong trường hợp rơi vào hố đen, con người có thể bị kéo dãn với lực mạnh đến mức các tế bào vỡ ra, hoặc bị đốt cháy ngay lập tức bởi bức tường lửa khổng lồ.

Cách đây hơn chục năm, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) Mỹ đã quan sát được một hố đen khổng lồ nuốt chửng một ngôi sao trong dải thiên hà ở xa cách Trái đất 4 tỷ năm ánh sáng. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng kính thiên văn để theo dõi những hiện tượng kỳ thú trong vũ trụ, và phát hiện một ngôi sao "cư trú" ở dải thiên hà thuộc chòm sao Bootes bị một hố đen khổng lồ xé thành từng mảnh.

Bằng kính viễn vọng "Thăm dò sự phát triển của Dải thiên hà", các nhà khoa học đã phát hiện một luồng sáng cực tím phát ra từ trung tâm của một dải thiên hà hình ê-líp thuộc chòm sao Bootes nằm rất xa. Nhà thiên văn học Suvi Gezari thuộc Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ) cho biết trên thực tế, vệt sáng này phát ra từ một ngôi sao bị "xé vụn" và bị nuốt chửng vào một hố đen. Đây là một hiện tượng rất hiếm xảy ra, phải 10.000 năm mới có một ngôi sao bị hố đen nuốt chửng.

V404 Cygni, hố đen cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng, phát ra những tia sáng đỏ rực mang năng lượng bằng 1.000 Mặt Trời trong quá trình hút vật chất từ ngôi sao. Theo Telegraph, các nhà thiên văn học Anh có cơ hội quan sát những tia sáng đỏ rực kéo dài vài tích tắc ở một sự kiện bùng phát hố đen gần đây. Hố đen mang tên V404 Cygni phát sáng dữ dội trong hai tuần vào tháng 6 năm ngoái khi nó hút vật chất từ một ngôi sao quay xung quanh. V404 Cygni, ở cách 7.800 năm ánh sáng, được coi là hố đen gần Trái Đất nhất.

Trong nghiên cứu công bố đầu tháng 3/2016 trên tạp chí Báo cáo hàng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đứng đầu là tiến sĩ Poshak Gandhi ở Đại học Southampton, Anh, cho biết hố đen cũng phun ra một số vật chất mà nó không thể hấp thụ.

Các nhà thiên văn suy luận màu đỏ đến từ những dòng vật chất di chuyển nhanh phát ra gần hố đen. Quan sát của họ góp phần mở ra cách nhìn mới về sự hình thành của dòng vật chất kiểu này và hố đen. "Tốc độ cao cho chúng ta biết khu vực nơi ánh sáng đỏ phát ra rất dày đặc. Khi kết hợp thông tin về màu sắc, tốc độ, năng lượng tia sáng, chúng tôi kết luận ánh sáng này phát ra từ chân hố đen. Chúng tôi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng, nhưng từ trường mạnh chắc chắn đóng vai trò quan trọng", Gandhi cho biết.

"Những tia sáng đỏ tỏa ra năng lượng mạnh nhất khi quá trình hút vật chất của hố đen đạt đỉnh. Chúng tôi suy đoán khi hố đen gia tăng hút vật chất từ ngôi sao quay quanh, nó phản ứng dữ dội bằng cách phun ra một số vật chất dưới dạng dòng xoay nhanh", Gandhi giải thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.